Bảo hiểm y tế (BHYT) đang giúp đỡ nhiều gia đình khó khăn không may mắc những bệnh hiểm nghèo hoặc tai nạn không may ập đến. BHYT chia sẻ rủi ro, giảm gánh nặng chi trả từ tiền túi của người bệnh và tạo nguồn lực quan trọng để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Nhiều người nhờ BHYT mà vượt qua được giai đoạn khó khăn khi điều trị bệnh.

“Phao cứu sinh” cho những bệnh nhân nặng

Buổi sáng tại Trung tâm Hemophilia, Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương, hầu hết các bệnh nhân thể nặng đều rất mệt mỏi vì nằm viện dài ngày, những thân hình gầy gò, thậm chí bị cắt cụt chi hay gần như nằm liệt một chỗ. Các bệnh nhân ở đây đều đã coi bệnh viện là ngôi nhà thứ 2 khi căn bệnh này phải điều trị suốt đời với chi phí rất cao.

Đã gần 1 tháng nhập viện điều trị, bệnh nhân Hồ Huy Bảo (30 tuổi, ở Hương Sơn, Hà Tĩnh) vẫn còn đau đớn trên giường bệnh vì lần chảy máu này khiến anh phải phẫu thuật cắt cụt đến khớp háng.

Chú thích ảnh
Bệnh nhân điều trị tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương.

 Ngồi nhìn những cục máu đen chảy trên ống dịch, anh Bảo mệt mỏi: “Tôi được phát hiện mắc bệnh Hemophilia đã 10 năm nay, bệnh của tôi là chảy máu khó kiểm soát và thường xảy ra ở các khớp nên tôi đã không giữ được chiếc chân bên trái. Lần này sau ca phẫu thuật, vết thương vẫn chảy máu nên tôi phải chuyển sang Bệnh viện Bạch Mai để nạo vết thương rồi lại về Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương để điều trị tiếp. Chạy qua chạy lại điều trị ở cả hai bệnh viện rất tốn kém, trong khi gia đình tôi chỉ làm nông nghiệp, hoàn cảnh khó khăn.

Theo số liệu của Viện Huyết học- Truyền máu trung ương, chi phí điều trị cho bệnh nhân Hồ Huy Bảo gần một tháng qua đã lên tới hơn 800 triệu đồng, dự kiến đợt điều trị này của bệnh nhân có thể lên tới hơn 1 tỷ đồng.

“Rất may tôi đã tham gia BHYT nhiều năm nay và được chi trả toàn bộ các chi phí nằm viện nên mới có thể theo đuổi điều trị đến ngày hôm nay, nếu không, chi phí lớn như vậy, gia đình tôi không thể nào có đủ”, anh Bảo chia sẻ.

Cũng mắc căn bệnh “ngốn tiền tỷ” Hemophilia, bệnh nhi Đoàn Đình T. (12 tuổi ở Chương Mỹ, Hà Tây) vẫn khỏe mạnh, nhanh nhẹn và đi học bình thường nhờ được điều trị thường xuyên.

Chị Đỗ Thị Thơm, mẹ bé T. cho biết: “Cứ mỗi đợt chảy máu cháu lại phải nhập viện điều trị, mỗi đợt hết khoảng hơn 20 triệu tiền thuốc, chưa kể các chi phí khác. Nhờ được BHYT chi trả các chi phí đó nên gia đình đỡ được rất nhiều. Sau này cháu còn phải chung sống với bệnh cả đời”.

Chú thích ảnh
Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tổ chức khám chữa bệnh ngày thứ bảy.

