11:22 10/11/2011

Lũ tại miền Trung tiếp tục xuống, các địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, ngày 10/11, mực nước các sông ở Tây Nguyên có dao động nhỏ, các sông từ Quảng Bình đến Bình Định tiếp tục xuống, các sông khác ở Trung bộ biến đổi chậm.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, ngày 10/11, mực nước các sông ở Tây Nguyên có dao động nhỏ, các sông từ Quảng Bình đến Bình Định tiếp tục xuống, các sông khác ở Trung bộ biến đổi chậm.

Các đoàn khách du lịch lại tấp nập đến tham quan Phố cổ Hội An (Quảng Nam) sau mưa lũ. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN


Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, đến thời điểm này, lũ tại miền Trung đã làm 20 người thiệt mạng (giảm 2 người so với ngày 8/11, do loại bỏ trường hợp ốm nhưng không đi bệnh viện được nên bị chết) và 4 người mất tích; làm 43 căn nhà bị sập, hư hại; gần 7.000 ha lúa và hoa màu bị ngập, hư hại.

Ông Đặng Văn Minh, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Quảng Ngãi cho biết: Đến ngày 9/11, tất cả các điểm sạt lở, các cầu hư hỏng đã được khắc phục xong bước 1 và hầu hết các tuyến giao thông bị sạt lở ta-luy dương, ta-luy âm gây ách tắc, đã thông xe tạm thời... Sở đã đề nghị Trung ương và tỉnh bố trí kinh phí để tập trung sửa chữa kịp thời những điểm sạt lở lớn, đặc biệt là các cầu bị hư hỏng nặng...

* Thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo các quận, huyện, nước rút đến đâu vận động nhân dân địa phương dọn dẹp vệ sinh đến đó, để cơ quan y tế dự phòng phun hóa chất xử lý môi trường, xử lý các giếng nước bị ngập lụt, bảo đảm có nguồn nước hợp vệ sinh cho nhân dân sử dụng và hạn chế dịch bệnh sau lũ lụt.

Cấp thuốc Cloramin B cho các trạm y tế xã tại huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) để xử lý môi trường sau mưa lũ. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN

Thành phố cũng yêu cầu quản lý chặt giá thực phẩm, tăng cường giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các cơ sở chế biến thức ăn; lấy mẫu xét nghiệm đối với rau sống, mắm, thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản để phát hiện và xử lý kịp thời, phòng ngừa dịch bệnh. Theo Sở Công Thương, toàn bộ vật tư, nhu yếu phẩm dự trữ cho việc ứng cứu chưa sử dụng đến. Tuy nhiên, Sở Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị nắm vững diễn biến của thị trường, sẵn sàng can thiệp khi có biến động về giá cả, nhất là các mặt hàng thiết yếu, phục vụ đời sống nhân dân.

Ngay khi nước rút, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân đã huy động hơn 150 cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 355 và Kho K718 đóng quân trên địa bàn Đà Nẵng, cùng với các phương tiện có mặt tại Trường tiểu học Lâm Quang Thự (Hòa Vang) nạo vét hơn 1.000 m2 bùn đất tràn vào các lớp học và khuôn viên của trường. Trong những ngày tới, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân tiếp tục điều động cán bộ, chiến sĩ cùng phương tiện giúp đỡ nhân dân, các trường học trên địa bàn Hòa Vang khắc phục hậu quả nặng nề sau mưa lũ, sớm ổn định đời sống.

* Ngày 10/11 tất cả các điểm di tích ở thành phố Huế như Đại Nội, chùa Thiên Mụ, các lăng Minh Mạng, Tự Đức, Khải Định... đã trở lại đón khách du lịch đến tham quan. Trước đó, hàng ngàn khách du lịch, chủ yếu là khách quốc tế vẫn đến các địa điểm di tích, thích thú với cảnh lội nước lũ, tham quan và ghi hình.

Đến sáng 10/11, mưa lũ vẫn chia cắt các tuyến tỉnh lộ từ thành phố Huế về trung tâm các huyện Phong Điền, Quảng Điền và Phú Vang. Hàng ngàn nhà dân vẫn đang trong tình trạng bị lũ bao vây, khiến cuộc sống đảo lộn, khó khăn, trong đó 1.150 hộ dân với 4.525 nhân khẩu di dời chưa trở về được nơi ở cũ.

Tại thành phố Huế, nước rút đến đâu, công tác vệ sinh môi trường được thực hiện ngay đến đó. Công ty Môi trường và công trình đô thị Huế huy động trên 500 công nhân tổng dọn vệ sinh các tuyến đường.

* Những đợt mưa lụt kéo dài từ giữa tháng 10 đến nay đã làm cho hàng ngàn ha lúa ở Quảng Trị bị ngập và hư hỏng. Cùng với đó, hàng chục ngàn tấn lúa của người dân cũng bị mọc mầm, hơn 70 tấn lúa giống bị hư hỏng, ảnh hưởng lớn đến nguồn giống phục vụ sản xuất vụ đông xuân sắp tới.
So với nhu cầu, tỉnh Quảng Trị hiện vẫn còn thiếu hàng trăm tấn lúa giống. Để đảm bảo đủ nguồn giống giúp nông dân triển khai sản xuất vụ đông xuân đạt kế hoạch, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Trị đang tích cực tìm kiếm các nguồn giống từ các địa phương khác phù hợp với cơ cấu sản xuất của Quảng Trị về phục vụ nhân dân.

lTheo báo cáo của Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My (Quảng Nam), thiệt hại do mưa lũ gây ra trên địa bàn huyện nặng nề nhất từ trước đến nay. Nặng nhất là các tuyến đường giao thông từ trung tâm huyện đi về 10 xã mưa lũ đã làm đất đá sạt lở nghiêm trọng, làm đứt đường Nước Là - Tắc Chanh - Trà Don. Nhân dân tại 10 xã của huyện đã được cấp gạo trước khi xảy ra mưa lũ nên lương thực đảm bảo. Tuy nhiên, do đường giao thông bị chia cắt, nên nhu yếu phẩm rất khan hiếm. Ước tính hai đợt lũ vừa qua trên địa bàn huyện đã gây thiệt hại hơn 50 tỷ đồng.

Quỹ Hỗ trợ phòng tránh thiên tai miền Trung đã thăm và trao 400 suất quà gồm gạo, nước uống cho 4 xã bị ngập lụt nặng là Đại Cường, Đại An, Đại Hòa và Đại Đồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.

Nhóm PV