07:11 12/07/2018

Luật có, nghị định hướng dẫn chưa, nên HDV tự do vẫn 'tự do' vi phạm?

Luật Du lịch sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 có nhiều thay đổi với những quy định chặt chẽ quản lý hướng dẫn viên (HDV). Tuy nhiên, dù luật đã có hiệu lực nhưng chưa có Nghị định hướng dẫn chế tài xử phạt, nên vẫn nhiều HDV tự do chưa được quản lý.

"Con sâu làm rầu nồi canh"

Chị Nguyễn Trang, trưởng phòng Kinh doanh C-Vietnam Travel chia sẻ: "Vào tháng 5 vừa qua, công ty nhận tổ chức đoàn cho 1 doanh nghiệp đưa công nhân đi nghỉ mát, với gần 1.000 khách. Chúng tôi đã chốt lịch với một HDV tự do (free land) tên là Quốc Đạt. Khi họp đoàn để phổ biến nội dung chương trình thì HDV báo bận đang đi tour không đến dự, nhưng vẫn xác nhận sẽ dẫn đoàn. Tuy nhiên, đến cận kề ngày,  thì gọi HDV này thấy “tò tí te”, sau đó cũng không có phản hồi lại với Công ty".

Hướng dẫn viên giới thiệu tại một điểm di tích tại Quảng Ninh.

Lúc đó, tôi phải gọi gấp cho một số HDV khác hỗ trợ. Với nhiều HDV tự do, họ cứ nhận lịch nhưng khi có đơn vị khác trả cao hơn hoặc đi dài ngày hơn thì không ít trường hợp đã không giữ chữ tín “bùng” tour. Do là HDV tự do nên không còn cách nào ràng buộc trách nhiệm”, chị Nguyễn Trang chia sẻ.


Còn theo các doanh nghiệp lữ hành, không ít trường hợp HDV nhận tiền tạm ứng nhưng sau đó bỏ đoàn hoặc đưa khách vào các điểm dịch vụ kém chất lượng, “chặt chém” khách… ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh của công ty, du lịch Việt Nam.


Ngay như vụ nhóm khách Australia mới đây bị lừa giới thiệu tour kém chất lượng tham quan vịnh Hạ Long nhưng đưa sang Cát Bà, dịch vụ trên tàu kém chất lượng cũng là một phần biến tướng từ HDV tự do. Theo đó, không ít HDV sau một thời gian làm việc có quen biết đầu mối dịch vụ đã tự tổ chức tour, bán tour kém chất lượng, ăn bớt dịch vụ hoặc dịch vụ kém chất lượng.


Hiện nay cơ quan Nhà nước mới kiểm soát được HDV lúc làm thẻ, còn thời gian sau đó, HDV làm việc cho đơn vị nào, chất lượng hướng dẫn đến đâu, vi phạm pháp luật… thì không nắm rõ. Chỉ đến khi có tranh chấp, có đơn kiện của khách du lịch hoặc của doanh nghiệp thì cơ quan chức năng mới vào cuộc kiểm tra xử lý. “Từ năm 2016 đến nay, qua rà soát hệ thống văn bằng, Tổng cục Du lịch phát hiện gần 400 trường hợp sử dụng bằng đại học giả xin cấp thẻ hướng dẫn viên (HDV)”, ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành cho biết.


Đó cũng là lý do, khi xây dựng Luật Du lịch sửa đổi, đa phần các doanh nghiệp lữ hành kiến nghị có cơ chế quản lý HDV. Luật Du lịch sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2018 quy định: HDV phải thuộc sự quản lý của một trong ba đơn vị sau: Ký hợp đồng với doanh nghiệp lữ hành; công ty chuyên cấp HDV hoặc thành viên tổ chức xã hội nghề nghiệp”, ông Nguyễn Quý Phương cho biết.


