05:03 12/05/2019

Lòng tốt, không thể mất!

Thì ra, tình người chưa bao giờ rời xa chúng ta, chưa bao giờ mất đi dù giờ đây công nghệ đã đạt tới mạng 5G, trái đất đã phẳng, mạng xã hội, internet đã vô cùng, vô cùng phổ biến...

Chú thích ảnh
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu đi bộ đồng hành quanh phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm sau lễ phát động "Tháng nhân đạo". Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Ngày 12/5, theo lịch âm là Lễ Phật Đản của Việt Nam (mùng 8 tháng 4 âm lịch), ngày để chúng ta có thể thực hiện giữ “Ngũ giới”, “Tứ vô lượng tâm” (từ bi hỷ xả), thực hành bố thí và làm việc từ thiện, tặng quà, tiền cho những người yếu kém trong cộng đồng… với mong muốn mang lại hạnh phúc, niềm vui cho những người bất hạnh.

Chú thích ảnh
Trong khuôn khổ Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc lần thứ 16 - Vesak 2019 diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc, huyện Kim Bảng (Hà Nam), chiều 11/5/2019 diễn ra Lễ diễu hành xe hoa từ TP. Phủ Lý về chùa Tam Chúc. Ảnh: TTXVN

Năm nay, Đại lễ Vesak (Phật Đản) Liên hợp quốc cũng lần thứ ba diễn ra tại Việt Nam (từ ngày 12-14/5), với sự tham dự của 20.000 đại biểu. Đại lễ năm nay mang chủ đề “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”.

Tháng 5 này, cũng được Hội chữ Thập đỏ Việt Nam chọn là “Tháng nhân đạo” với chủ đề “Kết nối, sẻ chia và lan tỏa”. Lễ phát động “Tháng Nhân đạo” 2019 đã diễn ra ngày 11/5, tại phố đi bộ Bờ Hồ Hoàn Kiếm, với sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam. Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Việc chia sẻ với những người khó khăn hơn không chỉ là sự giúp đỡ về vật chất, tinh thần của cộng đồng mà còn góp phần lan tỏa tinh thần và giá trị nhân đạo. Đó cũng là đạo lý của dân tộc Việt Nam và các dân tộc trên thế giới…

Tháng 5, dường như có quá nhiều cơ hội cho tình người, sự hiền hoà, sự sẻ chia… lan toả. Quá nhiều cơ hội cho lòng tin vào những điều tốt đẹp trong chúng ta được phục hồi!

Nhưng dường như không chỉ tháng 5, mà bất cứ lúc nào, khi cần, thì những đốm lửa tình người trong xã hội cũng ngay lập tức được thắp sáng, được chụm lại thành ngọn lửa làm ấm áp trái tim mỗi chúng ta…

7 giờ 30 sáng ngày 12/5, chương trình đi bộ kêu gọi hành động “Đã uống rượu bia KHÔNG lái xe” diễn ra trên con phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm, do Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia và Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức, với sự đồng hành của Nhà hát Kịch Việt Nam, cộng đồng cựu học sinh PTTH Hà Nội 91-94.

Những nghệ sĩ của Nhà hát Kịch Việt Nam đều sẵn sàng rồi. Các bạn cựu học sinh PTTH Hà Nội 91-94 cũng chờ tới giờ để xuất phát. Có những người mẹ đã đi đặt riêng con cậu con trai còn chưa biết đi của mình chiếc áo phông trắng dán logo “Đã uống rượu bia không lái xe”. Ai cũng hiểu, những người nghệ sĩ ấy, những người bạn học 91-94 ấy muốn dành sự tưởng niệm tới hai nữ bạn học vừa mới qua đời vì tai nạn giao thông tại hầm Kim Liên, do một người đàn ông uống rượu lái xe gây ra.

Chú thích ảnh
Ba đêm kịch đã được Nhà hát Kịch Việt Nam tổ chức để quyên góp hỗ trợ chị Đinh Thị Hải Yến, nhân viên Nhà hát. Ảnh: Nhà hát cung cấp.

Sớm hơn thế, không khỏi xúc động khi ngay sau cái chết của Đinh Thị Hải Yến (một trong hai nạn nhân của vụ tai nạn hầm Kim Liên)- nhân viên phục trang, Nhà hát Kịch Việt Nam đã đứng ra tổ chức ba đêm diễn vở kịch “Bão tố Trường Sơn” để quyên góp giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn của gia đình chị. Chỉ sau vài giờ phát động, vé đã “cháy”. Hơn 300 triệu đồng tiền bán vé đã được trao tận tay gia đình Hải Yến ngay sau khi kết thúc ba đêm diễn đầy nước mắt này…

Cùng lúc đó, Ban phụ huynh và cô giáo chủ nhiệm lớp C5 Trường tiểu học Bình Minh (Hà Nội) cũng phát động quyên góp từ thiện để ủng hộ bé Nguyễn Minh Quân, con của Hải Yến, là học sinh của lớp…

Nỗi đau mất mẹ của cậu con trai bé nhỏ phải chịu nhiều thiệt thòi do bệnh tật, nỗi đau mất người thân của gia đình nữ diễn viên có hoàn cảnh khá khó khăn khiến người ta phải ứa nước mắt này… chắc không thể có gì bù đắp nổi. Nhưng, những giọt tình ấm áp ấy, đã giúp họ phần nào có thể bớt lạnh lẽo và cô đơn hơn trong giờ phút bơ vơ của mình.