Còn tại Bệnh viện Bạch Mai, vừa qua cũng có rất nhiều bệnh nhân được BHYT chi trả chi phí điều trị ở mức rất cao. Đơn cử như trường hợp bệnh nhân Phạm Thị Nguyệt (40 tuổi), sau 1 tháng nằm điều trị vì mắc bệnh tim (hẹp hở vai hai lá) đã được quỹ BHYT chi trả tới 1,58 tỷ đồng, gia đình bệnh nhân chỉ phải đồng chi trả hơn 7,1 triệu đồng. Hay trường hợp bệnh nhân Nguyễn Tuấn Anh (25 tuổi) điều trị viêm phổi, tác nhân không đặc hiệu cũng được quỹ BHYT chi trả hơn 1,09 tỷ đồng…

Theo thống kê của Trung tâm Giám định bảo hiểm y tế và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc (BHXH Việt Nam), từ năm 2017 đến hết tháng 5/2019, bệnh nhân Phan Hữu N. (35 tuổi, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) đã được quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả số tiền điều trị bệnh lên tới gần 13 tỷ đồng. Qua những trường hợp này có thể thấy, với số tiền mua thẻ BHYT là 750.600 đồng/năm, khi chẳng may ốm đau, bệnh tật người tham gia sẽ được quỹ BHYT chi trả tiền khám chữa bệnh lớn hơn gấp nhiều lần từ sự chia sẻ của cộng đồng qua chính sách này.

TS. BS Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Trung tâm Hemophilia, Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương cho biết: Với những bệnh chi phí điều trị cao, điều trị suốt đời như ở trung tâm Hemophilia, hầu hết bệnh nhân đều có thẻ BHYT và được chi trả với chi phí điều trị rất lớn, có bệnh nhân lên tới 1- 2 tỷ đồng/đợt điều trị là bình thường. Thực sự BHYT đã trở thành “phao cứu sinh” cho các bệnh nhân hiểm nghèo, nếu không có tấm thẻ BHYT thì nhiều bệnh nhân không thể có khả năng chi trả và bệnh nhân không thể kéo dài sự sống.”

Cũng theo TS.BS Nguyễn Thị Mai, để tối ưu hóa nguồn lực BHYT, nếu chi trả cho các chi phí điều trị sớm, điều trị dự phòng thì sẽ hiệu quả hơn rất nhiều, giúp giảm gánh nặng bệnh tật, tiết kiệm cho cả người bệnh và chính quỹ Bảo hiểm.

Tạo sự khác biệt

Không chỉ với những bệnh nhân nặng và mãn tính, với nhiều gia đình, BHYT cũng là “chiếc phao cứu sinh” khi gặp những tai ương bất ngờ.

Trong dịp công tác đến Lạng Sơn đầu năm, chúng tôi cùng lúc gặp hai bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn. Đó là Lưu Quang Huy (22 tuổi) và Nguyễn Tùng Dương (15 tuổi) cùng trú ở thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn.

Chú thích ảnh
Bệnh nhân Lưu Quang Huy

 Cùng chung hoàn cảnh bị tai nạn giao thông nhưng bệnh nhân chưa tham gia BHYT phải tự chi trả toàn bộ số tiền viện phí tới hơn 20 triệu đồng. Trong khi đó, bệnh nhân có thẻ BHYT chỉ phải trả hơn 4 triệu đồng trong tổng số tiền điều trị gần 25 triệu đồng. Cụ thể, cuối tháng 1/2019, Lưu Quang Huy bị tai nạn xe máy với chấn thương giập nát bàn chân phải. Sau hơn 1 tháng điều trị, Huy đã phải chi trả số tiền viện phí hơn 20 triệu đồng do không tham gia BHYT.

Huy cho biết, trước đây, có theo học một trường đại học ở Hà Nội và tham gia BHYT. Nhưng khi ra trường, Huy chưa tìm được việc làm ổn định nên đã về quê làm phục vụ bàn cho một quán cà phê ở TP.Lạng Sơn gần 2 năm nay và không tiếp tục tham gia BHYT dù cũng được tuyên truyền về việc tham gia BHYT theo hộ gia đình. Rồi tai nạn bất ngờ xảy ra, những ngày nằm viện, Huy đã rất hối tiếc vì việc dừng tham gia BHYT để giờ đây gánh nặng viện phí đè lên vai cha mẹ và gia đình.

