12:16 08/12/2019

Lớp văn hóa mới Hà Nội - Bài 4: Lan tỏa nét đẹp văn hóa

Trong những năm gần đây, ý thức và nhận thức của người dân Hà Nội trong văn hóa ứng xử đã có thay đổi tích cực, nếp văn hóa mới ở Thủ đô đang dần hình thành. Ứng xử nơi công sở cũng như trong cộng đồng dân cư đã có chuyển biến, ngày càng xuất hiện nhiều hơn các điển hình, lan tỏa nét đẹp văn hóa.

Chung tay vì cộng đồng

Chú thích ảnh
Làng gốm cổ Bát Tràng nằm ở tả ngạn sông Hồng (thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội). Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Những ngày đầu đông, làng gốm cổ Bát Tràng, huyện Gia Lâm vẫn tất bật xe ra vào chở gốm, đưa đón những đoàn khách tham quan, trải nghiệm nghề truyền thống. Dẫn chúng tôi đi trên tuyến đường thôn 3, Bí thư Đảng ủy xã Bát Tràng Phạm Huy Khôi cho biết, đây là tuyến đường làm điểm theo phong trào "Giữ gìn đường làng, ngõ xóm, khu phố xanh, sạch, đẹp" của thành phố Hà Nội. Đường dài 120 mét, phong quang, sạch đẹp.

Trên tuyến này, xã Bát Tràng cho vẽ hai bức tranh tường cỡ lớn tái hiện câu chuyện Bát Tràng thời xưa và sức vươn xa của gốm Bát Tràng. Theo Bí thư Đảng ủy xã Bát Tràng Phạm Huy Khôi, dù mới phát động từ tháng 9 vừa qua nhưng người dân đều nhiệt tình ủng hộ, các gia đình dỡ bỏ mái che, mái vẩy, đập bỏ bục bệ, quét lại vôi ve tường, treo cờ và trồng thêm các bồn hoa cho đẹp. Sau khi thực hiện làm điểm tuyến đường thôn 3, xã Bát Tràng sẽ triển khai thêm một số tuyến đường nữa trong làng vào năm tới.

Trước kia, người ta thường quan niệm văn hóa ứng xử tại các chợ thường xô bồ do thường xuyên xảy ra cãi cọ, nói thách, cân sai, vệ sinh môi trường không đảm bảo... Để cải thiện hình ảnh văn hóa ứng xử tại chợ, từ nhiều năm nay, chợ Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm triển khai xây dựng mô hình chợ văn minh. Điều này càng cần thiết khi chợ Đồng Xuân lại là điểm đến của rất đông du khách trong và ngoài nước.

Ông Lê Ngọc Sơn - Trưởng Phòng quản lý ngành hàng chợ Đồng Xuân (Công ty cổ phần Đồng Xuân) cho biết, công ty đã in và phát tờ rơi về quy tắc ứng xử tới từng hộ kinh doanh, đồng thời vận động các hộ thực hiện theo. Trong đó, quy tắc ứng xử thực sự chú trọng đến vấn đề giao tiếp đúng mực với khách hàng, không nói sai, cân đong gian dối, không mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng, không gây mất trật tự công cộng... Vì vậy, văn hóa ứng xử trong chợ đã có nhiều chuyển biến, việc cãi cọ, xô xát đã giảm mạnh, các phong trào ủng hộ, từ thiện được bà con nhiệt tình hưởng ứng, lượng khách du lịch đến với chợ ngày càng đông.

Quá trình triển khai quy tắc ứng xử, trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng xuất hiện nhiều gương cá nhân tiêu biểu, tham gia các phong trào cộng đồng, có nhiều sáng kiến trong lao động, mẫu mực trong ứng xử với những người xung quanh, tích cực đi đầu trong triển khai quy tắc ứng xử đến người dân. Đó là, bà Đỗ Thị Tỵ, trú tại Tổ dân phố Xuân Nhang 1, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm tích cực quét dọn ngõ xóm, tuyên truyền Quy tắc ứng xử nơi công cộng đến các gia đình; bà Lê Thị Khánh, Chi hội phó Chi hội Phụ nữ số 8, phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân vượt lên hoàn cảnh gia đình luôn làm tốt công tác quyên góp, vệ sinh môi trường, chăm lo cho các cháu thiếu nhi; ông Khúc Văn Thoi, phường Thạch Bàn, quận Long Biên tham gia hòa giải thành công nhiều vụ tranh chấp đất đai... Những hành động của họ dù rất bình dị nhưng có ý nghĩa lớn với cộng đồng xung quanh bởi góp phần tạo nên chuyển biến ý thức chung cho người dân thôn làng, tổ dân phố.

