09:07 02/09/2014

Lực lượng ở Đông Ukraine yêu cầu hưởng quy chế đặc biệt

Ngay trước thềm cuộc gặp ở thủ đô Minsk của Belarus, lực lượng đòi liên bang hoá ở miền Đông Ukraine cam kết sẽ duy trì sự thống nhất của Ukraine nhưng đổi lại họ phải được quy chế đặc biệt đối với hai vùng lãnh thổ Donetsk và Lugansk.

Liên quan đến cuộc gặp của Nhóm tiếp xúc Ukraine diễn ra ngày 1/9 ở thủ đô Minsk của Belarus, phóng viên TTXVN tại Đông Âu cho biết ngay trước thềm cuộc gặp, lực lượng đòi liên bang hoá ở miền Đông Ukraine cam kết sẽ duy trì sự thống nhất của Ukraine nhưng đổi lại họ phải được quy chế đặc biệt đối với hai vùng lãnh thổ Donetsk và Lugansk.

Cụ thể, lực lượng này yêu cầu được có lực lượng an ninh riêng, có chính sách đối ngoại riêng, được bổ nhiệm các công tố viên và thẩm phán, hội nhập kinh tế sâu với Nga, tham gia Liên minh Hải quan do Nga đứng đầu và được sử dụng tiếng Nga.

Tay súng thuộc lực lượng đòi kiên bang hóa gác tại thành phố miền đông Donetsk. Ảnh: AFP/ TTXVN


Ngoài ra, quân đội chính phủ Ukraine phải ngừng ngay các hoạt động quân sự ở hai vùng lãnh thổ Donetsk và Lugansk hiện do lực lượng kiểm soát để mở đường cho một cuộc bầu cử tự do.

Lực lượng đòi ly khai ở miền Đông còn yêu cầu chính quyền Kiev ân xá vô điều kiện cho các dân quân và các tù nhân chính trị đang bị giam giữ. Tuyên bố của lực lượng trên nếu rõ nếu các yêu cầu trên được thực thi, họ sẽ "nỗ lực hết mình duy trì hòa bình, không gian kinh tế, văn hóa và chính trị thống nhất của Ukraine".

Theo kế hoạch, cuộc gặp của Nhóm tiếp xúc Ukraine có sự tham gia của đại diện Ukraine, Nga, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), đại diện của lực lượng đòi ly khai ở miền Đông Ukraine là Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng.

Trong khi đó, tình hình chiến sự trên thực địa ở miền Đông Ukraine tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Theo người phát ngôn quân đội Ukraine Andriy Lysenko, các binh sĩ nước này đã rút khỏi sân bay Lugansk và ngôi làng Georgiyivka lân cận sau khi hứng chịu pháo kích dữ dội có độ chuẩn xác cao của phe đối lập. Sân bay Lugansk và làng Georgiyivka chỉ cách thành phố Lugansk - thành trì của lực lượng đòi liên bang hoá - vài km về phía Nam.

Quân đội Ukraine ở cách thành phố Slavyansk khoảng 20km. Ảnh: AFP/ TTXVN


Trong khi đó, trang tin "112.ua" của Ukraine dẫn lời Chỉ huy trung tâm trao đổi tù binh, Tướng Vladimir Ruban, có khoảng 680 binh sĩ Ukraine đã bị bắt giữ sau các cuộc giao tranh mới đây ở tỉnh Donetsk. Trong số này có 80% bị bắt ở Ilovaisk.

Tình hình chiến sự căng thẳng ở miền Đông khiến Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Valeriy Geletey cảnh báo về "một cuộc đại chiến" có thể nổ ra giữa Ukraine và Nga. Trong tuyên bố trên mạng xã hội Facebook, Bộ trưởng Geletey nói rằng binh sĩ Nga đã bắt đầu di chuyển vào hai thành phố Lugansk và Donetsk, nhưng "Kiev không có kế hoạch đầu hàng".

Tuy nhiên, thông tin của ông Geletey chưa được kiểm chứng độc lập và trái ngược hoàn toàn với tuyên bố ngay trước đó của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định Nga không triển khai binh sĩ tại Ukraine.

Trong một diễn biến khác, phóng viên TTXVN tại Roma dẫn lời của Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), Ngoại trưởng Italy Federica Mogherini, ngày 1/9 tuyên bố EU sẽ ưu tiên giải quyết vấn đề Ukraine bằng con đường ngoại giao chứ không tìm kiếm một giải pháp quân sự.

Trả lời phỏng vấn nhật báo "Corriere della Sere", bà Mogherini cho rằng giải pháp ngoại giao "phù hợp nhất với lợi ích không chỉ của Ukraine mà còn của cả Nga và châu Âu".

Theo bà, việc EU gia tăng các biện pháp trừng phạt Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng tại Ukraine là "biện pháp bắt buộc" và những tác động do các biện pháp này gây ra đối với kinh tế Nga là hậu quả của các chính sách do Moskva đưa ra.

Đây là phát biểu đầu tiên của bà Mogherini kể từ khi được bổ nhiệm làm Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU, thay cho bà Catherine Ashton vừa kết thúc nhiệm kỳ hôm 31/8 vừa qua.

Báo chí Italy cho rằng một trong những thách thức mà bà Mogherini phải đối mặt trên cương vị mới là tăng cường ảnh hưởng của EU trong việc giải quyết khủng hoảng Ukraine, xác lập lại quan hệ EU-Nga và tìm lối thoát cho vấn đề Lybia, Syria, Iraq cũng như chương trình hạt nhân của Iran.


TTXVN/Tin tức