Bất chấp nỗ lực truy quét, các mạng lưới lừa đảo trực tuyến ở Đông Nam Á ngày càng tinh vi và lan rộng, biến khu vực thành “thiên đường” tội phạm công nghệ cao. LHQ và các quốc gia đang làm gì để ngăn chặn?
Các đối tượng lừa đảo bị lực lượng chức năng Lào bắt giữ. Ảnh: TTXVN
Theo đài phát thanh quốc tế DW của Đức ngày 16/5, bất chấp những nỗ lực trấn áp mạnh mẽ gần đây trên khắp Đông Nam Á, các tổ chức lừa đảo trực tuyến vẫn không ngừng bành trướng và lan rộng trong khu vực. Liên hợp quốc (LHQ) đang nỗ lực xây dựng một mặt trận thống nhất nhằm chống lại các mạng lưới tội phạm xuyên biên giới này, nhưng liệu có đủ sức mạnh để đẩy lùi "vòi bạch tuộc" lừa đảo đang ngày càng tinh vi?
Một báo cáo mới nhất từ Văn phòng LHQ về Ma túy và Tội phạm (UNODC) đã chỉ rõ rằng các mạng lưới tội phạm châu Á đang tiếp tục mở rộng ngành công nghiệp lừa đảo mạng trị giá hàng tỷ USD. Theo Benedikt Hofmann, đại diện khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương của UNODC, các tổ chức tội phạm này đang không ngừng phát triển và thích ứng với công nghệ mới. "Đây là tội phạm có tổ chức với mức độ tinh vi thực sự cao và việc liên tục áp dụng công nghệ mới. Ngành công nghiệp này đang phát triển và trở nên phức tạp hơn", ông Hofmann nhận định.
Đầu năm nay, chính quyền Myanmar, Campuchia và Lào đã có những động thái quyết liệt nhằm vào các trung tâm lừa đảo quy mô lớn, tập trung chủ yếu ở các vùng biên giới. Nhiều địa điểm đã bị đóng cửa và hàng nghìn nạn nhân buôn người, những người bị lừa đến các khu vực này và sau đó bị ép buộc trở thành những kẻ lừa đảo, đã được giải cứu. Tuy nhiên, theo ông Hofmann, bất chấp những cuộc đàn áp này, nhiều hoạt động lừa đảo chỉ đơn giản là được chuyển đến các khu vực khác, hẻo lánh hơn dọc theo khu vực sông Mekong.
Ngành công nghiệp lừa đảo mạng ở Đông Nam Á có nguồn gốc từ các tổ chức cờ bạc nước ngoài khổng lồ của Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa với việc những kẻ phạm tội đã dựa trên cơ sở hạ tầng tội phạm sẵn có, bao gồm các mô hình hối lộ (quan chức) chính phủ và các hoạt động rửa tiền đã được thiết lập. Theo Jason Tower, cựu Giám đốc quốc gia chương trình Myanmar thuộc Viện Hòa bình Mỹ (USIP), các mạng lưới tội phạm này gần đây đã chuyển sang các vụ lừa đảo phức tạp hơn.
Điển hình là hình thức "lò mổ", trong đó những kẻ lừa đảo xây dựng lòng tin, thường thông qua các mối quan hệ lãng mạn trên mạng, và sau đó dụ dỗ nạn nhân vào các khoản đầu tư tiền điện tử giả mạo và các chương trình đầu tư "ảo" khác. Ông Tower nhấn mạnh: "Những tội phạm như vậy rất phức tạp và mang tính xuyên quốc gia đến mức lực lượng thực thi pháp luật cần có khả năng hoạt động xuyên biên giới nếu họ muốn thành công trong việc trấn áp tội phạm. Thật không may, rất nhiều quốc gia, bao gồm cả Mỹ và châu Âu, vẫn đang cố gắng hiểu rõ vấn đề này".
Một báo cáo của USIP ước tính rằng các hoạt động lừa đảo trên mạng ở các nước khu vực sông Mekong có thể tạo ra tới 44 tỷ USD (39,3 tỷ euro) mỗi năm - một con số khổng lồ, gần bằng 40% tổng GDP chính thức của Lào, Campuchia và Myanmar cộng lại. Ông Tower cảnh báo rằng "hàng tỷ USD" đang chảy vào túi bọn tội phạm "đang phá hoại chính phủ và gây ra xung đột ở những nơi như Myanmar", một quốc gia đang bị chia cắt bởi nội chiến.