“Hiện, hoàn cảnh nhà em khá khó khăn khi thu nhập của bố mẹ chỉ khoảng 6 - 7 triệu/đồng tháng. Em thì thu nhập còn thấp hơn nên số tiền hơn 20 triệu đồng là không nhỏ. Sau đợt điều trị này, em nhất định sẽ tham gia BHYT để phòng những lúc ốm đau và tai nạn” Huy chia sẻ.

Cũng bị tai nạn xe máy như Huy, Nguyễn Tùng Dương phải điều trị ở BVĐK tỉnh Lạng Sơn với chấn thương gẫy tay và xương đùi từ ngày 14/2.

Thống kê của bệnh viện, chỉ sau 1 tuần nằm viện, chi phí điều trị của Dương đã lên tới gần 25 triệu đồng. Tuy nhiên, gia đình Dương chỉ phải chi trả 20% của khoản viện phí này, tương đương với hơn 4 triệu đồng vì Dương có tham gia BHYT.

Chú thích ảnh
Bệnh nhân Nguyễn Tùng Dương.

  Theo điều dưỡng Nguyễn Thị Liễu - Khoa Ngoại chấn thương (BVĐK tỉnh Lạng Sơn): “Bệnh nhân Nguyễn Tùng Dương đang tham gia BHYT HSSV. Do đó, quỹ BHYT sẽ chi trả 80% chi phí điều trị. Đây là điều khá may mắn vì Dương có hoàn cảnh khó khăn, cha mất sớm, mẹ đi làm ăn xa và đang phải sống với bà”.

Hai trường hợp trên cho thấy lợi ích của việc tham gia BHYT. Ốm đau, tai nạn là điều không ai mong muốn nhưng cũng là điều mà chẳng ai biết trước nên sự chuẩn bị tốt nhất là tham gia BHYT để được san sẻ những rủi ro.

BS.Đặng Huy Du - Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Lạng Sơn cho biết: Hiện nay, tỷ lệ người bệnh đến KCB tại cơ sở có thẻ BHYT đã ngày càng tăng lên. Năm 2018, bệnh viện đã tiếp đón, điều trị cho khoảng 190.000 bệnh nhân và 85% trong số này có tham gia BHYT. Nhiều người đã được quỹ BHYT chi trả số tiền điều trị lên tới 80 - 100 triệu đồng. Tuy nhiên, cũng có một số bệnh nhân vì chủ quan, trước đó, không tham gia BHYT nên khi không may bị mắc bệnh, tai nạn đã lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Do đó, thời gian qua, bệnh viện luôn quan tâm đến công tác tuyên truyền để người dân, người bệnh ý thức được lợi ích của chính sách BHYT từ đó tích cực tham gia để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.

Hướng đến BHYT toàn dân

Thời gian gần đây, việc tăng giá dịch vụ y tế đang được triển khai theo lộ trình mà hướng tới sẽ thực hiện tính đúng, tính đủ vào viện phí, việc người dân tham gia BHYT sẽ thuận lợi hơn. Đơn cử như từ tháng 5/2019, tại Hà Nội đã áp dụng giá dịch vụ y tế áp dụng đối với trường hợp không thuộc phạm vi thanh toán của BHYT. Giá mới được điều chỉnh tăng do tính theo mức lương cơ sở mới.

Ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: Hiện Hà Nội có hơn 86% dân số đã tham gia BHYT (gồm các đối tượng người già, trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo và cận nghèo, chính sách xã hội…), số chưa tham gia là 13,3% thuộc các đối tượng có mức sống ổn định và thuộc nhóm tham gia BHYT tự nguyện. Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế sẽ tác động đến ý thức tham gia BHYT của người dân, người dân sẽ thấy lợi ích khi tham gia BHYT, tiến tới bao phủ BHYT toàn dân.

