07:16 06/07/2018

Luật Đo đạc và Bản đồ: Phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia

Với 9 Chương, 61 Điều, Luật Đo đạc và Bản đồ có nhiều quy định mang tính đột phá về thể chế chính sách trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ.

Đáng chú ý, lần đầu tiên việc xây dựng và phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia được luật định. Luật vừa được Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV thông qua; có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019.

Thống nhất quản lý hoạt động đo đạc và bản đồ

Hoạt động đo đạc và bản đồ là hoạt động điều tra cơ bản, đặc biệt quan trọng, làm nền tảng để triển khai các nghiên cứu khoa học về trái đất, cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh, phục vụ quy hoạch, quản lý lãnh thổ… góp phần bảo vệ và khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia, nâng cao dân trí. Các sản phẩm đo đạc, bản đồ và dữ liệu thông tin địa lý quốc gia được sử dụng rộng rãi trong hoạt động hàng ngày của đời sống xã hội.

Tuy nhiên, qua tổng kết thực tiễn, công tác quản lý nhà nước, tổ chức triển khai hoạt động đo đạc và bản đồ trong thời gian qua còn một số tồn tại như: thiếu sự thống nhất, đồng bộ trong quản lý, triển khai hoạt động đo đạc và bản đồ; việc phân cấp giữa Trung ương và địa phương còn chưa phù hợp; cơ chế chính sách về hoạt động này chưa đổi mới, chưa theo kịp với thành tựu của khoa học công nghệ hiện nay, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0… Trong bối cảnh đó, việc xây dựng một đạo luật để quản lý thống nhất, có hiệu quả hoạt động đo đạc và bản đồ, thúc đẩy phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia là yêu cầu cấp bách, xuất phát từ thực tiễn khách quan.

Từ thực tiễn đặc thù của ngành, đại biểu Quốc hội Lê Minh Chuẩn (Quảng Ninh) xác định công tác địa chất và trắc địa như con mắt người dẫn đường trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Hàng năm, ngành thi công hàng trăm km đường lò nằm sâu dưới lòng đất, có những dạng đứng, dạng nghiêng và dạng bằng với thiết diện khác nhau, nằm sâu dưới mực nước biển hàng trăm mét. Đại biểu nhận định, cần thiết phải ban hành một luật chuyên ngành về hoạt động đo đạc và bản đồ, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong quản lý nhà nước, khắc phục tình trạng chồng chéo và đảm bảo an ninh quốc gia.

Đảm bảo quốc phòng, an ninh

Nguyên tắc xuyên suốt trong quá trình xây dựng Luật là: Nhà nước thống nhất quản lý các hoạt động đo đạc và bản đồ, quy định hành lang pháp lý, chính sách phát triển hạ tầng kỹ thuật đo đạc và bản đồ, xây dựng cơ sở dữ liệu đo đạc và bản đồ quốc gia đồng bộ, hiện đại nhằm đảm bảo cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ đầy đủ, chính xác, kịp thời, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh…

Bên cạnh đó, đo đạc và bản đồ cơ bản là hoạt động điều tra cơ bản làm nền tảng sử dụng chung, phục vụ phúc lợi công cộng phải được Nhà nước quản lý, đầu tư và tổ chức triển khai thực hiện. Đầu tư cho đo đạc và bản đồ cơ bản là đầu tư cho phát triển, bảo vệ đất nước, cần phải đi trước một bước. Ngoài ra, huy động nguồn lực xã hội phát triển kinh doanh dịch vụ đo đạc và bản đồ, sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ vào hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh, các nhu cầu tiện ích trong đời sống.

Luật Đo đạc và Bản đồ gồm 61 Điều thể hiện trong 9 Chương. Chương I: Những quy định chung; Chương II: Hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản; Chương III: Hoạt động đo đạc và bản đồ chuyên ngành; Chương IV: Chất lượng sản phẩm đo đạc và bản đồ; Chương V: Công trình hạ tầng đo đạc; Chương VI: Thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ, hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia ; Chương VII: Điều kiện kinh doanh dịch vụ; quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động đo đạc và bản đồ; Chương VIII: Quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ; Chương IX: Điều khoản thi hành.

Luật quy định quy định các nguyên tắc cơ bản: Bảo đảm chủ quyền quốc gia, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; phù hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; kịp thời ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ.

Đại biểu Quốc hội K’Nhiễu (Lâm Đồng) cho rằng đưa quy định bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội vào nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đo đạc và bản đồ là rất cần thiết. Theo đại biểu, hoạt động đo đạc và bản đồ liên quan đến địa giới, địa hình, địa vật từng vị trí bên trong lãnh thổ, gắn với từng khu vực trong các loại bản đồ như bản đồ hành chính, bản đồ địa hình, bản đồ công trình ngầm, bản đồ hàng không dân dụng... của từng địa phương nên cần phải tuân thủ nguyên tắc bảo đảm quốc phòng, an ninh...

TTXVN/Báo Tin tức