02:17 24/02/2018

Lúa Đông Xuân ở Hậu Giang được thu mua với giá tăng cao

Theo ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, từ cuối năm 2017 đến nay, mặc dù chưa tới kỳ thu hoạch, song giá lúa Đông Xuân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã có thương lái đặt cọc thu mua với giá tăng cao không ngừng.

Dặm lúa Đông Xuân 2017 – 2018 tại xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Duy Khương/TTXVN

Nhiều diện tích lúa được đặt cọc thu mua với giá cao từ khi lúa còn non; trong đó, lúa IR 50404 giá từ 4.600 đồng/kg đến 5.500 đồng/kg, lúa Jasmine 5.700 đồng/kg, RVT 6.200 đồng/kg đến 7.000 đồng/kg.

Nông dân Lê Hoàng Mỹ, ở phường 5, thành phố Vị Thanh cho biết, trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, thương lái tới đặt cọc thu mua lúa IR 50404 với giá 5.000 đồng/kg. Tuy nhiên, hiện nay thương lái đã đặt cọc thu mua lúa IR 50404 với giá 5.500 đồng/kg.

Bà Nguyễn Thị Vân, Nông dân ấp 2, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy cho biết, gia đình sản xuất 2,5 ha lúa giống RVT. Dù mới xuống giống hơn 1 tháng nhưng đã được thương lái đặt cọc giá 6.400 đồng/kg.

Do giá lúa tăng cao nên mối liên kết sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp một số địa bàn tại Hậu Giang có nguy cơ bị phá vỡ, khi nông dân muốn kèo giá với doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng. Một số khác muốn bán cho thương lái và chấp nhận hoàn trả lại tiền lúa giống, vật tư nông nghiệp mà doanh nghiệp đã ứng trước từ đầu vụ.

Bà Trần Hồng Tim, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vị Thủy cho biết, hiện nay, một số thương lái nhỏ lẻ thấy thông tin giá cả lúa gạo có thể lên, nên thâm nhập vào một số địa bàn huyện nâng giá thu mua lúa lên khá cao, làm cho một số nông dân phá vỡ hợp đồng với doanh nghiệp. Chúng tôi khuyến cáo nông dân không nên vì cái lợi trước mắt, phá vỡ hợp đồng với doanh nghiệp, vì trước thời điểm thu hoạch lúa khoảng 7 ngày đến 10 ngày sẽ còn điều chỉnh giá cả hợp đồng. Bà con không nên nóng vội, không nên nhận cọc thương lái nhỏ lẻ vì có thể phá vỡ hợp đồng với doanh nghiệp làm ăn chân chính, ảnh hưởng lâu dài đến việc bao tiêu lúa cho bà con nông dân.

Vụ lúa Đông Xuân 2017 – 2018, tỉnh Hậu Giang sản xuất gần 80.000 ha, với năng suất bình quân dự kiến ước đạt 7 tấn/ha, sản lượng gần 600.000 tấn, được sản xuất tại tất cả các huyện, thị xã và thành phố nhưng tập trung chủ yếu ở huyện Phụng Hiệp, Vị Thủy, Long Mỹ, Châu Thành A và thị xã Long Mỹ. Đây là vụ lúa mà ngành nông nghiệp Hậu Giang quyết tâm thực hiện hợp đồng bao tiêu, tạo điều kiện cho người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp hoàn thành các hợp đồng bao tiêu đúng kế hoạch; cũng như hỗ trợ xây dựng các hệ thống giao thông, điểm tập kết phục vụ cho việc thực hiện hợp đồng bao tiêu giữa doanh nghiệp với người dân được chặt chẽ, hiệu quả hơn.

Hồng Dân (TTXVN)