05:06 21/05/2020

Luật hóa để tạo thuận lợi cho hộ kinh doanh

Sáng 21/5- ngày làm việc thứ hai của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu sẽ thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Trong số các ý kiến phóng viên báo Tin tức ghi nhận trước cuộc họp, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, việc luật hóa sẽ tạo "bệ đỡ" để tạo thuận lợi cho các hộ kinh doanh.

Pháp lý về hộ kinh doanh còn sơ sài

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Luật Doanh nghiệp là đạo luật quan trọng trong hệ thống pháp luật về kinh doanh của nước ta, tác động trực tiếp đến sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp và sự thuận lợi của môi trường đầu tư kinh doanh. 

“Sửa đổi Luật Doanh nghiệp lần này, theo tôi, một trong những mục tiêu quan trọng là phải luật hoá hộ kinh doanh, đây là giải pháp cần thiết, đạt tới nhiều mục tiêu. Đã tới lúc các hộ kinh doanh cần một khung khổ pháp lý riêng, thậm chí một chương riêng trong Luật Doanh nghiệp, chứ không chỉ phải vài điều khoản trong Nghị định hướng dẫn Luật Doanh nghiệp như hiện nay”, ông Vũ Tiến Lộc cho biết. 

Nhìn chung, trên thế giới, có hai hình thức kinh doanh phổ biến là cá nhân tự kinh doanh và lập công ty. Nhiều nước có riêng Luật về cá nhân kinh doanh và Luật Công ty. Trước Luật Doanh nghiệp 1999 thì ở Việt Nam cũng có Luật Công ty 1990 và Luật Doanh nghiệp tư nhân 1991. Nhưng từ năm 1999 thì hai hình thức này được gộp làm một gọi là doanh nghiệp, mô hình cá nhân kinh doanh như doanh nghiệp tư nhân cũng được gọi là doanh nghiệp. 

Chú thích ảnh
Gian hàng của các hộ kinh doanh tại Phố ẩm thực hàng rong ở TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: An Hiếu/TTXVN.

Hộ kinh doanh là mô hình rất đặc thù của Việt Nam, thực ra là sự pha trộn giữa hai loại hình cá nhân tự kinh doanh (như doanh nghiệp tư nhân) và cả nhóm người kinh doanh (tương tự như công ty nhưng hình thức đơn giản hơn). Về lý thuyết hay thực tế thì những hộ kinh doanh, trước hết là các hộ kinh doanh có đăng ký thực ra là doanh nghiệp, hoạt động như doanh nghiệp và thực tế còn có quy mô, sử dụng lao động lớn hơn nhiều các doanh nghiệp chính thức. 

“Việc luật hoá hộ kinh doanh theo tôi có những ý nghĩa quan trọng,  đây là khu vực rất quan trọng nhưng chưa hề được quy định trong luật. Theo thống kê Việt Nam có đến gần 5,2 triệu hộ kinh doanh, đóng góp trên dưới 30% GDP của cả đất nước. Đây là lực lượng có đóng góp quan trọng cho nền kinh tế của Việt Nam trong giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, bảo đảm an sinh xã hội, thậm chí là “bệ đỡ” cho nền kinh tế trong những giai đoạn khó khăn, khủng hoảng kinh tế. Lưu ý rằng khu vực doanh nghiệp chính thức hoạt động theo Luật DN tại Việt Nam chiếm chỉ ở mức 9 - 10% GDP”, ông Lộc dẫn chứng.

Tuy quan trọng như vậy, nhưng cơ sở pháp lý cho loại hình kinh doanh này lại không tương xứng. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, dù quy định ở cấp nghị định nhưng hộ kinh doanh đang bó buộc và hạn chế quyền hoạt động của mình như chỉ được sử dụng dưới 10 lao động, chỉ được kinh doanh trong phạm vi một huyện, quận, thị xã, không được cấp nhiều loại giấy phép kinh doanh…  

"Chính vì chưa được luật hoá nên địa vị pháp lý của hộ kinh doanh chưa rõ ràng và chưa được công nhận. Hộ kinh doanh không phải là pháp nhân, cũng không phải là cá nhân, quy định về chế định đại diện của hộ kinh doanh trong Bộ luật Dân sự và Luật Doanh nghiệp không có hoặc không rõ. Chính vì vậy, một hộ kinh doanh chỉ có thể tiếp cận vốn vay ngân hàng khó khăn với vai trò của cá nhân trong hộ chứ không phải cả hộ kinh doanh. Cơ quan thuế đang đối xử với hộ kinh doanh như cá nhân người nộp thuế. Cũng vì không rõ địa vị pháp lý nên hộ kinh doanh đang gặp rất nhiều khó khăn khi đăng ký nhãn hiệu, bảo vệ tài sản trí tuệ của mình…. Do chưa được ghi nhận chính thức nên các hộ kinh doanh cũng chưa hề được thụ hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ “, ông Đậu Anh Tuấn cho hay.

Cùng với đó, đại diện VCCI cho rằng, việc quy định luật về hộ kinh doanh sẽ tạo tiền đề để hộ kinh doanh tham gia quá trình hội nhập vì hiện nay hộ kinh doanh rất khó khăn khi tham gia các giao dịch quốc tế, chưa được định danh. Đặc biệt, khi có những quy định cụ thể sẽ nâng cao trách nhiệm của hộ kinh doanh về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường...