Tôi cũng còn nhớ ngay sau cái chết thương tâm của người phụ nữ đơn thân ngày chạy Grab, đêm làm nhân viên vệ sinh để nuôi hai con ăn học; thì cộng đồng cũng đã vào cuộc. Những tổ chức từ thiện của địa phương, của đơn vị nơi chị công tác, rồi từng cá nhân, trong đó có không ít những nhà báo, những người có uy tín trong xã hội, trên cộng đồng mạng… đã kêu gọi ủng hộ, giúp đỡ cho hai đứa trẻ mất mẹ. Đơn vị công tác của chị đã quyết định hỗ trợ một phần tiền học cho hai con cho tới khi các cháu 18 tuổi và sẵn sàng nhận vào làm việc nếu các cháu có nhu cầu. Một trường PTTH tư nhân cũng đã gửi hồ sơ cho cậu con trai đang học lớp 9 để nếu cháu không đỗ công lập thì sẽ được tuyển chọn vào trường, miễn phí 100% tiền học. Và cuối cùng, tổng số tiền quyên góp được là hơn 2 tỷ, đã được lập sổ tiết kiệm mang tên hai cháu, đủ tiền nuôi hai cháu cho tới khi trưởng thành.

Thì ra, tình người chưa bao giờ rời xa chúng ta, chưa bao giờ mất đi dù giờ đây công nghệ đã đạt tới mạng 5G, trái đất đã phẳng, mạng xã hội, internet đã vô cùng, vô cùng phổ biến, khiến người ta phải cảnh báo nhiều về tình trạng “máu lạnh” của con người.

Đã có người từng tâm sự với tôi, sợ quá chị ơi, giờ không biết là xã hội gì nữa, một ngày không biết tới bao nhiêu tin tai nạn, giết người, rồi buôn bán ma tuý.

Đúng, có một xã hội mặt trái như thế. Nhưng, cũng có một xã hội mặt phải mà cái mặt trái kia không thể che lấp, không thể làm lu mờ. Đó là xã hội của những con người thiện lương, biết yêu thương mình và yêu thương, trân trọng đồng loại; vẫn sống theo cái dòng chảy muôn đời nhân văn mà cha ông ta đã vun đắp lên và để lại: “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”, “lá lành đùm lá rách”.

Chú thích ảnh
Micheal Nator, 25 tuổi, người Mỹ, đang dạy tiếng Anh tại Hà Nội, bị tai nạn giao thông nặng, vỡ xương hông, phải nằm tại chỗ, không còn tiền chi tiêu, đã được cộng đồng nhiệt tình hỗ trợ. Ảnh: Vũ Hội.

Vậy nên mới có một cộng đồng những người sẵn sàng bỏ thời gian, bỏ tiền bạc, để chăm sóc, chung tay giúp đỡ một giáo viên tiếng Anh người Mỹ bị tai nạn nằm bất động, trong túi không còn đồng nào.

Và mới đây, cậu bé Nguyễn Quang Dũng, lớp 5A trường Tiểu học xã Quỳnh Dị (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) đã dũng cảm lao xuống sông cứu bé trai 5 tuổi bị trượt chân rơi xuống nước.

Tự nhiên sao thấy cái rét se se giữa hè của Hà Nội không còn lạnh lẽo. Tự nhiên thấy trái tim vốn nhiều khi dành phần lớn cho sự nghi ngờ, lo lắng, bất an… đột nhiên biết đập trở lại những nhịp đập niềm tin. Niềm tin vào lòng tốt trong xã hội, niềm tin vào những điều đẹp như hoa hồng sẽ không mất đi như trong kịch của cố tác giả Lưu Quang Vũ.

Cũng bởi, dường như chúng ta không hề đơn độc trong hành trình hướng tới những điều thiện lành. Có cảm giác, chạm đến đâu cũng sẽ thấy những trái tim, nhưng tình cảm, những sự sẻ chia đáng trân trọng. Tất nhiên, trong ngọn lửa tình người vẫn chưa bao giờ nguội ấy, ai cũng nên có một bước chân đồng hành, một bàn tay xoè ra nâng đỡ. Có như thế, lòng tốt, tình người mới mãi mãi không thể bị mất đi!

Phạm Tuyết