11:06 13/11/2014

Luật Báo chí phải bắt kịp xu thế phát triển

Luật Báo chí mới phải bắt kịp xu thế phát triển của đất nước trong tình hình mới là ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị tổng kết 15 năm thi hành Luật Báo chí và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày 12/11...

Luật Báo chí mới phải bắt kịp xu thế phát triển của đất nước trong tình hình mới là ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị tổng kết 15 năm thi hành Luật Báo chí và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày 12/11, tại Hà Nội.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị.
Ảnh: Minh Quyết – TTXVN


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận, sau 15 năm thi hành luật, báo chí Việt Nam đã phát triển rất mạnh mẽ cả về số lượng, loại hình báo chí và chất lượng thông tin, phản ánh trung thực mọi mặt của đời sống trong nước, thế giới. Báo chí đóng vai trò quan trọng vào việc phổ biến, tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tạo sự đồng thuận trong nhân dân và giúp Đảng, Nhà nước hoạch định chính sách sát với nhu cầu thực tiễn. Bên cạnh đó, nhiều người công tác trong lĩnh vực báo chí đã trưởng thành, khi được phân công sang lĩnh vực khác đã phát huy tốt những kinh nghiệm quý thu được qua hoạt động báo chí.

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến ngày 31/12/2013, cả nước có 838 cơ quan báo chí với 1.111 ấn phẩm; 90 cơ quan báo chí điện tử, 207 trang tin điện tử tổng hợp; 67 đài phát thanh, truyền hình; 104 kênh truyền hình quảng bá, 75 kênh phát thanh quảng bá; 33 đơn vị cung cấp truyền hình cáp…

Tuy vậy, Phó Thủ tướng cho rằng, thực tiễn hoạt động báo chí thời gian qua đã đặt ra nhiều vấn đề mới vượt ra ngoài các quy định của Luật Báo chí hiện hành. “Trong quá trình phát triển, chúng ta đã nhận ra những bất cập, vì vậy những người làm việc trong lĩnh vực báo chí, đặc biệt là các tổng biên tập, cần đào sâu suy nghĩ xem Luật Báo chí vừa qua đáp ứng được yêu cầu đến đâu, những gì cần sửa. Việc sửa luật phải đảm bảo nguyên tắc: báo chí cách mạng đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước nhưng mục tiêu trên hết là để báo chí phát triển mạnh mẽ hơn, phục vụ tốt hơn cho việc thực hiện, hoạch định đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước trong xây dựng phát triển đất nước, góp phần đảm bảo quyền làm chủ của người dân”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhằm sửa đổi hoặc xây dựng được Luật Báo chí mới hoàn chỉnh, đồng bộ, đảm bảo bắt kịp với xu thế phát triển chung, nhất là sự phát triển của công nghệ và thích ứng lâu dài với thực tiễn, tránh tình trạng xây dựng luật khung cứng nhắc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông làm tốt công tác xây dựng dự thảo luật, thu hút được trí tuệ của những người làm trong lĩnh vực báo chí ngay từ đầu để có một dự thảo tốt. Luật mới được xây dựng phải đồng bộ, đảm bảo bắt kịp với xu thế phát triển chung, trong đó có sự phát triển của công nghệ.

Báo điện tử bị nhái

Trả lời phóng viên báo Tin Tức, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh Võ Văn Long cho rằng: Sự phát triển như vũ bão của công nghệ internet, các loại hình trang thông tin điện tử, mạng xã hội trong thời gian qua đã khiến cơ quan quản lý lúng túng.

“Có một thực tế hiện nay ở TP Hồ Chí Minh là có một số trang thông tin điện tử đã đăng tải những thông tin, sử dụng những ngôn từ mà người dân rất dễ hiểu lầm là cơ quan báo chí. Nhờ đó mà những trang này đã thu hút không nhỏ những hợp đồng quảng cáo và vì lợi nhuận, họ đã đăng không ít thông tin nhạy cảm, giật gân câu khách. Bên cạnh đó, Sở còn gặp khó khăn trước sự tràn ngập của những tên miền lợi dụng, ăn theo và đăng ký na ná tên miền báo điện tử của cơ quan báo chí, gây ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan báo chí chính thống”, ông Long trăn trở. Ông Long cũng đề xuất: Thời gian tới, Luật Báo chí bổ sung, sửa đổi nên quy định chặt chẽ hơn, đặc biệt việc kiểm soát và cấp tên miền.

Minh Phương

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, Bộ Thông tin và Truyền thông, lãnh đạo địa phương, các cơ quan chức năng cần xem xét lại từ việc cung cấp thông tin cho báo chí, tiếp thu đóng góp của nhân dân qua báo chí… từ đó có sự phối hợp trao đổi, đóng góp kịp thời, đúng mức để có một bộ luật hoàn chỉnh tạo điều kiện cho báo chí cách mạng Việt Nam tiếp tục phát triển.

Gần 100 tham luận được gửi đến, trình bày tại hội nghị đã tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến thi hành Luật Báo chí; đánh giá những mặt được, những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý nhà nước về báo chí, thực trạng, kết quả hoạt động báo giới trong thời gian 15 năm qua; đề xuất những giải pháp để xây dựng Luật Báo chí mới nhằm nâng cao chất lượng hoạt động báo chí và công tác quản lý nhà nước về báo chí.

Theo các đại biểu, các nội dung như vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ quản; quyền được cung cấp thông tin của phóng viên, cơ quan báo chí; trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan hành chính nhà nước; những bất cập trong việc bổ nhiệm lãnh đạo cơ quan báo chí; chính sách hỗ trợ báo chí… cần được đưa vào luật mới.

Về vấn đề bản quyền, tham luận của Thông tấn xã Việt Nam (một trong những cơ quan báo chí lớn đang bị nhiều cơ quan báo chí khác vi phạm bản quyền), và nhiều tham luận khác đã kiến nghị: Luật Báo chí mới cần quy định rõ về vấn đề này, bảo vệ tác quyền của các cơ quan báo chí.

Các tham luận cũng đề xuất những quy định chặt chẽ hơn trong việc cấp phép hoạt động báo chí, xiết chặt việc thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí… Vấn đề quy hoạch báo chí, kinh tế báo chí cũng được các tham luận đề cập, trên tinh thần nâng cao chất lượng báo chí, tránh chồng chéo, lãng phí nguồn lực của đất nước, bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần của người làm báo, có đóng góp cho ngân sách nhà nước…

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cam kết sẽ tiếp thu các ý kiến tại hội nghị, trong đó có việc bổ sung thêm thành phần Tổ biên tập xây dựng dự thảo luật; tuyên truyền rộng rãi và lấy ý kiến toàn dân dự thảo luật… để dự thảo Luật Báo chí mới được trình và thông qua vào kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, dự kiến vào tháng 10/2015.

Mỹ Bình