Chú thích ảnh
Bệnh nhân ghép gan được BHYT hỗ trợ một phần chi trả tại bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

BHYT không vì mục đích lợi nhuận, do nhà nước tổ chức thực hiện để chăm sóc sức khỏe cơ bản cho nhân dân. Theo quy định hiện hành, người tham gia BHYT có nhiều quyền lợi. Thứ nhất là về đối tượng được cấp thẻ và hỗ trợ đóng phí mua thẻ BHYT.

Theo ông Nguyễn Tất Thao, Phó Trưởng Ban Ban Thực hiện chính sách BHYT Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tham gia BHYT, những người nghèo, cận nghèo, khó khăn đang được hỗ trợ nhiều. Để mở rộng tỷ lệ bao phủ BHYT, Nghị định số 146 cuối năm 2018 đã quy định bổ sung một số đối tượng tham gia BHYT; Hỗ trợ từ ngân sách và huy động các nguồn hợp pháp khác cho người tham gia BHYT.

Theo quy định của Nghị định 146, người thuộc hộ gia đình cận nghèo đang sinh sống tại các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững và các huyện được áp dụng cơ chế, chính sách theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng BHYT. Người thuộc hộ gia đình cận nghèo theo tiêu chí chuẩn cận nghèo theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (trừ đối tượng cận nghèo sinh sống tại các huyện nghèo nêu trên) được hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng BHYT tế.

Các tỉnh thành căn cứ khả năng ngân sách địa phương và các nguồn hợp pháp khác sẽ quyết định mức hỗ trợ đóng BHYT cao hơn mức hỗ trợ tối thiểu quy định tại Nghị định số 146. Hiện tại nhiều địa phương đã bố trí nguồn ngân sách của tỉnh để hỗ trợ 30% còn lại cho nhóm đối tượng này.

“Đúng là nhiều người bệnh không may mắc bệnh nặng, điều trị dài ngày, nhờ tham gia BHYT đã được quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị lớn, tránh được “bẫy nghèo”. Các bệnh nhân được quỹ BHYT chi trả với số tiền lớn nêu trên thường mắc các bệnh về máu, chủ yếu là bệnh Hemophilia. Đây cũng phản ánh nguyên lý cơ bản của chính sách BHYT. Tuy nhiên, chúng tôi khẳng định, các bệnh nhân BHYT khác không bị ảnh hưởng đến quyền lợi trong KCB. Để quỹ BHYT bảo đảm cân đối, cơ quan BHXH đang nỗ lực cải cách phương thức giám định, thanh toán chi phí KCB, đồng thời kiến nghị các cơ sở y tế và người tham gia BHYT cùng chung tay sử dụng có hiệu quả nguồn quỹ BHYT. Bảo đảm khả năng chi trả của quỹ BHYT chính là bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT và của chính các cơ sở KCB”, ông Nguyễn Tất Thao cho biết.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, với định hướng thực hiện bao phủ BHYT toàn dân, mọi người dân sẽ được quản lý, chăm sóc sức khỏe với mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ người tham gia BHYT sẽ đạt 95% dân số và giảm tỉ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình cho y tế. Quá trình thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân ở Việt Nam hiện đã đạt được những kết quả tích cực ban đầu; giúp người dân tiếp cận các dịch vụ y tế, từng bước đảm bảo công bằng trong chăm sóc sức khỏe.

Theo BHXH Việt Nam, hết quý I/2019: Toàn quốc có 83,4 triệu người tham gia BHYT; hơn 41,7 triệu lượt KCB BHYT, tăng 1,47 triệu lượt so với cùng kỳ năm 2018; số chi KCB BHYT là 22.697 tỷ đồng, tăng 794 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2018. Hiện tỷ lệ liên thông dữ liệu KCB BHYT toàn quốc đã đạt 97,82%. Hồ sơ gửi lên hệ thống đúng ngày đạt 79,3%, tăng 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2018.

Xuân Cường - Tạ Nguyên 

13/06/2019 12:36