02:16 06/02/2018

Lồng ghép chiến lược thích ứng dựa vào hệ sinh thái tại Việt Nam

Đây là nội dung chính của hội thảo tổng kết dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức của Chính phủ Đức, do Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Đức tổ chức ngày 6/2, tại Hà Nội.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường cho biết, hội thảo đánh dấu thành công của dự án sau hơn 3 năm sát cánh cùng với những nỗ lực của Việt Nam, trong việc lồng ghép một cách có hệ thống các giải pháp dựa vào hệ sinh thái trong khuôn khổ chính sách và triển khai mô hình trình diễn thực tế ở Hà Tĩnh, Quảng Bình. Những bài học kinh nghiệm rút ra từ dự án sẽ là nền tảng quan trọng, làm tiền đề để chương trình hợp tác toàn diện hơn nhằm hỗ trợ Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu.

Khi nước rút, rác mắc kẹt lại trên cây bần, để lại cảnh tượng ngổn ngang rác bám trên cánh rừng nguyên sinh ven đê sông Lam đoạn qua xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc (Nghệ An). Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN

Theo ông Ivo Litzenberg, đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Đức, dự án ưu tiên nâng cao kiến thức và chia sẻ thông tin về các hoạt động, biện pháp thích ứng dựa vào hệ sinh thái (EbA) thông qua hàng loạt hội thảo tập huấn về lồng ghép các biện pháp thích ứng dựa vào hệ sinh thái vào quá trình lập quy hoạch phát triển. Theo đó, từ năm 2016 dự án đã triển khai các mô hình thí điểm các biện pháp thích ứng dựa vào hệ sinh thái tại những vùng ven biển bị xói lở và cát bay tại tỉnh Quảng Bình, thông qua hoạt động trồng và phục hồi rừng phòng hộ ven biển kết hợp các hoạt động sinh kế như nuôi bò, nuôi cá nước ngọt và trồng rau. Ở Hà Tĩnh, dự án thí điểm các biện pháp thích ứng dựa vào hệ sinh thái ở những vùng núi cao trong điều kiện hạn hán, thông qua các mô hình làm giàu rừng tự nhiên bằng cây bản địa kết hợp trồng cam đặc sản Hà Tĩnh, trồng dứa theo đường đồng mức và nuôi ong.

Tại hội thảo, các đại diện các cơ quan trực thuộc  Bộ Tài nguyên và Môi trường, đại diện các bộ, ngành liên quan, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ ... cùng thảo luận nhóm theo chủ đề như: Lồng ghép biến đổi khí hậu, thích ứng dựa vào hệ sinh thái và các xem xét môi trường vào quá trình lập quy hoạch quốc gia, quy hoạch cấp tỉnh; tăng cường năng lực và nâng cao nhận thức về thích ứng dựa vào hệ sinh thái; đồng thời đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương như phương pháp luận và phương pháp tiếp cận; đóng góp của tình trạng dễ bị tổn thương đối với việc lồng ghép biện pháp thích ứng dựa vào hệ sinh thái vào quá trình lập quy hoạch phát triển; xây dựng các chỉ số đánh giá cụ thể...

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình đã chia sẻ kinh nghiệm về các thực tiễn thích ứng dựa vào hệ sinh thái, nhằm hỗ trợ lồng ghép biện pháp thích ứng dựa vào hệ sinh thái vào nội dung cập nhật kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu cấp tỉnh đến năm 2020. Cụ thể là cập nhật kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020; các giải pháp thích ứng dựa vào hệ sinh thái, thí điểm về bảo vệ rừng và làm giàu rừng, tại khu vực ven biển; nâng cao nhận thức cho cộng đồng về biến đổi khí hậu, thích ứng với biến đổi khí hậu, thích ứng dựa vào hệ sinh thái.

Các đại biểu cũng đưa ra những đề xuất, khuyến nghị tăng cường hỗ trợ cộng đồng hơn nữa nhằm đa dạng mô hình sinh kế mang lại thu nhập bền vững và tiếp cận nhiều hộ nghèo hơn; chính quyền địa phương cần tăng cường điều phối các nguồn lực sẵn có nhằm đầu tư nhân rộng mô hình đối với các địa phương; ưu tiên cần thiết đối với việc thực hiện các mô hình ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái ở cấp địa phương.

Diệu Thúy (TTXVN)