03:22 14/03/2016

Lục Khu đau đáu chờ mưa - Bài 1

So với cùng kỳ các năm trước, năm nay, tình trạng khô hạn ở vùng Lục Khu của huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng đã dài hơn 1 tháng và không biết sẽ còn bao lâu nữa trời mới có mưa. Đã bước sang tháng 2 Âm lịch gần 10 ngày rồi, nhưng đồng bào vẫn chưa thể gieo trồng vụ xuân do không có nước. Để đối phó với khô hạn, lãnh đạo huyện đã có nhiều quyết sách đưa cây trồng chịu hạn, ngắn ngày vào trồng, nhưng cũng vẫn phải chờ nước trời.

KHÔ HẠN ĐÁNG BÁO ĐỘNG

Từ trung tâm huyện Hà Quảng ngược lên các xã vùng Lục Khu mới có sự so sánh chính xác. Chỉ cách nhau có vài km, nhưng ở những xã vùng thấp cây thuốc lá đã ra hơn chục lá, xanh mướt mỡ màng; các loại rau màu cũng cùng với đó mà lên, bởi được ưu đãi từ nguồn nước suối Lênin chảy về bằng hệ thống kênh mương nội đồng bê tông kiên cố. Thế nhưng, ở xã Kéo Yên, cây thuốc lá của một số hộ ở những xóm vùng thấp trồng cùng thời điểm trước Tết thì mới chỉ ra được 5 - 6 lá. Nhìn những cây thuốc lá còi cọc, úa vàng mà xót xa.

Chắt chiu từng giọt nước cho cây trồng.

Lách qua những mỏm đá xen lẫn đất khô cằn, chúng tôi gặp vợ chồng anh Lý Văn Đằng, ở xóm Pá Rản, xã Kéo Yên, đang chắt chiu từng giọt nước tưới cho những cây thuốc lá đã trồng được gần 2 tháng qua. “Các anh thấy đấy, bây giờ không còn nước để tưới nữa. Thiếu nước, hơn 1.000 m2 cây thuốc lá của tôi cứ héo hon dần. Bón phân cây cũng không hấp thụ được, cũng bởi thiếu nước. Cứ đà này, nửa tháng nữa trời không cho mưa chắc chúng chết hết”, anh Đằng chỉ tay vào những cây thuốc lá còi cọc, rầu rĩ nói:

Các cụ cao niên ở Hà Quảng cho biết, thường cứ 4 - 5 năm lại xảy ra tình trạng mưa chậm như năm nay. Khô hạn sẽ tập trung cao điểm vào các tháng 1, 2, 3, đến cuối tháng 3 Âm lịch mới có mưa, nhưng cũng thường là mưa đá… Kinh nghiệm là người dân chuẩn bị cây, con giống, phân bón, để lúc nào có mưa là gieo trồng ngay.

Dẫn chúng tôi đi thăm các vạt đồi, thửa ruộng còn đang khô cạn, Phó Chủ tịch UBND xã Kéo Yên, ông Lý Quốc Nam, cho biết: “Vào dịp này mọi năm, người dân đã nô nức trồng ngô, bởi cây ngô là cây chủ lực vụ xuân ở các xã vùng cao, nhưng năm nay, nước không có, ruộng nương nứt nẻ, nước trên các khe, mó giờ cũng cạn rồi ai ai trong xã cũng ngóng trời mưa. Ngay như xóm Pá Rản, xóm thấp nhất của xã, nước sinh hoạt cũng còn phải dùng tằn tiện, huống chi là nước sản xuất”.

Ruộng cây thuốc lá đã trồng từ lâu nhưng không lên được do thiếu nước.

Ông Vương Văn Choóng, ở xóm Rằng Rụng, than thở: “Thời tiết ngày càng bất thường, trước Tết thì sương muối, không có mưa, dẫn tới không có nước. Dưới vùng trũng còn không có nước, thì những xóm ở trên cao còn khó hơn gấp bội phần. Do khô hạn, người dân không làm đồng được, không xuống giống được. Năm nay, giờ vẫn chưa xuống giống được, không biết vụ này có trồng được gì không. Nếu có trồng được thì năng suất và chất lượng cũng sẽ giảm”.
Phó Chủ tịch UBND xã Kéo Yên, ông Lý Quốc Nam, ngó lên trời lo lắng: “Nếu không có nước, người dân ở đây chỉ làm được 1 vụ mùa, còn lại chủ yếu là làm nương, rẫy. Từ đầu năm đến nay, ở đây không có mưa, nên cây thuốc lá, đậu tương cũng không trồng được. Hạn hán đã hiện hữu ở vùng đất này”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hà Quảng, ông Nguyễn Sỹ Hành, cho biết, do thời tiết ngày càng khắc nghiệt, ngay từ đầu năm, huyện đã có văn bản chỉ đạo các xã chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện thời tiết như: Ngô, đậu tương, lạc, gừng trâu. Đồng thời, chỉ đạo các xã huy đồng người dân nạo vét kênh mương, hồ chứa, chuẩn bị sẵn sàng cây giống để khi có mưa là đồng loạt gieo trồng.

Theo quy luật, ít nhất phải 2 tháng nữa mới có mưa, nhưng theo dự báo năm nay, tình trạng hạn hán có thể sẽ kéo dài hơn, hàng ngàn người dân nơi đây vẫn đang từng ngày đối mặt với khô hạn.

Bài và ảnh: Trọng Thủy