11:19 06/11/2011

Lũ bủa vây thủ đô Băngcốc

Ngày 6/11, nước lũ tiếp tục đe dọa các khu vực tài chính, thương mại lớn ở trung tâm Băngcốc cũng như khu công nghiệp Bang Chan và Lad Krabang, buộc giới chức Thái Lan phải ra lệnh sơ tán thêm dân ở một số quận huyện ngập lụt tại thủ đô của xứ “chùa Vàng”.

Ngày 6/11, nước lũ tiếp tục đe dọa các khu vực tài chính, thương mại lớn ở trung tâm Băngcốc cũng như khu công nghiệp Bang Chan và Lad Krabang, buộc giới chức Thái Lan phải ra lệnh sơ tán thêm dân ở một số quận huyện ngập lụt tại thủ đô của xứ “chùa Vàng”.

Một ngôi chùa bị ngập ở thủ đô Băngcốc ngày 6/11. Ảnh: AFP/TTXVN.

Hiện nước lụt đang tràn từ phía bắc xuống bủa vây nhiều khu vực dân cư ở đoạn đầu đường vành đai Ratchadaphisek và dọc tuyến đường Phaholyothin - hai trục đường rất gần trung tâm buôn bán sầm uất nhất tại Băngcốc. Nước còn tiến đến đoạn đường phía trước một số bến tàu điện ngầm, bến tàu điện trên cao ở khu vực kể trên, ảnh hưởng đến bến xe Mo Chit, nơi bán vé phục vụ hành khách đến các tỉnh miền bắc Thái Lan, và chợ Chủ Nhật Chatuchak là nơi thu hút khá nhiều khách du lịch.

Người dân đi lại trên những con đường ngập nước ở thủ đô Băngcốc ngày 6/11. Ảnh: AFP/TTXVN.

Các hành khách sử dụng các phương tiện trên được khuyến cáo cần thường xuyên kiểm tra lịch hoạt động mỗi ngày, khi nhiều tuyến đường hay đoạn đường tại thủ đô Băngcốc đã trở thành kênh mương. Nhiều cơ quan, cửa hàng, siêu thị, trường học, ngân hàng... phải tạm ngừng hoạt động.

Việc hoàn thành tuyến đê bao chắn lũ bằng hàng nghìn bao cát nặng ở gần sân bay Don Mueang đang góp phần làm chậm dòng nước nay đã nặng mùi chảy vào trung tâm thủ đô. Các quan chức Thái Lan tin rằng Sân bay quốc tế Suvarnabhumi - hiện là cửa ngõ hàng không duy nhất nối với bên ngoài - sẽ vẫn mở cửa hoạt động bình thường nhờ có hệ thống đường bảo vệ cao khoảng 3 mét và nhiều máy bơm dự phòng. Tuy nhiên, một số chuyên gia của Viện Vua Mongkut cảnh báo, phần lớn Băngcốc sẽ bị ngập nước do khả năng bơm xả nước lụt ra biển qua phía đông và phía tây thủ đô rất hạn chế và chỉ đạt tối đa 5 triệu m3/ngày, so với lượng nước rất lớn hàng tỷ m3 từ phía bắc tràn xuống.

Trận đại hồng thủy tồi tệ nhất của Thái Lan trong khoảng 50 năm qua này đã cướp đi sinh mạng của trên 500 người, tác động đến cuộc sống của khoảng 3 triệu người, gây thiệt hại rất lớn đối với ngành công nghiệp và nông nghiệp của Thái Lan.

Ngọc Tiến
(P/v TTXVN tại Thái Lan)