Từng muốn làm cô giáo hay mở một tiệm làm đẹp, nhưng Nadia Murad đã không có cơ hội thực hiện ước mơ khi cô bị khủng bố bắt làm nô lệ tình dục. Không đầu hàng số phận, cô gái bé nhỏ người Iraq đó đã vượt qua nỗi đau của riêng mình, đứng lên đấu tranh cho những số phận cùng cảnh ngộ. Cô gái đó giờ là chủ nhân giải Nobel Hòa bình 2018.

Đó là hành trình của Nadia Murad Basee, cô gái 25 tuổi người sắc tộc Yazidi thiểu số ở Iraq bị nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bắt làm nô lệ tình dục. Sau khi trốn thoát, cô đã phát động cuộc đấu tranh chống bạo lực tình dục với phụ nữ, chống lại nạn buôn người và vinh hạnh nhận giải Nobel Hòa bình năm 2018 cùng bác sĩ phụ khoa Denis Mukwege ngày 5/10 vừa qua.

Chủ tịch Ủy ban Nobel, bà Berit Reiss-Andersen, thông báo tại Oslo (Na Uy), cô Murad và bác sĩ Mukwege người Congo cùng giành giải Nobel Hòa bình vì “nỗ lực chấm dứt sử dụng bạo lực tình dục trong chiến tranh”. Tình trạng lạm dụng mang tính hệ thống và là một phần của chiến lược quân sự khủng bố. Lạm dụng được coi là vũ khí chống lại người Yazidi và các dân tộc thiểu số khác. Bà Reiss-Andersen nói thêm: “Chỉ có thể đạt được một thế giới hòa bình hơn nếu phụ nữ và quyền lợi, an ninh cơ bản của họ được công nhận và bảo vệ trong chiến tranh”.

BƯỚC NGOẶT CUỘC ĐỜI NGHIỆT NGÃ

Năm 2014, khi Murad 21 tuổi, IS đã tràn vào ngôi làng Kocho của cô ở khu vực Sinjar, miền bắc Iraq. Chúng cho người Yazidi ở đây một lựa chọn: cải sang đạo Hồi hay là chết. Dân làng Yazidi quyết không cải đạo. Không lâu sau đó, họ bị đưa tới một trường học trong làng. Đàn ông, trong đó có 6 anh em của Murad, bị giải đi và bắn chết. Sau đó, IS quay sang phụ nữ và trẻ em.

Murad không bao giờ quên được hình ảnh mẹ ngày đó. Chiếc khăn trùm đầu màu trắng của bà bị hất tung ra sau, mái tóc bà rối bù. Không nói một lời, bà ngả đầu vào lòng con gái. Khi một trong những tên IS tóm lấy Murad và lôi ra khỏi mẹ, cô chỉ còn biết gào thét và van xin. Lời cuối cùng mà cô gái bé nhỏ nghe thấy từ mẹ là câu “Mẹ sẽ chết”. Từ đó, Murad không bao giờ còn gặp mẹ nữa.

Những cô gái như Murad bị lùa lên xe buýt. Trong khi họ chờ đợi, một tay phiến quân đi qua đi lại, tay lăm lăm vũ khí. Hắn hỏi Murad có muốn cải đạo không. Cô lắc đầu. Sau đó, hắn chỉ những phụ nữ lớn tuổi hơn đang bị giam giữ và nói tiếp: “Nếu cô cải đạo, cô có thể ở lại”. Murad lại lắc đầu.

Không khí trong chiếc xe buýt chở Murad và  các cô gái im lặng đến nghẹt thở. Tất cả những gì họ nghe thấy là tiếng chân của một tên phiến quân đi dọc lối đi giữa hai hàng ghế. Hắn dường như thích thú với công việc, thỉnh thoảng dừng lại để trêu ghẹo, sờ soạng mấy cô gái và tỏ ra ngạc nhiên khi thấy họ hoảng sợ.

Đột nhiên Murad cảm thấy một bàn tay đặt lên vai mình. Cô nhắm mắt cầu cho tên phiến quân đi chỗ khác, nhưng hắn đã luồn tay vào ngực cô. Cô hét lên: “Ông mang chúng tôi lên xe. Ông bắt chúng tôi đi, thế mà người đàn ông này không để chúng tôi yên”.

