04:07 29/04/2012

Lúc ấy là 21 giờ 15 phút ngày 29/4/1975

Cuối tháng 4/1975, tiểu đoàn 11, pháo 122 ly, đoàn pháo binh Biên Hòa chúng tôi vừa phối hợp cùng bộ binh giải phóng Bảo Lộc (Lâm Đồng), nhận lệnh tiến về hướng Sài Gòn.

Cuối tháng 4/1975, tiểu đoàn 11, pháo 122 ly, đoàn pháo binh Biên Hòa chúng tôi vừa phối hợp cùng bộ binh giải phóng Bảo Lộc (Lâm Đồng), nhận lệnh tiến về hướng Sài Gòn. Chính trị viên đại đội Bùi Chính xoa tay phấn chấn:

- Thế là sắp tới trận quyết chiến rồi đó các cậu. Nhất định trận này Sài Gòn sẽ được giải phóng - anh cười rạng rỡ - Giải phóng xong mình sẽ được về nhà gặp vợ và con gái rượu rồi!


Anh cười mà đôi mắt thì ầng ậng nước. Anh và tôi vốn cùng quê Nghi Xuân, Hà Tĩnh với nhau, nhà anh ở xã bên, chỉ cách nhà tôi một quãng đồng. Anh đi lính vào cái thời tôi đang đội mũ rơm cắp sách tới trường. Khoảng 5 năm trước đó, tôi thấy anh mang ba lô đội mũ tai bèo về quê. Cha anh đã mất trong một trận bom Mỹ, mẹ anh đã già, cứ giục anh cưới vợ. Thương mẹ, anh đã kết hôn với cô giáo Minh Trang, một cô gái nết na có tiếng ở làng. 9 tháng sau ngày anh trở lại chiến trường, cô Minh Trang sinh hạ cho anh một đứa con gái. Nhớ anh, cô đặt tên con là Hoài Nam. Biết tin, anh mừng lắm, nhưng từ ấy đến nay anh vẫn bám trụ ở chiến trường miền Đông xa lăng lắc này, chưa một lần về…

Yểm trợ cho các cánh quân của sư đoàn Sông Lam (341) giải phóng Xuân Lộc, một cái chốt chặn kiên cố của địch ở cửa ngõ Sài Gòn, tiểu đoàn tiếp tục cơ động. Đó là những ngày chiến đấu không nghỉ, vô cùng căng thẳng, ác liệt, nhưng niềm vui cũng vô cùng. Chúng tôi cứ hành quân đến, chiếm lĩnh trận địa xong là nổ súng. Trận đánh vừa kết thúc, khói súng chưa bay hết khỏi vỏ đạn, lại hành quân. Chính trị viên Bùi Chính mặt mày hốc hác nhưng vui như đứa trẻ, luôn miệng huýt sáo mồm khúc “Tiến về Sài Gòn”.

Chiếc đài bán dẫn Hitachi chiến lợi phẩm đeo bên hông anh được mở hết cỡ, phát tin chiến thắng khắp nơi làm nức lòng các cán bộ, chiến sĩ. Đêm 26/4/1975, sau khi cùng các đơn vị Quân đoàn 2 nổ súng tiêu diệt căn cứ Nước Trong, mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tiểu đoàn tiến về Hố Nai thì được tin bọn địch ở căn cứ này đã hoảng sợ bỏ chạy.

Xe pháo tiểu đoàn cứ ung dung theo lộ trình hành quân tiến về Sài Gòn. Khoảng 8 giờ tối, phần vì trên đường xe cộ địch bỏ lại để tháo chạy nằm ngổn ngang, phần vì xe kéo pháo trục trặc, đội hình tiểu đoàn bị đoàn xe tăng quân ta đi phía trước bỏ lại khá xa. Bất ngờ, chúng tôi bị pháo kích. Hàng loạt pháo 105 ly và cả đạn cối của địch tới tấp dội xuống đội hình tiểu đoàn. Cánh pháo thủ nhảy đại xuống, cứ gặp hang hốc, hầm hào là chui vào. Trận pháo kích kéo dài khoảng 10 phút thì ngưng hẳn. Kiểm đếm lại, có 3 chiến sĩ hy sinh, số bị thương lên đến hơn chục người. Chúng tôi đang í ới gọi nhau, băng bó vết thương cho nhau thì từ sườn bên phải bỗng xuất hiện 5 ổ đại liên của địch, bắn xối xả về phía chúng tôi.

