09:10 23/09/2011

Lớp học đặc biệt của trẻ khuyết tật

Ngay từ cuộc điều tra xã hội học năm 1992, toàn xã Quang Trung (Kiến Xương, Thái Bình) đã phát hiện 228 người tàn tật- trẻ mồ côi, trong đó có khá nhiều em đang độ tuổi đến trường. Một lớp học đặc biệt cho các em đã được thành lập ngay năm đó.

Ngay từ cuộc điều tra xã hội học năm 1992, toàn xã Quang Trung (Kiến Xương, Thái Bình) đã phát hiện 228 người tàn tật- trẻ mồ côi, trong đó có khá nhiều em đang độ tuổi đến trường. Một lớp học đặc biệt cho các em đã được thành lập ngay năm đó.

Lớp học đặc “biệt”…

Sau điều tra, lớp học tình thương (LHTT) được tổ chức ngay tại khuôn viên Trường Tiểu học Quang Trung ngay từ năm học đó. 28 em của lớp có hoàn cảnh gia đình khác nhau nhưng đều bị khuyết tật như: Nhiễm chất độc da cam/điôxin, câm điếc, bại liệt, thiểu năng trí tuệ, bị bệnh đao, thị lực kém, động kinh, hở hàm ếch và cả các em là con mồ côi, gia đình chính sách… Các em được cắp sách đến trường, được tham gia học tập, vui chơi, hòa nhập cộng đồng như các bạn cùng trang lứa khác.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Trung, cô giáo Vũ Thị Hằng, cũng là một trong những giáo viên tham gia đứng lớp đầu tiên, bồi hồi nhớ lại “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”: “Ngay từ khi thành lập, tập thể giáo viên nhà trường đã xác định được muôn vàn khó khăn sẽ gặp phải nhưng chúng tôi đều quyết tâm cố gắng, tự hứa sẽ làm và làm cho thật tốt bằng chính cái tâm của mình…”.

Cô giáo Nguyễn Thị Bảo, một giáo viên “lĩnh ấn tiên phong” ngay từ năm học đầu tiên, tâm sự: “Mở được lớp nhưng để vận động các gia đình có con em bị khuyết tật đưa các cháu đến trường quả là khó. Kiến Xương là một huyện thuần nông. Người dân quanh năm đầu tắt mặt tối “bán mặt cho đất, bán lưng cho giời”. Kinh tế gia đình chỉ trông chờ vào cây lúa. Lo cái ăn cái mặc đã toát mồ hôi nên phần lớn trẻ trong độ tuổi đến trường chưa được sự quan tâm, chăm sóc chu đáo nói gì đến trẻ khuyết tật! Khi chúng tôi đến vận động các gia đình cho con em mình đến lớp, mặc dù đã giải thích cặn kẽ sẽ không phải đóng góp nhưng có nhiều phụ huynh vẫn cứ phân vân vì họ còn lo làm lo ăn, không có thời gian đưa con em mình đến lớp. Nhiều người còn nói thẳng, những đứa trẻ lành lặn còn chẳng ai nói gì đến, con em mình “đui, què, mẻ, sứt”. Không ít người tỏ ra hoài nghi?... Nhưng “mưa dầm thấm lâu”, cuối cùng lớp học cũng đi vào ổn định…”.

Học sinh lớp học tình thương Trường Tiểu học Quang Trung luôn nhận được sự quan tâm, động viên thiết thực của các cấp, các ngành trong tỉnh.

Trong ký ức của nhiều người dân xã Quang Trung, cho đến tận bây giờ vẫn còn lưu lại hình ảnh buổi tựu trường năm ấy. Em bị câm điếc, có nhiều em bị nhiễm chất độc da cam/điôxin, có em bị bại liệt, em bị thiểu năng trí tuệ, em bị bệnh đao, em bị động kinh, có em hở hàm ếch và cả các em là con mồ côi, gia đình chính sách… đã được các anh chị phụ trách sao, các thầy cô giáo cùng gia đình đưa đến dự lễ khai giảng. Thật khó có thể diễn tả cho hết ngọn nguồn cảm xúc của các vị phụ huynh và cả người dân có mặt chứng kiến lễ khai giảng nhìn các em bé khuyết tật, trẻ mồ côi, gia đình chính sách!... Lần đầu tiên các em được mặc quần áo đẹp, đùa vui với các bạn cùng trang lứa, tham gia các hoạt động vui chơi giải trí, hòa nhập cộng đồng…

Trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Kiến Xương, nhà giáo Nguyễn Anh Minh, phấn khởi: “Việc thành lập và duy trì hoạt động của LHTT tuy gặp muôn vàn khó khăn nhưng các thầy cô giáo Trường Tiểu học Quang Trung đã làm được. Các em khuyết tật được đón nhận sự quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần của các tổ chức chính trị- xã hội, các nhà hảo tâm trong nước và quốc tế, các thầy cô giáo, các bạn học cùng trang lứa… suốt 18 năm qua. Nhiều em đã tự tin bước vào đời…”.