Tên chỉ huy nhếch mép nói: “Các cô ở đây để làm sabaya, và các cô sẽ làm những gì chúng tôi bảo”. Đó là lần đầu tiên Murad nghe thấy từ sabaya – nô lệ tình dục. Khoảnh khắc đó là khoảnh khắc Murad bắt đầu chết dần. Mỗi giây ở cùng IS là một cái chết đau đớn, từ từ.

Chiếc xe chở họ tới thành phố Mosul. Ở đó, Murad bị đánh đập, khạc nhổ và bị dí đầu thuốc lá vào người. Cô bị nhốt trong nhiều căn nhà khác nhau trong vài ngày, sau đó bị bán trong phiên đấu giá nô lệ, bị buộc cải đạo. Người giam giữ cô đã lạm dụng thể xác và cảm xúc của Murad. Hắn ta chỉ dừng lại khi nhận cuộc gọi từ vợ hắn. Lúc đó, Murad nhận ra sự thật lạnh người rằng phụ nữ ở đây ủng hộ những gì IS làm.

Nhiều ngày sau, sau khi bị qua tay hết kẻ này đến kẻ khác, bị cưỡng hiếp hàng ngày, bị tước bỏ mọi thứ cơ bản của con người như thức ăn và người trò chuyện, Murad tìm cách trốn. 

Lần đầu tiên cô có ý nghĩ trốn là khi cô ở cùng với kẻ đầu tiên giam giữ cô, cưỡng hiếp và đối xử với cô tệ bạc. Murad nghĩ mình phải chạy trốn cho dù không tin sẽ thành công. Phiến quân IS đầy rẫy ở Mosul. Cô tìm cách thoát bằng cửa sổ những ngay lập tức bị bắt lại. Với IS, có một luật lệ rằng phụ nữ bị bắt mà tìm cách trốn sẽ trở thành chiến lợi phẩm, sẽ bị tất cả cưỡng hiếp tập thể. 

Sau khi trải qua điều đó, Murad thậm chí không còn khả năng nghĩ tới việc chạy trốn nữa. Người đang ông cuối cùng mà cô ở cùng sống một mình. Khi hắn ta quyết định bán Murad, hắn đi tìm quần áo cho cô. Hắn bảo cô tắm rửa và chuẩn bị tinh thần bị bán cho người khác. Khi nhìn thấy cửa phòng không khóa, cô đã nhân cơ hội trốn ra ngoài cho dù nghĩ mình kiểu gì cũng bị bắt lại.

Murad nhảy qua tường, đi bộ suốt đêm trên các con phố ở Mosul, tìm kiếm một ngôi nhà có thể cho cô trú thân. Nỗi kinh hoàng sẽ ở lại phía sau cô, tự do sẽ ở phía trước nếu cô gõ đúng cánh cửa. Cuộc đời cô phụ thuộc vào lựa chọn đó vì những người sau cánh cửa hoặc là giúp cô, hoặc là trả cô cho những kẻ đã bắt cóc, cưỡng hiếp cô. Murad hít một hơi thật sâu và gõ cửa. 

May thay, đó là một gia đình Hồi giáo không liên quan tới IS. Cô nhờ họ giúp đỡ, nói rằng các anh trai cô sẽ trả họ bất kỳ thứ gì họ yêu cầu. Gia đình đó nói họ không ủng hộ IS và sẽ giúp cô mọi thứ có thể. Họ liều mạng sống giấu cô cho tới khi có thời cơ. Họ cho cô mặc áo choàng đen abaya của người Hồi giáo, làm cho cô giấy tờ giả và đưa cô tới trại tị nạn ở biên giới an toàn. Sau này cô kể lại: “Tôi không tin rằng trong số 2 triệu người ở Mosul có bất kỳ ai đủ tốt bụng để giúp đỡ tôi, nhưng gia đình này đã làm vậy”.

CUỘC SỐNG TỰ DO VÀ ĐẤU TRANH

Tại trại tị nạn, Murad biết rằng 6 người anh trai và mẹ cô đã bị giết hại. Với sự hỗ trợ của một tổ chức giúp đỡ người Yazidi, Murad cùng 1.000 phụ nữ  và trẻ em được sang Đức tị nạn. Tại đây, Murad đã gặp lại chị gái và hiện cô vẫn sống ở đây. 

Ở Đức, Murad sống trong một căn hộ nhỏ. Cô vẫn mơ về làng Kocho. Mỗi sáng cô thức giấc và nhớ ra là ngôi làng đã không còn nữa. Đó là một cảm giác lạ lùng, trống rỗng. Thương nhớ về một nơi đã mất khiến Murad cảm thấy như thể bản thân mình cũng đã biến mất.

