06:14 29/06/2012

'Lục địa già' bàn cách chặn khủng hoảng nợ công

Lãnh đạo các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã bắt đầu hội nghị thượng đỉnh kéo dài 2 ngày 28-29/6 tại Brussels (Brúcxen, Bỉ). Hội nghị diễn ra trong bối cảnh "cơn bão" khủng hoảng nợ công đang có nguy cơ quật ngã ngay cả một số nền kinh tế hàng đầu ở "lục địa già".

Lãnh đạo các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã bắt đầu hội nghị thượng đỉnh kéo dài 2 ngày 28-29/6 tại Brussels (Brúcxen, Bỉ), hội nghị thượng đỉnh lần thứ 19 của EU kể từ năm 2010. Hội nghị mang tính sống còn đối với tương lai đồng euro này diễn ra trong bối cảnh "cơn bão" khủng hoảng nợ công đang có nguy cơ quật ngã ngay cả một số nền kinh tế hàng đầu ở "lục địa già".

 

Ngày 23/5, tại Hội nghị thượng đỉnh không chính thức diễn ra ở Brúcxen (Bỉ), các nhà lãnh đạo EU đã thảo luận về khả năng phát hành trái phiếu chung của khu vực nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế. Ảnh: AFP/ TTXVN

 

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman van Rompuy tối 28/6 thông báo các nhà lãnh đạo hàng đầu của EU đã nhất trí huy động 120 tỷ euro (khoảng 150 tỷ USD) nhằm hỗ trợ các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng, giúp những nền kinh tế dễ bị tổn thương nhất trong khối. Ông nói EU sẽ tăng khả năng cung cấp tài chính cho nền kinh tế bằng việc huy động khoảng 120 tỷ euro cho các biện pháp tăng trưởng tức thì. Gói biện pháp trên do bốn nước thành viên Khu vực đồng euro (Eurozone) gồm Đức, Pháp, Italia và Tây Ban Nha đề xuất, với hy vọng sẽ thúc đẩy được tăng trưởng và tạo việc làm thông qua các dự án cơ sở hạ tầng liên quốc gia.

 

Tại cuộc họp báo khi kết thúc ngày họp thứ nhất, Chủ tịch Herman Van Rompuy tuyên bố các nhà lãnh đạo châu Âu đã tiến gần tới một thỏa thuận về “hiệp ước tăng trưởng” mới bằng việc nhất trí chi tổng cộng 120 tỷ euro để tiếp thêm sinh lực cho các nền kinh tế đang gặp khó khăn. Ông nói: "Những gì chúng tôi đã nhất trí là việc củng cố tài chính cho nền kinh tế bằng 120 tỷ euro dành cho các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng nhanh". Kế hoạch này là một gói các biện pháp nhằm tạo điều kiện tăng sản lượng và tạo việc làm. Theo kế hoạch trên, các ngân quỹ chưa được sử dụng của EU sẽ được chuyển cho các nước nghèo nhất và tăng cường vốn của Ngân hang Đầu tư châu Âu bằng cách tăng vốn cơ bản thêm 10 tỷ euro. Ông Herman van Rompuy cho hay nhiệm vụ của hội nghị lần này là phải thông qua được những biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm tại châu Âu, đồng thời đưa ra một kế hoạch để cứu đồng tiền chung euro khỏi bị sụp đổ, kéo theo hậu quả khôn lường đối với nền kinh tế toàn cầu.

 

Tuy nhiên, Thủ tướng Đan Mạch Helle Thorning-Schmidt, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, đã thừa nhận rằng một hiệp ước về tăng trưởng và việc làm vẫn chưa được các nhà lãnh đạo chóp bu của liên minh nhất trí. Có nguồn tin tại hội nghị cho biết Italia và Tây Ban Nha dọa sẽ ngăn cản việc thông qua toàn bộ hiệp ước về tăng trưởng nếu họ không được đảm bảo rằng sức ép tài chính đối với họ sẽ giảm bớt.

 

Theo các nhà quan sát, mặc dù trọng tâm hội nghị thượng đỉnh EU lần này là hợp nhất các hiệp ước hiện hành thành "Hiệp ước tăng trưởng", song các nhà lãnh đạo tổ chức này cũng sẽ tìm cách xác định tương lai của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong thập niên tới, tìm kiếm sự hợp nhất chặt chẽ hơn trong khu vực dưới hình thức một liên minh ngân hàng và trao cho EU quyền kiểm soát các khu vực tài chính và ngân sách của các nước thành viên.

 

Hiện Pháp vẫn chưa sẵn sàng chấp nhận ngay lập tức sự hội nhập chính trị sâu hơn trong EU. Trong khi đó, trước thềm hội nghị, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tuyên bố bác bỏ đề xuất chính của Pháp về phát hành trái phiếu Khu vực đồng euro và khẳng định các công cụ chung của Khu vực đồng euro như trái phiếu, hóa đơn thanh toán và kế hoạch chuộc nợ là không phù hợp với Hiến pháp của Đức, sai lầm và phản tác dụng về kinh tế.

 

Báo "Les Echos" (Pháp) ngày 28/6 cho rằng bất chấp việc đạt được một số điểm tương đồng quan trọng, trong đó có hiệp ước tăng trưởng theo đề xuất của Tổng thống Pháp Francois Hollande, lãnh đạo các nước tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) vẫn cảm thấy một bầu không khí căng thẳng, đặc biệt trước các vấn đề nợ công của Hy Lạp, khủng hoảng ngân hàng của Tây Ban Nha và những công kích của Italia. Chính các lãnh đạo EU còn chưa xác định được đây là Hội nghị thượng đỉnh về khủng hoảng hay tái thiết. Giữa sự cần thiết phải suy ngẫm về các biện pháp củng cố liên minh kinh tế và tiền tệ, nhằm sửa chữa các khiếm khuyết về cấu trúc của đồng euro và việc phải thắt chặt quản lý khủng hoảng kinh tế đang tấn công “các nước ngập sâu trong nợ nần”, nhiệm vụ đặt ra cho lãnh đạo các nước EU thật quá phức tạp và khó có thể tìm được sự thống nhất.

 

T. Vân- Khoa (p/v TTXVN tại Brussels)