Vẫn đợi văn bản hướng dẫn


Dù Luật Du lịch có hiệu lực từ 1/1/2018 nhưng đến nay vẫn chưa có chế tài xử phạt nếu HDV không chấp hành quy định. Ông Nguyễn Hồng Đài, Chủ tịch Hội HDV Hà Nội cho biết: Đáp ứng quy định của Luật Du lịch sửa đổi, Hội HDV Hà Nội đã được thành lập đầu năm 2018. Hiện số hội viên tham gia tổ chức hội là hơn 200 người. Đây là con số còn khiêm tốn so với hơn 6.000 HDV đang hoạt động tại Hà Nội. Để hỗ trợ cho HDV hoạt động đúng luật, Hội giới thiệu, phổ biến các quy định của ngành. Đồng thời, Hội đã thành lập ứng dụng trên mạng xã hội để các đơn vị lữ hành kết nối với HDV đặt lịch. Việc đặt lịch chương trình qua các ứng dụng này đang được các hãng lữ hành lựa chọn ngày càng nhiều bởi HDV khi đã xác nhận tour trên diễn đàn của Hội luôn giữ chữ tín. “Hiện chưa có chế tài xử phạt nhưng nếu ai vi phạm sẽ bị các công ty lữ hành tẩy chay. Bên cạnh đó, trong thời gian tới, Hội sẽ tổ chức các đoàn khảo sát và qua đó để HDV có thể trao đổi kinh nghiệm, hướng dẫn thực tế”, ông Nguyễn Hồng Đài cho biết.


Cũng để đáp ứng yêu cầu của Luật, hiện trên thị trường du lịch cũng đã xuất hiện đơn vị cung cấp nguồn nhân lực HDV chuyên nghiệp. Ông Trương Nam Thắng, cố vấn Công ty cổ phần cung ứng nguồn nhân lực (THPRO) cho biết: Đơn vị cung cấp nhân lực nhiều lĩnh vực du lịch. Tuy nhiên, mảng chính đơn vị hướng đến là HDV trẻ mới ra trường đáp ứng theo quy định mới của Luật Du lịch. Theo đó, khi đơn vị lữ hành thuê HDV của THPRO sẽ được đảm bảo chất lượng, nếu có vấn đề phát sinh, đơn vị sẽ là đầu mối giải quyết. Hiện đơn vị tuyển dụng được 50 HDV và thời gian tới sẽ mở rộng lên 120 HDV.


Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành cho biết: Hình thức thuê HDV qua đơn vị cung cấp nhân lực như THPRO trên thị trường du lịch chưa nhiều. Tuy nhiên, đây là mô hình có thể nhân rộng để đáp ứng Luật Du lịch sửa đổi. Thực tế khi xử lý tranh chấp liên quan HDV cho thấy, việc thuê HDV tự do hiện nay chủ yếu là sự tin tưởng lẫn nhau giữa công ty lữ hành và HDV. Còn khi tranh chấp xảy ra, HDV “lặn” mất thì cũng khó xử phạt. Do đó, quản lý HDV qua Hiệp hội và doanh nghiệp là giải pháp hữu hiệu nhất. Hiện nay, Nghị định hướng dẫn xử lý các vi phạm trong lĩnh vực du lịch đang được Thanh tra Bộ VHTTDL xây dựng và sẽ sớm ban hành trong thời gian tới.


Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết: “Tổng số HDV du lịch Việt Nam hiện nay hơn 21.000 người; trong đó hơn 90% là HDV tự do. Với tốc độ độ tăng trưởng lượng khách như hiện nay, con số sẽ lên tới 30.000 người. Tuy nhiên, để quản lý lực lượng này không hề đơn giản do đặc thù nghề nghiệp. Do đó, bên cạnh việc thành lập các Hội HDV tại các địa phương, Hiệp hội cũng sẽ ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý, trao đổi thông tin, giám sát những trường hợp vi phạm…”.


Còn ông Trịnh Xuân Tùng, trưởng phòng quản lý lữ hành, Sở Du lịch Hà Nội cho biết, triển khai Luật Du lịch sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2018, sở tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các quy định của Luật tới các HDV và doanh nghiệp để tuân thủ quy định của Luật. Hiện nếu có vi phạm liên quan đến HDV thì Sở Du lịch vẫn đang thực hiện xử phạt theo Nghị định 158 năm 2013 và cũng đang chờ Nghị định hướng dẫn chế tài xử phạt mới theo Luật Du lịch sửa đổi vừa có hiệu lực.

XC/Báo Tin tức