Lúc đầu, sau khi được tự do, Murad và nhiều cô gái cùng số phận đã tới bệnh viện kiểm tra sức khỏe. Một số người phải trị liệu. Họ học các lớp tiếng Đức, nấu ăn, dọn dẹp. Nhưng khi thiếu những công việc mà họ quen làm ở quê hương, như vắt sữa cừu hay làm nghề nông, thiếu cuộc sống xã hội trong một ngôi làng mà ai cũng thân thiết với nhau, họ cảm thấy có quá nhiều thời gian trống trải.

Murad rùng mình mỗi khi nhớ lại chuyện cô trốn thoát, nghĩ tới việc căn nhà mà cô gõ cửa biết đâu lại toàn những kẻ ủng hộ IS. Murad tin rằng có lý do Chúa giúp cô tự do và cô không coi sự tự do của mình là đương nhiên. Bọn khủng bố không nghĩ rằng những cô gái Yazidi sẽ có thể trốn hay có đủ dũng khí để kể với thế giới mọi thứ chúng đã làm.

Dù chịu di chứng thể xác và tâm lý vì bị tổn thương cùng cực, Murad vẫn quyết định công khai những gì cô đã phải chịu đựng. Điều đó có nghĩa là cô phải liên tục kể lại nỗi đau của mình trước công chúng. Nhưng Murad cực kỳ dũng cảm và sự dũng cảm của cô to lớn hơn nhờ phẩm giá và mục đích công khai câu chuyện. 

Cứ mỗi lần kể ra nỗi đau của mình, Murad cảm thấy như cô đang lấy đi một phần sức mạnh của những tên khủng bố, và cả những phụ nữ ủng hộ chúng. Với cô, chuyện đời của cô, được kể một cách trung thực, là thứ vũ khí tốt nhất mà cô có để chống chủ nghĩa khủng bố. Murad cho biết cô định sử dụng thứ vũ khí này cho tới khi khủng bố bị đưa ra xét xử. Còn quá nhiều việc phải làm.

Nadia Murad đã tìm đến sự giúp đỡ của nữ luật sư Amal Clooney nổi tiếng. Là một luật sư nhân quyền, Amal Clooney là tiếng nói của những người không thể lên tiếng.

Khi được giới thiệu với luật sư Amal Clooney ở London, Murad hỏi liệu bà Clooney có thể trở thành luật sư của cô không. Murad nói cô không có tiền để trả, rằng vụ của cô có thể sẽ kéo dài và không thành công. Cô nói với nữ luật sư rằng trước khi quyết định, hãy lắng nghe câu chuyện của cô.

Amal Clooney đã cảm động trước sự dũng cảm của Murad, một cô gái không cam chịu im lặng. Murad đã chối bỏ tất cả những “danh hiệu” mà cuộc đời dành cho cô: trẻ mồ côi, nạn nhân cưỡng hiếp, nô lệ tình dục, người tị nạn. Thay vào đó, Murad đã tạo cho mình cuộc đời mới: người sống sót, thủ lĩnh Yazidi, người ủng hộ phụ nữ, nhà hoạt động, Đại sứ Thiện chí của Liên hợp quốc, tác giả sách và giờ là chủ nhân giải Nobel Hòa bình.

Murad đã chứng tỏ rằng sự tàn ác mà cô đã trải qua không thể khiến cô câm nín, không thể bẻ gẫy tinh thần của cô. Thay vào đó, tiếng nói của cô gái mảnh mai, mái tóc nâu dài, gương mặt xanh xao sẽ ngân vang hơn bao giờ hết.

Tại thời điểm Murad gặp nữ luật sư Amal Clooney, hàng nghìn phụ nữ Yazidi và trẻ em vẫn bị IS giam cầm, nhưng không có tên IS nào bị truy tố trước tòa án tại bất kỳ nơi nào trên thế giới. Bằng chứng đã bị mất hoặc bị hủy. Triển vọng công lý mờ nhạt với người Yazidi.

Nữ luật sư đã nhận lời ngay với Murad. Họ đã cùng nhau vận động đòi công lý nhiều năm ròng rã. Họ liên tục gặp giới chức chính phủ Iraq, đại diện Liên hợp quốc, thành viên Hội đồng Bảo an và các nạn nhân của IS. Luật sư Clooney đã chuẩn bị báo cáo, phân tích pháp lý, diễn thuyết để khiến Liên hợp quốc phải hành động.