Điểm sáng nơi công sở

Chú thích ảnh
Con đường bích họa ở thôn Đông Khê (huyện Đan Phượng). Ảnh: Lê Phú

Hà Nội đã ban hành nhiều giải pháp tăng cường kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ nhằm tăng hiệu quả công việc, tạo sự hài lòng cho công dân, doanh nghiệp khi đến làm việc. Những chuẩn mực đạo đức của cán bộ, công chức như cần, kiệm, liêm, chính sẽ tạo nên giá trị của văn hóa công sở và để chính các cá nhân phát huy ý thức trách nhiệm và tinh thần sáng tạo.

Thành phố Hà Nội cũng ban hành các mô hình thực hiện Quy tắc ứng xử dành cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nhằm tạo hiệu quả cao khi triển khai trong thực tiễn như: Mô hình bộ phận một cửa, một cửa liên thông giải quyết thủ tục hành chính văn minh, thân thiện, chuyên nghiệp; mô hình cơ quan xanh, nơi làm việc ngăn nắp, gọn gàng; mô hình xây dựng trường học thân thiện, nói lời hay, làm việc tốt, cảnh quan đẹp. Có thể thấy, văn hóa ứng xử nơi công sở hiện đã có những chuyển biến đáng kể, ngày càng giảm thiểu hiện tượng cửa quyền, vô cảm của cán bộ, công chức.

Buổi sáng ở Bộ phận "một cửa" phường Giang Biên, quận Long Biên, các viên chức luôn tất bật với công việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Người dân được hướng dẫn chu đáo, nhiệt tình các quy trình thực hiện thủ tục hành chính; các thủ tục hành chính được niêm yết công khai, minh bạch. Nhiều năm liền, Bộ phận một cửa phường Giang Biên được chứng nhận đạt chuẩn và đã tạo được lòng tin đối với nhân dân, được người dân khen ngợi khi đến giao dịch. Công chức tại bộ phận này luôn ôn hòa, cầu thị, dù bận rộn với công việc thường nhật nhưng trên khuôn mặt luôn nở nụ cười thân thiện. Anh Dương Phê Đô, viên chức Bộ phận "một cửa" của phường chia sẻ bản thân luôn hết mình phục vụ nhân dân, thực hiện đúng chức trách. 

Ở quận Thanh Xuân, mỗi cán bộ, công chức, viên chức không những thực hiện nghiêm Quy tắc ứng xử dành cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động mà còn thi đua vận dụng hiệu quả vào công việc.

Với cương vị Bí thư Đoàn phường Thanh Xuân Bắc, chị Lê Trà My triển khai mô hình thu gom ve chai gây quỹ từ thiện. Số tiền thu được, Ban Chấp hành Đoàn phường đã tặng 120 suất quà và 1 bộ trống nghi thức cho Trường Tiểu học Lóng Sập, tỉnh Sơn La; tặng các thiết bị phục vụ các cháu thiếu nhi trong phường vui chơi.

Bí thư Đoàn phường Thanh Xuân Bắc Lê Trà My còn thường xuyên chỉ đạo chi đoàn các khu dân cư tích cực bóc xóa quảng cáo rao vặt trái phép, tham gia làm vệ sinh môi trường vào "Ngày thứ Bảy tình nguyện", "Ngày Chủ nhật xanh". Năm 2018, chị và Ban Chấp hành Đoàn phường triển khai mô hình "Con đường bích họa" tại ngõ 261 Vũ Hữu và 71 Nguyễn Quý Đức, với tổng diện tích 110 m2 từ những bức tường nham nhở quảng cáo rao vặt. Việc làm này đã góp phần tác động đến ý thức của nhân dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị trên địa bàn phường.

Nhân rộng những mô hình hay, việc làm tốt trong văn hóa ứng xử đang là mục tiêu được các cấp, ngành từ thành phố đến cơ sở quan tâm, nhằm kích lệ nhân dân hưởng ứng, tạo ra nếp văn hóa ứng xử văn minh trong xã hội. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các cấp, ngành, đơn vị triển khai hiệu quả chương trình phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh và đưa hai bộ quy tắc ứng xử vào cuộc sống một cách hiệu quả.

Bài cuối: Vun đắp lớp văn hóa mới

Đinh Thị Thuận (TTXVN)