“Mỗi ngày đến trường là một ngày vui…”

Chúng tôi có mặt tại LHTT- Trường Tiểu học Quang Trung vào một ngày cuối tuần tháng ba đầy nắng. Đó Là một căn phòng xinh xắn, bài trí đẹp đẽ, khá khang trang, khiêm tốn nép mình dưới những tán cây trong khuôn viên nhà trường.

Thấy chúng tôi xuất hiện, các em đồng loạt cùng đứng lên chào theo hướng dẫn của cô giáo chủ nhiệm. Em Vũ Duy Hưng (SN 2004) là con của ông bà Vũ Đức Thuận- Trần Thị Thao ở xóm 5, thôn Trà Đoài bị bệnh ung thư máu từ nhỏ. “Khi biết mình bị bệnh, con rất sợ nhưng con vẫn muốn được đi học cùng các bạn. Con sợ ở nhà một mình lắm! Được đi học con thấy đỡ đau hơn…”. Cô giáo Vũ Thị Luyến, năm học này phụ trách lớp, cho biết tuy hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn và luôn bị những cơn đau hành hạ, thời gian đi viện nhiều hơn ở nhà nhưng Hưng học rất chăm chỉ, tiếp thu tốt. Chị gái Hưng là Vũ Phương Thanh, năm học vừa qua đạt danh hiệu học sinh giỏi, được đi dự trại hè thiếu nhi do Trung ương Đoàn tổ chức…”.

Cũng bị khuyết tật nhưng trường hợp của em Bùi Quốc Khánh (SN 2000), con ông Bùi Văn Hiệc ở xóm 6, thôn Trà Đông lại khác. Gia đình có ba anh em trai, bố mẹ làm ruộng, không hiểu mắc phải căn bệnh gì mà thị lực của anh em Khánh ngày một yếu đi, mờ dần. Mắt của hai anh trai Khánh cũng tự nhiên mù hẳn... Bản thân Khánh một bên mắt đã mờ hẳn, một bên thị lực chỉ còn 1/10. Khi biết các con mình rơi vào tình cảnh mù lòa, bố mẹ các em cũng vay mượn đưa các em đi cứu chữa, nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Từ đó, tính tình bố em trở nên thay đổi, luôn tỏ ra tự ti, không muốn cho mọi người biết hoàn cảnh của gia đình mình. Ông bắt hai anh trai của Khánh phải nghỉ học ở nhà. Riêng Khánh, nhờ sự can thiệp, vận động của các thầy cô giáo và chính quyền địa phương nên em vẫn được đến trường. Năm nào Bùi Quốc Khánh cũng đạt học sinh tiên tiến.

Hay em Vi Thị Hạnh (SN 2004), con ông Vi Văn Trình ở thôn Trà Đông vừa bị bệnh tim và bệnh máu trắng. Khi chúng tôi đến, Hạnh vừa trở lại lớp học sau ba tuần nằm viện. Sức khỏe rất yếu nhưng Hạnh vẫn hồn nhiên cho biết gia đình em rất nghèo, bố mẹ làm ruộng; bản thân em mỗi tháng phải nằm viện điều trị tới ba tuần, tuy nhiên không vì thế mà em bỏ học. Mỗi khi Hạnh nằm viện, các bạn lại thay phiên nhau chép bài hộ. Hạnh rất hồn nhiên khi nói về lí do thích được đi học của mình: “Em thích được đến lớp, được vui chơi, múa hát… với các bạn mặc dù mẹ em bảo bệnh tật chẳng biết thế nào mà lần. Mẹ luôn muốn nhốt em ở nhà để mẹ đi làm thuê kiếm sống nhưng em không chịu…”. Sự vui vẻ, hồn nhiên của Hạnh trước căn bệnh hiểm nghèo khiến chúng tôi ứa nước mắt.

Nói về mô hình hoạt động của lớp học đặc biệt này, cô giáo Vũ Thị Hằng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Trung cho biết: “Vào đầu năm học, nhà trường tổ chức cho các em được tựu trường theo biên chế năm học qui định. Sau đó căn cứ vào độ tuổi- khả năng nhận thức của từng em, nhà trường sẽ tổ chức cho các em học hòa nhập theo các lớp học. Những học sinh không có khả năng nhận thức, nhà trường tổ chức cho các em học lớp chuyên biệt phù hợp với điều kiện nhà trường và đặc thù khuyết tật của từng học sinh..

Suốt 18 năm qua, hàng trăm em học sinh ở các độ tuổi khác nhau, hoàn cảnh gia đình khác nhau nhưng đều bị khuyết tật đã được cắp sách đến trường, được tham gia học tập, vui chơi, hòa nhập cộng đồng như các bạn cùng trang lứa khác là một nỗ lực không ngừng nghỉ của tập thể các thầy cô giáo Trường Tiểu học Quang Trung (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình). Nhiều em đã được tiếp thêm nghị lực để tự tin bước vào đời, hòa nhập với xã hội, tự lo được cuộc sống cho bản thân. Cá biệt có những em đã khẳng định được mình, tuy “tàn nhưng không phế”!

Khánh Linh