12:14 24/12/2016

Lớp học tình thương trong nhà thờ Don Bosco ở thành phố hoa Đà Lạt

Trong lớp học này có bạn đi bán vé số, bạn thì bán đồ ăn vặt ở chợ đêm Đà Lạt...

Từ sáng sớm, Rơ Ông Ha Khang (phường 5, thành phố Đà Lạt) đã có mặt tại lớp học tình thương trong Nhà thờ Don Bosco. 5 năm qua, Ha Khang đã quen với việc đến lớp trong bộ đồng phục gọn gàng giống như những bạn học ở các trường tiểu học khác. Năm nay lên lớp 5, buổi sáng Ha Khang học chữ, chiều em lại cùng cha mẹ đi hái cà phê trong rẫy. Dù phụ việc gia đình nhưng Ha Khang vẫn không quên làm bài tập về nhà, ôn tập cho bài thi học kỳ sắp tới. “Được đi học em vui lắm. Hết lớp 5, em muốn được học lên các lớp cao hơn nữa” – Ha Khang bộc bạch.

Ha Khang chỉ là một trong 90 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt của lớp học tình thương Don Bosco. Trong lớp học này có bạn đi bán vé số, bạn khác thì bán đồ ăn vặt ở chợ đêm Đà Lạt hoặc những em có hoành cảnh khó khăn, cha mẹ không có điều kiện cho đến trường. Các em thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau và nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhưng đều có chung một nguyện vọng đến trường đi học để biết chữ.

Để tạo điều kiện cho những học sinh đặc biệt này, các linh mục, thầy cô phụ trách lớp chỉ xếp thời khoá biểu lên lớp vào buổi sáng. Buổi chiều dành thời gian cho các em ở nhà ôn bài hoặc đi phụ cha mẹ kiếm tiền. 

Tuy là những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn, nhưng khi đến lớp, hầu hết những học sinh này đều có ý thức học tập rất tốt. Nhiều em còn phấn đấu học giỏi, đạt kết quả cao trong các kỳ thi. Em Nguyễn Thị Minh Hằng (học sinh lớp 5, ở đường Thủ Khoa Huân, Đà Lạt) tâm sự: “Con thấy vẫn may mắn hơn so với những bạn khác. Các thầy cô rất quan tâm và đã giúp tụi con biết chữ nên con sẽ cố gắng học thật giỏi để không phụ lòng các thầy cô”.

Hiện nay, lớp học tình thương Don Bosco có các lớp từ 1 – 5. Đến với lớp học này, các em được học kiến thức theo sách giáo khoa chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ngoài miễn tiền học phí, học sinh còn được ăn bữa trưa tại lớp (2 bữa ăn/tuần). Phụ trách giảng dạy đều là những giáo viên đã nghỉ hưu hoặc đang công tác tại một số trường tiểu học trên địa bàn thành phố Đà Lạt. 

Cô Nguyễn Thị Thu (nguyên giáo viên Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, thành phố Đà Lạt) chia sẻ: “Dạy học ở đây cũng là niềm vui khi tôi đã về hưu. Học sinh có mỗi hoàn cảnh, lứa tuổi khác nhau rất đáng thương, nên hầu như giáo viên chúng tôi đều tận tình hướng dẫn, truyền thụ kiến thức cho các em”.

Hơn 10 năm qua, tại lớp học Don Bosco, hàng trăm trẻ em lang thang cơ nhỡ, trẻ có hoàn cảnh khó khăn đã được dạy dỗ, nuôi dưỡng. Không kể người theo đạo hay ngoại đạo, lớp học vẫn đón nhận những đứa trẻ đến học chữ, học làm người. Khi kết thúc lớp 5, các em còn được tạo điều kiện để thi vào các trường trung học cơ sở để tiếp tục ước mơ đến trường nếu có nhu cầu. Qua từng năm, số lượng học sinh của lớp học cũng không ngừng tăng lên. Hầu hết kinh phí hoạt động của lớp học đều được các "mạnh thường quân" tại địa phương và những tỉnh, thành khác hỗ trợ.

Linh mục Đinh Văn Triển, người quản lý lớp học tình thương Don Bosco cho biết, thông qua lớp học đã giúp các em thay đổi, nhiều em đã trở thành những công dân tốt có ích cho xã hội. Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hàng năm, các em vẫn về thăm các thầy cô giáo ở đây, nên cũng là động lực giúp lớp học ngày càng phát triển mạnh hơn nữa.

Nguyễn Dũng (TTXVN)