Đặc biệt, hiện nay dưới hình thức thuế khoán và chưa thực sự minh bạch, không gian đàm phán về mức thuế phải nộp của hộ kinh doanh với cán bộ thuế đang lớn hơn rất nhiều so với khu vực doanh nghiệp hoạt động chính thức. Từng bước đưa hộ kinh doanh lên hoạt động chính thức là một giải pháp giảm thất thu thuế, giảm tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực thuế hiện nay.

Tạo "bệ đỡ" pháp lý kinh doanh

Mới đây, tại phiên họp thứ 43, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng  cho biết, hầu hết các ý kiến đều đồng tình với việc cần thiết phải luật hóa các quy định hộ kinh doanh, còn ý kiến khác nhau chỉ ở việc nên để các quy định về hộ kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp hay xây dựng một Luật riêng về hộ kinh doanh. 

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị giữ phương án quy định về hộ kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp do phương án này có lợi cho nền kinh tế, khơi thông nguồn lực để đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội và không chồng chéo với các luật khác. Nếu xây dựng luật riêng về hộ kinh doanh thì kéo dài thêm mấy năm nữa, trong khi luật hóa ngay thì có lợi cho nền kinh tế... Trường hợp còn ý kiến khác nhau về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội để tiếp tục thảo luận và biểu quyết riêng về nội dung này, trước khi biểu quyết thông qua Luật.

Theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc sửa đổi Luật doanh nghiệp nhằm mục tiêu tổng quát là hoàn thiện khung khổ pháp lý về tổ chức quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực của thông lệ tốt, phổ biến ở khu vực và quốc tế; thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, thu hút vốn, nguồn lực vào sản xuất kinh doanh; góp phần nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh theo mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra là thuộc nhóm các nước ASEAN 4..., qua đó tạo thuận lợi nhất cho hoạt động thành lập và đăng ký doanh nghiệp; cắt giảm chi phí và thời gian trong khởi sự kinh doanh; góp phần nâng xếp hạng chỉ số khởi sự kinh doanh lên ít nhất 25 bậc (theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới).

Đồng thời, việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp cũng góp phần nâng cao cơ chế bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, cổ đông, thành viên của doanh nghiệp; thúc đẩy quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực theo thông lệ tốt, phổ biến trong khu vực và quốc tế; nâng mức xếp hạng chỉ số bảo vệ nhà đầu tư lên ít nhất 20 bậc (theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới).

Cùng với đó, việc sửa đổi luật nâng cao hiệu lực quản trị, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình đối với doanh nghiệp mà nhà nước có phần vốn góp chi phối; tạo thuận lợi cho hộ kinh doanh phát huy tối đa tiềm năng và lợi ích, đóng góp cho phát triển kinh tế; tạo thuận lợi hơn, giảm chi phí trong tổ chức lại doanh nghiệp: sáp nhập, hợp nhất, chia, tách và chuyển đổi loại hình doanh nghiệp.

Luật được xây dựng theo quan điểm tiếp tục kế thừa, phát huy kết quả và tác động tốt của các cải cách trong các Luật doanh nghiệp 2000, 2005 và 2014, hiện thực hóa đầy đủ quyền tự do kinh doanh theo nguyên tắc doanh nghiệp được quyền kinh doanh tất cả ngành nghề mà pháp luật không cấm hoặc không hạn chế. Bảo đảm thể chế hóa đầy đủ nội dung Nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân, nâng cao hiệu lực quản trị và hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước; thực hiện đầy đủ các Nghị quyết số 02/NQ-CP và 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và Nghị quyết số 139/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Còn ông Vũ Tiến Lộc  nhấn mạnh, ghi nhận hộ kinh doanh trong Luật doanh nghiệp như một hình thức kinh doanh chứ không phải là buộc chuyển đổi hộ kinh doanh lên thành các loại hình doanh nghiệp có trong luật doanh nghiệp. Đây là một chính sách mà các hộ kinh doanh cần thực hiện từ các động lực kinh tế của mình. 

“Chúng ta cần xây dựng được một hệ thống đăng ký, quản lý hoạt động rất đơn giản với hộ kinh doanh và các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ theo Luật doanh nghiệp. Việc lựa chọn mô hình hoạt động là hộ kinh doanh hay các mô hình doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp cần phải là lựa chọn tự nguyện, theo các tín hiệu kinh tế nhưng mô hình hộ kinh doanh cần phải luật hoá. Nếu không ghi nhận hộ kinh doanh vào luật doanh nghiệp thì đề xuất cần có một đạo luật riêng về hộ kinh doanh. Nhưng theo chúng tôi trước khi làm điều này nên ghi nhận trong Luật Doanh nghiệp trước, quy định chi tiết ở nghị định hướng dẫn và sau này sau khi tổng kết kỹ càng sẽ có thể ban hành luật riêng”, Ông Vũ Tiến Lộc đề xuất.

Thu Trang/Báo Tin tức