Phần lớn những người tiếp xúc với luật sư Amal Clooney và Murad đều nói rằng nhiệm vụ của họ là bất khả thi vì Hội đồng Bảo an chưa hành động gì với vấn đề công lý quốc tế nhiều năm qua. 

Những lần Nadia Murad nhận giải thưởng nhờ sự đấu tranh cho phụ nữ.

Tuy nhiên, năm 2017, Hội đồng Bảo an đã thông qua một nghị quyết bước ngoặt về thành lập một nhóm điều tra chịu trách nhiệm thu thập bằng chứng tội ác của IS ở Iraq. Trong cuộc bỏ phiếu, hai người phụ nữ ngồi cạnh nhau hồi hộp chờ những cánh tay giơ lên. 15 cánh tay. Họ đã thành công. Đây là một chiến thắng lớn với Murad và các nạn nhân của IS vì điều đó có nghĩa bằng chứng sẽ được lưu và các cá nhân IS có thể bị xét xử. 

Trong quãng thời gian tranh đấu tìm công lý, Murad đã tìm thấy tiếng nói của chính mình và đã trở thành tiếng nói của mọi người Yazidi, mọi phụ nữ bị lạm dụng, mọi người tị nạn bị bỏ rơi.

Sự kiện Murad giành giải Nobel Hòa bình năm 2018 đã truyền cảm hứng cho nhiều người. Ở tuổi 25, Murad là chủ nhân giải Nobel Hòa bình trẻ tuổi thứ hai và là người Iraq đầu tiên giành giải thưởng. Đó là một giải thưởng vinh danh lòng dũng cảm phi thường của Murad và những công việc cần thiết mà cô làm cho phụ nữ khắp nơi.

Xem clip Nadia Murad nói về cảm nhận khi là chủ nhân giải Nobel Hòa bình (nguồn: BBC):

Khi xuất bản cuốn tự truyện “The Last Girl” (Cô gái cuối cùng) năm 2017, Murad cho biết cô muốn chiến dịch vận động của mình đảm bảo cô là cô gái cuối cùng trên thế giới trải qua một bi kịch như vậy. 

Tháng 8/2018, Murad đính hôn với nhà hoạt động nhân quyền người Yazidi tên là Abid Shamdeen. 
Vậy là nhờ ý chí phi thường, Nadia Murad, cô gái nhỏ bé nhưng có tinh thần thép đó đã vượt qua đau thương số phận, vươn tới cuộc sống hạnh phúc cá nhân và đấu tranh không mệt mỏi vì công lý. 

Cuộc đời hoạt động của Nadia Murad:
- Ngày 16/12/2015, Murad phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về vấn đề buôn người và xung đột.
- Tháng 9/2016, luật sư Amal Clooney phát biểu trước Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc về việc cô quyết định đại diện cho Murad trong cuộc chiến pháp lý chống IS. Murad đã nhận nhiều lời đe dọa tính mạng trong cuộc chiến này.
- Tháng 9/2016, Murad công bố Sáng kiến Nadia tại một sự kiện ở New York. Sáng kiến ủng hộ và hỗ trợ nạn nhân diệt chủng. Cùng tháng đó, cô trở thành Đại sứ Thiện chí của Liên hợp quốc vì nhân phẩm người sống sót nạn buôn người.
- Ngày 3/5/2017, Murad gặp Giáo hoàng Francis tại Vatican.
- Ngày 11/7/2017, Murad xuất bản cuốn sách “The Last Girl: My Story of Captivity, and My Fight Against the Islamic State” (Cô gái cuối cùng: Câu chuyện về thời kỳ bị giam cầm, cuộc đấu tranh của tôi chống Nhà nước Hồi giáo).
Giải thưởng của Nadia Murad:
- Năm 2016: Murad giành Giải Nhân quyền Vaclav Havel của Hội đồng châu Âu tại Strasbourg, Pháp. - Cùng năm 2016, Murad được Nghị viện châu Âu trao Giải thưởng vì Tự do Tư tưởng Sakharov.
- Ngày 6/2/2018: Murad giành Giải Hillary Clinton vì thúc đẩy phụ nữ trong hòa bình và an ninh.
- Ngày 5/10/2018: Murad giành giải Nobel Hòa bình cùng bác sĩ Denis Mukwege.

Bài: Thùy Dương
Trình bày: Hồng Hạnh

14/10/2018 06:35