06:11 12/06/2018

Luật Cạnh tranh (sửa đổi): Kiểm soát việc bán hàng phá giá

Với 95,28% số đại biểu tán thành, sáng 12/6, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Cạnh tranh (sửa đổi) thay thế Luật Cạnh tranh năm 2005. Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2019.

Dự thảo Luật được thông qua gồm 10 chương, 118 điều, quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam; hành vi cạnh tranh không lành mạnh; tố tụng cạnh tranh; xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh; quản lý nhà nước về cạnh tranh.

Sáng 12/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội), Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội đã có những chia sẻ về vấn đề này.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, mục tiêu của Luật Cạnh tranh là kiểm soát doanh nghiệp độc quyền. Việc thông qua Luật này sẽ giúp cho các doanh nghiệp tập trung hoạt động đúng khuôn khổ pháp luật, từ đó cạnh tranh bình đẳng. 

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội). Ảnh: V.H

Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, còn hơn 1 năm nữa luật mới có hiệu lực, trong thời gian đó, Bộ Công Thương phải đưa ra các tiêu chí để các doanh nghiệp phải khai báo khi thực hiện mua bán, sáp nhập... tránh dẫn tới có khả năng rơi vào độc quyền. Đồng thời, các cơ quan quản lý cạnh tranh của Bộ Công Thương phải kiện toàn lại bộ máy để quản lý cạnh tranh.

Điều 46 quy định, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là cơ quan thuộc Bộ Công Thương gồm chủ tịch, các phó chủ tịch và các thành viên. Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh và các đơn vị chức năng khác là bộ máy giúp việc của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có nhiệm vụ tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cạnh tranh; tiến hành tố tụng cạnh tranh; kiểm soát tập trung kinh tế; quyết định việc miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm; giải quyết khiếu nại đối với các quyết định liên quan đến vụ việc cạnh tranh và các nhiệm vụ khác theo quy định của Luật này và quy định của luật khác có liên quan. Chính phủ quy định chi tiết nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.

Cũng theo đại biểu Cường, trong Luật Cạnh tranh (sửa đổi) lần này có thêm điều khoản quy định về hàng hóa bán dưới giá thành, theo đại biểu Hoàng Văn Cường, quy định này được đưa vào luật là để cạnh tranh lành mạnh, không được phép bán phá giá, hoặc dùng các tiềm lực kinh tế ảnh hưởng tới khả năng tồn tại của những doanh nghiệp nhỏ hơn. Do vậy, phải kiểm soát bán phá giá để đảm bảo rằng việc bán phá giá không ảnh hưởng tới các doanh nghiệp khác và tạo ra môi trường cạnh tranh làng mạnh.  

Trước đó, trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định cơ chế xử lý trong trường hợp cơ quan nhà nước thực hiện những hành vi gây cản trở cạnh tranh trên thị trường.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, bổ sung quy định tại Khoản 1 Điều 113 của dự thảo Luật với nội dung cụ thể: "Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có trách nhiệm yêu cầu cơ quan nhà nước chấm dứt hành vi vi phạm và khắc phục hậu quả. Cơ quan nhà nước được yêu cầu phải chấm dứt hành vi vi phạm, khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật".

H.V/Báo Tin Tức