01:06 12/01/2020

Lực lượng miền Đông Libya tuyên bố ngừng bắn từ ngày 12/1

Ngày 11/1, các lực lượng miền Đông Libya do Tướng Khalifa Hafta lãnh đạo đã tuyên bố ngừng bắn kể từ 0h ngày 12/1 (giờ địa phương, tức 5h sáng cùng ngày giờ Hà Nội) theo lời kêu gọi của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Chú thích ảnh
Các lực lượng trung thành với Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) trong cuộc đụng độ với lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) trung thành với Tướng Khalifa Hafta tại khu vực al-Sawani, phía nam Tripoli, ngày 13/6/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuy nhiên, các lực lượng của Tướng Hafta cảnh báo họ sẽ phản ứng mạnh mẽ nếu có trường hợp vi phạm thỏa thuận ngừng bắn của phe đối lập, ám chỉ các lực lượng của Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) được quốc tế công nhận, hoạt động ở thủ đô Tripoli.

Đây được coi là động thái bất ngờ bởi hôm 9/1, chỉ huy lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) đóng ở miền Đông, Tướng Khalifa Hafta đã từ chối lời kêu gọi ngừng bắn của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục các hoạt động quân sự chống lại các lực lượng trung thành với GNA. Trong tuyên bố, Tướng Haftar "hoan nghênh" sáng kiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin, song vẫn khẳng định tiếp tục "những nỗ lực vũ trang trong cuộc chiến chống lại các nhóm khủng bố". Ông nói thêm rằng, các nhóm này đã chiếm thủ đô Tripoli và đang nhận được sự hỗ trợ từ một số quốc gia và chính phủ nước ngoài như cung cấp thiết bị quân sự, đạn dược và máy bay không người lái. Các quốc gia hỗ trợ, đáng chú ý là Thổ Nhĩ Kỳ, cũng gửi một số lượng lớn những phần tử khủng bố từ khắp nơi trên thế giới đến Libya để chiến đấu chống lại LNA.

Trước đó, ngày 8/1, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và người đồng cấp Nga Putin đã nhất trí lập trường kêu gọi ngừng bắn tại Libya. GNA đã hoan nghênh lời kêu gọi đình chiến, nhưng không khẳng định sự tuân thủ lời kêu gọi này.

Từ đầu tháng 4/2019, LNA đã phát động chiến dịch quân sự nhằm giành quyền kiểm soát thủ đô Tripoli từ GNA. Giao tranh ác liệt giữa các bên đã khiến hàng nghìn người thương vong, buộc hơn 300.000 người phải rời bỏ nhà cửa và khoảng 800.000 người phải trông chờ vào viện trợ nhân đạo.

Ngọc Biên (TTXVN)