04:06 12/04/2017

Lớp học vùng cao - nơi các em có thể đồng thanh đọc lên các bộ phận nhạy cảm trên người

"Có một cảnh khiến tôi rất ấn tượng đó là khi các em đồng thanh đọc tên các bộ phận sinh dục, tôi tin đây là cảnh rất khó gặp ở bất kỳ lớp học nào...", Quỳnh Chi, thành viên dự án "Lớn lên an toàn" chia sẻ.

Theo thống kê, trên thế giới cứ 5 trẻ em thì có 1 em bị xâm hại tình dục; tại Việt Nam trong 5 năm (2011-2015) cả nước phát hiện trên 8.200 vụ xâm hại trẻ em với gần 10.000 nạn nhân. Trong các vụ xâm hại tình dục trẻ em, 93% kẻ xâm hại quen biết nạn nhân, 47% kẻ xâm hại đến từ gia đình, họ hàng mình. Nhưng cho đến nay, chủ đề về “tình dục”, “giới tính” vẫn còn là điều mới mẻ, ngại ngùng đối với cả cha mẹ và trẻ em.

Xâm hại tình dục trẻ em đang là một đề gây bức xúc cho toàn xã hội.

Đã có nhiều tổ chức, dự án đang nỗ lực tuyên truyền về phòng chống xâm hại tình dục trẻ em. Một trong số đó là dự án "Lớn lên an toàn". Dự án hoạt động trên hai hướng: Hỗ trợ phụ huynh hướng dẫn trẻ em cách tự bảo vệ mình trước nạn xâm hại tình dục; Tuyên truyền phòng chống xâm hại tình dục và bảo vệ trẻ em.


Dự án thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo dành riêng cho phụ huynh để hướng dẫn cách phòng tránh hoặc xử lý khi con bị tấn công bởi “yêu râu xanh”. Tại đây, các phụ huynh sẽ được trang bị các kiến thức về xâm hại tình dục, cách nói chuyện với con về chủ đề “người lớn”, cùng thảo luận về các vấn đề  như: Khi nào là thời điểm thích hợp để bố mẹ nói cho con biết về chuyện “người lớn”; Khi nào thì nên nói cho các bé gái về chuyện kinh nguyệt; Cách phản ứng khi nghi ngờ con bị xâm hại tình dục…


Đối với trẻ em, dự án "Lớn lên an toàn" tổ chức các lớp học dạy về giới tính, bằng cách lồng ghép kiến thức về giới tính vào các trò chơi. Những lớp học giới tính này không chỉ diễn ra tại các thành phố lớn, mà thường xuyên được tổ chức tại những địa điểm ở vùng sâu, vùng xa (Tuyên Quang, Lào Cai, Hà Giang…), nơi mà kiến thức về giới tính còn là điều xa lạ đối với chính người lớn.


Nội dung được dạy cho các em được chia thành 4 chủ đề: Sự khác biệt giữa cơ quan sinh dục của nam và nữ; Tìm hiểu những biến đổi cơ thể của nam và nữ khi đến tuổi dậy thì; Phân biệt vùng động chạm an toàn và không an toàn trên cơ thể; Những biểu hiện của xâm hại tình dục và cách phòng tránh được việc trở thành nạn nhân của việc này. 

Lớp học tại Na Hang (Tuyên Quang) tổ chức vào tháng 4/2017.

Quỳnh Chi, thành viên Dự án "Lớn lên an toàn", chia sẻ về kỷ niệm khi đi dạy tại Na Hang (Tuyên Quang): “Có một cảnh khiến tôi rất ấn tượng đó là khi các em đồng thanh đọc tên các bộ phận sinh dục, tôi tin đây là cảnh rất khó gặp ở bất kỳ lớp học nào. Bởi vì bản thân tôi ngày xưa cũng chưa từng có trải nghiệm được nói ra một cách dõng dạc các bộ phận mà mọi người luôn coi là nhạy cảm như vậy. Và việc có thể nói ra một cách không ngại ngần rất quan trọng trong trường hợp nếu các em không may gặp một ai đó và bị động chạm vào các bộ phận nhạy cảm, các em có thể kể lại chính xác, việc này sẽ giúp cho việc xử lý hậu quả sau đó trở nên dễ dàng hơn nhiều. Tôi cho rằng trong việc bảo vệ trẻ em, chính người lớn đang là người tạo nên rào cản bởi những định kiến, những sự ngại ngần khi nói với trẻ về vấn đề giới tính”.


Nguyễn Văn Công, người sáng lập Dự án "Lớn lên an toàn, cho biết: "Dự án “Lớn lên an toàn” đem đến những kinh nghiệm cho cha mẹ về việc giáo dục giới tính cho con, hay giải đáp được câu hỏi: Làm sao để trẻ có thể tự bảo vệ bản thân trước các nguy cơ xâm hại tình dục? Với Lớn lên an toàn, chúng tôi muốn xây dựng một thông điệp mang tính chất màu hồng. Chúng tôi không muốn biến xâm hại tình dục trở thành một con ma đáng sợ luôn có thể dọa dẫm trẻ con. Không chỉ với trẻ em, đối với phụ huynh chúng tôi cũng mong muốn việc giáo dục giới tính này trở nên thật bình thường như mọi chủ đề khác ”.

Trẻ em phấn khởi khi được tiếp nhận kiến thức bố ích.

Dự án "Lớn lên an toàn" là sáng kiến của nhóm các bạn trẻ. Hoạt động được hơn 1 năm nay, các bạn trẻ đã tập huấn và tuyên truyền cho hơn 800 học sinh ở các trường học trên cả nước. Dự kiến cuối năm nay "Lớn lên an toàn" sẽ cho ra đời phần mềm trên điện thoại di động hỗ trợ cha mẹ hướng dẫn con tự bảo vệ mình.

Kiều Hà