Trong bối cảnh đó, Singapore nổi lên như một điểm sáng trong cuộc chiến chống lại lừa đảo mạng. Trong vài năm qua, quốc đảo này đã thiệt hại hàng tỷ USD do các vụ lừa đảo. Tuy nhiên, họ đã nhanh chóng thông qua các luật nhằm bảo vệ công dân và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc theo dõi, hủy bỏ các giao dịch ngân hàng gian lận cũng như truy tố những kẻ vi phạm.
Với vị thế là một trong những quốc gia giàu có và kết nối kỹ thuật số nhất ở châu Á, Singapore trở thành một mục tiêu đặc biệt hấp dẫn đối với các mạng lưới tội phạm. Thêm vào đó, việc người dân Singapore sử dụng rộng rãi tiếng Quan Thoại và tiếng Anh, hai ngôn ngữ chính mà bọn lừa đảo sử dụng, càng làm tăng nguy cơ. Allison Pytlak, thành viên cấp cao tại Trung tâm Stimson, nhận xét: "Ở Singapore, mọi thứ đều là kỹ thuật số, điều này khiến họ có nguy cơ bị lừa đảo cao hơn nhưng cũng có nghĩa là họ có nhiều lựa chọn hơn để cố gắng bảo vệ công dân của mình".
Quốc đảo này hiện đã triển khai các biện pháp bảo vệ như chiến dịch nâng cao nhận thức, thiết lập đường dây nóng của cảnh sát và thậm chí cả một ứng dụng bảo vệ người dùng khỏi các cuộc gọi lừa đảo. Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Phát triển Xã hội và Gia đình Singapore Sun Xueling đã cam kết tại quốc hội vào tháng 3 năm nay rằng "chính phủ sẽ tiếp tục phản ứng mạnh mẽ trước thách thức này". Bà cũng cảnh báo các nhà lập pháp rằng bọn tội phạm "có nhiều nguồn lực, thành thạo trong việc sử dụng công nghệ và liên tục cải tiến chiến thuật để tránh né sự phòng chống của chúng ta".
Nhận thức được tính chất xuyên biên giới của vấn đề, UNODC đã hợp tác với các chính phủ và cơ quan thực thi pháp luật trong khu vực về các sáng kiến đa phương, bao gồm các hoạt động chung, chia sẻ thông tin tình báo và các chương trình xây dựng năng lực. Ông Hofmann của UNODC cho biết: "Trước đây, các quốc gia trong khu vực không coi [các trung tâm lừa đảo] là ưu tiên chung. Điều này đang thay đổi". Tại cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao ASEAN vào tháng 1 năm nay, các nhà lãnh đạo đã cam kết hành động và liệt kê tội phạm mạng và lừa đảo trực tuyến là những mối đe dọa lớn, ngang hàng với nạn buôn người, ma túy và rửa tiền.
Tuy nhiên, chuyên gia Pytlak từ Trung tâm Stimson cảnh báo rằng ASEAN chỉ đơn thuần là "một khối hợp tác với các quốc gia có quyền tự chủ", đồng nghĩa với việc khối này có ít ảnh hưởng đến các vấn đề liên quan đến quyền tài phán hoặc thực thi pháp luật tại các trung tâm lừa đảo. Dù vậy, một tín hiệu tích cực là Mỹ và Canada ngày càng quan tâm đến việc hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á để chống lại các tổ chức lừa đảo, bởi nhiều nạn nhân của các vụ lừa đảo trực tuyến sinh sống ở các nước phương Tây.
Rõ ràng, cuộc chiến chống lại "vòi bạch tuộc" lừa đảo mạng ở Đông Nam Á vẫn còn đầy gian nan. Sự tinh vi, khả năng thích ứng nhanh chóng và tính chất xuyên quốc gia của các tổ chức tội phạm đòi hỏi một nỗ lực phối hợp mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa từ các quốc gia trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Chỉ khi đó, "thiên đường" của tội phạm mạng mới có thể bị thu hẹp và hàng tỷ USD bị đánh cắp mỗi năm mới có thể được ngăn chặn.