05:14 21/05/2019

Lựa chọn lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu phù hợp

Sáng 21/5, tại Hà Nội, Báo Nhân Dân phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề “Lựa chọn lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu phù hợp”.

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Đây là một trong những quy định trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đang được lấy ý kiến rộng rãi của người dân. 

Chương trình có sự tham gia của các khách mời: Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp; Trưởng Ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam Điều Bá Được; Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Lê Đình Quảng. 

Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) gồm 17 chương, 221 điều (giảm 21 điều so với hiện hành); trong đó, sửa đổi, bổ sung 162 điều trong tất cả các chương, sửa đổi hai điều của Luật Bảo hiểm xã hội liên quan đến điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu. 

Thu hẹp khoảng cách giới trong tuổi nghỉ hưu

Lý giải về việc dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) lần này có quy định liên quan đến việc tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết: Việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu không chỉ ở Việt Nam, hầu hết các nước đều đặt ra việc nghỉ hưu theo hướng tăng dần. Lý do của việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu này là nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; đồng thời, chủ động ứng phó sự thiếu hụt lao động trong tương lai; bảo đảm bình đẳng giới trong tuổi nghỉ hưu; bảo đảm phù hợp sức khỏe, nhu cầu của người lao động; bảo đảm sự cân bằng, cân đối của quỹ Bảo hiểm xã hội. 

Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, việc tăng tuổi nghỉ hưu trong dự thảo Bộ luật phải thực hiện theo lộ trình, để tránh gây sốc cho thị trường lao động; tạo tâm lý tốt hơn cho tâm lý xã hội, đối với người lao động, cũng như người sử dụng lao động.

Trả lời câu hỏi của bạn đọc Hà Văn Tấn (Lào Cai) về việc dự thảo Bộ luật đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của nam thêm 2 năm nhưng lao động nữ lại lên đến 5 năm, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết việc tăng tuổi nghỉ hưu được thực hiện theo lộ trình: nam tăng lên 62 tuổi, nữ lên 60 tuổi. Theo lộ trình như vậy, đến năm 2036, người phụ nữ đầu tiên nghỉ hưu ở tuổi 60. Năm 2021, người phụ nữ nghỉ hưu ở độ tuổi 55, 3 tháng. Năm 2029 có người đàn ông đầu tiên về hưu ở độ tuổi 62.

Như vậy, thời gian nâng tuổi nghỉ hưu dài, bắt đầu từ năm 2021 chứ không phải ngay lập tức. Việc tuổi nghỉ hưu của nữ tăng lên 5 năm, của nam tăng lên 2 năm vì muốn thu hẹp khoảng cách giới trong tuổi nghỉ hưu.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tham gia một số lần điều trần của Chính phủ Việt Nam trước Ủy ban về thúc đẩy bình đẳng phụ nữ, rất nhiều kiến nghị, đề xuất tuổi nghỉ hưu của nam - nữ cần phải bằng nhau và bước đầu tiên là điều chỉnh cho gần lại, nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi. Các đề xuất này cũng đã được tham khảo của các nước. Theo đó, ở các nước, đầu tiên thu hẹp lại khoảng cách nghỉ hưu của nam - nữ, sau đó, điều chỉnh cho bằng nhau. Đó là lý do trong dự thảo Bộ Luật lao động đề nghị nâng dần tuổi nghỉ hưu của nữ lên 60, của nam nâng dần lên 62.

Thông tin về tuổi nghỉ hưu bình quân của người lao động nói chung, lao động nam và lao động nữ nói riêng, Trưởng Ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam Điều Bá Được cho biết, theo thống kê, tuổi nghỉ hưu bình quân của người lao động nói chung năm 2017 là 55 tuổi, năm 2018 là 56 tuổi. Trong đó, riêng lao động nam tuổi nghỉ hưu bình quân của năm 2017 là 56 tuổi, năm 2018 là 58 tuổi; lao động nữ có tuổi nghỉ hưu bình quân của năm 2017 là 53 tuổi, năm 2018 là 54 tuổi.

Xem xét tính chất, đặc thù ngành nghề của lao động

Thực tế, rất nhiều người lao động trực tiếp không muốn tăng tuổi nghỉ hưu là do quan ngại không đủ sức khỏe để có thể đáp ứng được yêu cầu công việc, lo chủ doanh nghiệp không nhận lao động lớn tuổi. Nhận định về vấn đề này, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Lê Đình Quảng khẳng định: Điều trong Luật có quy định tuổi nghỉ hưu của lao động vào năm 2017 là 55 tuổi, năm 2018 là 60 tuổi. Đây là tuổi nghỉ hưu bình quân nói chung của tất cả các lao động, trong đó có cả các đối tượng là công chức, viên chức. Theo số liệu Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cập nhật được từ các tài liệu, hầu hết các đối tượng công nhân không nghỉ hưu đúng tuổi. 

Các cơ quan chức năng đã đi khảo sát về tuổi nghỉ hưu, lãnh đạo Công ty Minh Phú (Hậu Giang) cho biết,  công ty có khoảng 15 nghìn công nhân nhưng ba năm nay chỉ có khoảng 5-6 nghìn lao động. Những công nhân ở độ tuổi từ 35-40 không đủ sức khỏe để lao động, sẽ chuyển sang những công việc khác. Khi xây dựng lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu phải lắng nghe ý kiến các đối tượng này.

Trả lời câu hỏi về một số giải pháp được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề ra đối với nhóm lao động trực tiếp sản xuất tại các khu công nghiệp thường khó có thể làm việc đến 60 tuổi với nữ và 62 tuổi với nam, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Lê Đình Quảng cho biết: Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội khi đề cập đến vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu có nêu rõ việc tăng tuổi nghỉ hưu cần xem xét tính chất và đặc thù ngành nghề của lao động.

Rõ ràng, người lao động trực tiếp thuộc ngành nghề đặc thù đã khó khăn trong việc bảo đảm công việc khi vào giai đoạn tuổi cao, nên nếu tăng tuổi nghỉ hưu của nhóm lao động này sẽ tăng thêm khó khăn đối với họ.

Theo đó, dự thảo Bộ luật Lao động đã cân nhắc đến vấn đề này và có ghi rõ một số ngành nghề đặc thù sẽ thấp hơn 5 năm so với độ tuổi nghỉ hưu chung. Vì vậy, cần đưa ra lộ trình cho những công nhân thuộc nhóm ngành nghề độc hại để họ được hưởng hoặc lựa chọn tuổi nghỉ hưu thấp hơn 5 năm so với độ tuổi nghỉ hưu chung; giải quyết các chính sách an sinh xã hội có liên quan cho nhóm lao động này khi nghỉ hưu.

Bên cạnh đó, các chính sách về giải quyết việc làm chuyển đổi, rồi đào tạo nghề…, để thực hiện các chính sách này, không chỉ điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu trong Bộ luật Lao động, còn cần xem xét, điều chỉnh một cách tổng thể ở các chính sách khác liên quan…

Cũng tại giao lưu trực tuyến, các khách mời đã tập trung giải đáp nhiều câu hỏi liên quan đến: phản hồi của người lao động đối với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu theo dự thảo Bộ luật; về thuận lợi, khó khăn của người lao động, doanh nghiệp khi đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu; thống kê về số người tham gia bảo hiểm xã hội hiện nay…

Phúc Hằng (TTXVN)