Thì ra đây là lũ ác ôn của căn cứ Hố Nai ngoan cố trụ lại. Trận pháo kích ban nãy là do bọn này chỉ điểm. Lũ ác ôn này khá xảo quyệt, biết lính pháo chỉ được trang bị tiểu liên AK, nên mấy khẩu đại liên chúng đặt cách đội hình tiểu đoàn hơn 1 km. Lúc này thời gian là lực lượng, nếu không nhanh chóng tìm cách diệt bọn này, không những ta còn thêm thương vong mà đội hình hành quân của tiểu đoàn chưa biết bao giờ tiến lên được. Khốn nỗi lính pháo không quen tác chiến bộ binh, nếu cứ cho anh em xông lên trước họng 5 khẩu đại liên đang khạc đạn, chẳng khác gì đem quân ra nướng. Dùng hỏa lực thì với khoảng cách này, tiểu liên AK không tác dụng, mà dùng pháo 122 ly là pháo cầu vồng, cự ly gần quá, không thể bắn được. Tôi đang nhô đầu lên quan sát tìm cách đánh, bỗng thấy có người lom khom chạy về phía mấy khẩu đội pháo phòng không 37 ly hai nòng của đơn vị bạn đi trước chúng tôi, cũng đang dừng lại trên đường bởi ban chỉ huy đại đội ấy đã trúng đạn pháo địch thương vong hết. Át cả tiếng súng nổ, tiếng người ấy vang lên dõng dạc:

- Tôi là Bùi Chính, chính trị viên đại đội pháo 122, tiểu đoàn 11, đoàn pháo binh Biên Hòa đây. Tôi ra lệnh: Tất cả các Đảng viên, đoàn viên cộng sản, tất cả các pháo thủ pháo 37 ly về ngay vị trí chiến đấu!

Nhiều bóng người chạy ra khỏi nơi trú ẩn nhảy lên mâm những khẩu pháo 37 ly. Tôi và Chu Văn Đưng quê Thạch Hà, Nguyễn Văn Sơn quê Can Lộc đều là lính pháo 122 ly cũng chạy đến nhảy vào vị trí tiếp đạn. Bùi Chính đứng thẳng dậy, hô lớn:

- Vì chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử! Vì Sài Gòn giải phóng! Các khẩu đội hạ thấp nòng pháo, ngắm trực tiếp! Nhằm hỏa lực địch. Bắn!

Năm khẩu pháo phòng không 37 ly đặt ngay trên đường chúc nòng xuống, nhảy chồm dậy, gầm lên. Ngay từ loạt đạn đầu, cả 5 hóa điểm địch bị thổi tung. Trong làn đạn cuối cùng của địch rít cheo chéo bên mình, tôi bỗng thấy chính trị viên Bùi Chính ôm ngực lảo đảo khuỵu xuống. Chúng tôi ào cả lại đỡ lấy anh. Anh nằm bất tỉnh trong tay tôi, áo quần ướt đẫm máu. Một viên đạn đại liên xuyên qua ngực anh. Thấy chúng tôi đang vây quanh, anh từ từ mở mắt, thều thào:
- Tôi biết… mình… không sống… được nữa! Đại quân đang… thần tốc tiến về… Sài Gòn. Đây là thời cơ lịch sử… Các… đồng chí cứ… để tôi ở lại… Hãy tiến lên… tiến về Sài Gòn… cho kịp!

Nói rồi, anh nhắm mắt. Trên gương mặt thanh thản của anh thoáng một nét cười. Chúng tôi đứng cả dậy, đưa tay ngả mũ. Ai cũng dàn dụa nước mắt. Có người bật khóc tức tưởi. Lúc ấy là 21 giờ 15 phút đêm 29/4/1975!

Đã 36 lần tháng tư đi qua cuộc đời mình. Tôi biết khi nhận giấy báo tử của anh, không chịu nổi nỗi đau, mẹ anh đã lâm bệnh, qua đời. Hoài Nam, con gái của anh mà anh chưa hề biết mặt, đã lớn lên xinh đẹp, nết na. Hoài Nam đã tốt nghiệp đại học. Cô đi theo con đường của mẹ trở thành cô giáo và đã lấy chồng. Chồng Hoài Nam cũng là một người lính, hiện hai vợ chồng Hoài Nam đã xây một ngôi nhà khang trang ở quê nhà mời mẹ Minh Trang về ở cùng mình để hương khói, thờ phụng ba Chính.

Và chúng tôi, những người còn sống, những đồng đội của anh cứ mỗi độ tháng tư về, tôi và những đồng đội tiểu đoàn pháo binh ngày ấy vẫn tụ hội với nhau. Chúng tôi gặp gỡ để nhớ về một thời trai trẻ, một thời trận mạc của mình; để nhớ về một thời hào hùng của dân tộc, của cuộc đời mình. Mỗi khi gặp nhau, chúng tôi lại kính cẩn dâng nén tâm hương lên bàn thờ anh Bùi Chính - người đồng đội - người đồng hương Hà Tĩnh - đã anh hùng ngã xuống tại cửa ngõ Sài Gòn cho cuộc sống tốt đẹp hôm nay!

Nghi Xuân tháng 4/2012

Nguyễn Xuân Diệu