Sáng 8/3/2021, những mũi vaccine phòng COVID-19 đầu tiên sau khi về đến Việt Nam đã được tiêm cho các cán bộ y tế tuyến đầu chống dịch tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh và Hải Dương. Đây là sự kiện đầu tiên ghi nhận sự nỗ lực rất lớn của chính sách ngoại giao vaccine.

Là một trong những người đầu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19, Ths.BS Đặng Hồng Hải, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trương ương chia sẻ: “Sau khi tiêm, theo dõi đúng hướng dẫn, cảm thấy an toàn, chúng tôi đã có thể trở lại ngay với công việc của mình. Lợi ích của tiêm vaccine đã được công nhận từ lâu, thành quả nhờ tiêm vaccine đã được ghi nhận, vì vậy đây là chủ trương rất đúng đắn của Chính phủ và Bộ Y tế để hướng tới khống chế dịch bệnh”.

Loại vaccine phòng COVID-19 đầu tiên Việt Nam sử dụng là vaccine của AstraZeneca, 1 trong 3 loại vaccine đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông qua, chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp và đến thời điểm đó đã được dùng tại hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Điều đáng nói, tại thời điểm đó, nguồn cung vaccine phòng COVID-19 trên toàn cầu cũng còn rất hạn chế, để có thể có vaccine sớm nhất, tiêm diện rộng cho người dân, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Bộ Y tế đã rất tích cực thúc đẩy đàm phán để có thể nhập khẩu vaccine từ các nguồn khác nhau, cùng việc khẩn trương đẩy mạnh nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất vaccine trong nước.

Theo Bộ Y tế, mỗi lô vaccine về đến nơi đều đã được nhanh chóng cung ứng để triển khai tiêm chủng cho người dân theo quy định tại Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ, hướng đến mục tiêu mở rộng độ bao phủ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam, sớm đẩy lùi đại dịch COVID-19. Đến ngày 10/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chính thức phát động triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trên toàn quốc; là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất, chưa từng có trong lịch sử. Đây là sự kiện có ý nghĩa vô cùng quan trọng, khẳng định thông điệp, quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước cùng toàn thể nhân dân Việt Nam với nỗ lực khống chế, đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân và đưa đất nước trở lại cuộc sống "bình thường mới".

Sau khi phát động, tất cả các địa phương nhanh chóng triển khai với sự hưởng ứng của người dân, tốc độ tiêm tăng nhanh chóng. Cùng với việc Việt Nam liên tục tiếp nhận các lô vaccine từ các nguồn mua sắm, nguồn hỗ trợ của các nước, cơ chế COVAX… việc phân bổ vaccine và triển khai tiêm chủng được bố trí linh hoạt, phù hợp với từng giai đoạn dịch và tình hình của từng địa phương.

Với tầm nhìn xa và giải pháp căn cơ để đưa đất nước thoát khỏi dịch bệnh, Đảng và Nhà nước đã quyết tâm thực hiện chiến lược vaccine. Chiến lược vaccine tập trung vào các nội dung chính bao gồm nhập khẩu, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu để sản xuất và phát triển vaccine trong nước nhằm chủ động và tiêm miễn phí vaccine cho nhân dân.

Để thực hiện được việc đó, trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã tập trung tổng hợp nhiều biện pháp như tăng cường đàm phán, ngoại giao, huy động tài chính để mua, nhập khẩu, nghiên cứu, sản xuất vaccine. Đặc biệt, sự ra đời của Quỹ vaccine phòng chống COVID-19 đã nhận được sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trên cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài và các bạn bè quốc tế, thể hiện tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc chống lại đại dịch.

Để đẩy nhanh tiến độ tìm kiếm nguồn vaccine về nước, tháng 8/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định thành lập Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng.

Một trong các nhiệm vụ của Tổ công tác là xúc tiến, vận động viện trợ vaccine, thuốc điều trị, vật phẩm y tế phòng, chống dịch COVID-19 và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, thuốc phòng, chống dịch bệnh COVID-19 từ các đối tác song phương và đa phương; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các biện pháp cần triển khai.

Nhân chuyến thăm chính thức Cộng hoà Pháp tháng 11/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Giám đốc COVAX Aurelia Nguyen.

Bên cạnh đó, Tổ công tác cũng tìm kiếm, hỗ trợ, thúc đẩy triển khai và đôn đốc việc đàm phán, nhập khẩu, tiếp nhận vaccine, thuốc điều trị, vật phẩm y tế phòng, chống dịch COVID-19 và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, thuốc phòng, chống dịch bệnh COVID-19; tham mưu, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ kịp thời chỉ đạo nhằm tiếp nhận nhanh nhất, nhiều nhất, sớm nhất có thể.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Tổ trưởng Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine cho biết: “Chiến lược vaccine vừa là nhiệm vụ rất cấp bách, vừa là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài để kiểm soát và tiến tới đẩy lùi dịch COVID-19. Trong bối cảnh trong nước chưa sản xuất được vaccine ngừa COVID-19, yêu cầu phòng, chống dịch rất cấp bách trong khi nguồn vaccine trên thế giới khan hiếm, ngoại giao vaccine là một “mặt trận” rất quan trọng, bởi vận động có được vaccine là khâu đầu tiên quyết định thực hiện thắng lợi của chiến lược vaccine”.

Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, Bộ Ngoại giao đã trực tiếp và thông qua các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nỗ lực tìm kiếm, tiếp cận các nguồn vaccine, tích cực vận động các đối tác viện trợ vaccine, trang thiết bị y tế. Đến nay, hầu hết các đối tác quan trọng và các nước bạn bè truyền thống đều đã hỗ trợ Việt Nam với hàng triệu liều vaccine cùng nhiều trang thiết bị y tế, trực tiếp phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong nước, nhất là ở các tỉnh, thành phố ở phía Nam.

Thực tiễn cho thấy, thông qua ngoại giao vaccine, đến nay nước ta đã tiếp nhận hàng triệu liều vaccine từ sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, không chỉ trực tiếp phục vụ công tác phòng, chống dịch, mà còn có ý nghĩa rất quan trọng về nhiều mặt đối nội, đối ngoại, chính trị, quốc phòng, an ninh và kinh tế - xã hội.

Chia sẻ về những khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vaccine phòng COVID-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: “Khó khăn chung lớn nhất là những vấn đề pháp lý liên quan đến mua bán, nhập khẩu vaccine. Chúng ta phải chấp nhận hầu hết các điều kiện mà các nhà cung ứng vaccine đưa ra như vấn đề thoả thuận bồi hoàn, miễn trừ về trách nhiệm, bảo mật thông tin và cả rủi ro liên quan đến giao hàng không đúng thời hạn. Nhất là việc khan hiếm nguồn cung ứng vaccine trên toàn cầu ngay từ đầu; đặc biệt, ngay cả cơ chế COVAX cũng chưa đạt được kế hoạch cung ứng vaccine cho các nước, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, việc các nước thay đổi chính sách trong tiêm chủng vaccine như mở rộng đối tượng tiêm, tiêm tăng cường mũi 3, từ đó dẫn tới có sự điều chỉnh trong chính sách cung ứng vaccine, cũng làm chúng ta cũng bị ảnh hưởng theo”.

Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn đó, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, tốc độ tiêm vaccine phòng COVID-19 của Việt Nam hiện nay vẫn ở mức độ cao so với nhiều nước trên thế giới, thời gian gần đây đã tiêm đạt hơn 1 triệu liều/ngày.

Theo Bộ Y tế, tính đến sáng 14/12, cả nước đã tiêm được tổng số 132.873.501 liều vaccine phòng COVID-19; trong đó số lượng tiêm mũi 1 là 74.907.297 liều, tiêm mũi 2 là 57.966.204 liều.

Số liệu trên Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 cho thấy, đến nay đã có nhiều địa phương có tỷ lệ tiêm rất cao như: Hà Nội đã có tỷ lệ người trên 18 tuổi tiêm ít nhất 1 mũi vaccine là 201,77 %; tỷ lệ này ở TP Hồ Chí Minh là 206,39 %, Đồng Nai là 214,03 %; Bình Dương là 183,44 %...

Đến ngày 13/12, cả nước đã có 44 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 mũi 1 cho người từ 18 tuổi trở lên đạt trên 90%.

Đặc biệt, khi bắt đầu triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho đối tượng dưới 18 tuổi, các địa phương cũng triển khai đồng loạt, nhanh chóng. Đến ngày 12/12, số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 125.097.041 liều, trong đó có 69.085.138 liều mũi 1 và 56.011.903 liều mũi 2.  

Với tình hình bao phủ vaccine COVID-19 ngày càng lớn, thậm chí tốc độ tiêm thời gần đây đạt tới hơn 1 triệu mũi/ngày, Việt Nam đang tiến nhanh tới mốc tạo miễn dịch cộng đồng.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, sau khi tích cực tìm nhiều nguồn cung ứng vaccine phòng COVID-19 như: Đặt mua, kêu gọi hỗ trợ từ các nước khác và các nhà tài trợ…, đến nay, chúng ta đã cơ bản đảm bảo được số lượng vaccine tiêm đủ 2 mũi cho người từ 18 tuổi trở lên và tiêm cho lứa tuổi từ 12-17. Đồng thời, chúng ta cũng đã đảm bảo đủ vaccine tiêm mũi nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên.

Dự kiến đến cuối tháng 12/2021, cả nước sẽ tiêm xong mũi 2 cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên và bắt đầu triển khai tiêm mũi nhắc lại cho những đối tượng này, đồng thời tiếp tục triển khai tiêm cho lứa tuổi từ 12-17. Bộ Y tế cũng đang xây dựng kế hoạch tiếp cận nguồn vaccine để tiêm cho trẻ em từ 5-11 tuổi sau khi có vaccine và hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới.

Để có được những “trái ngọt” đó là sự nỗ lực vượt khó rất lớn để có đủ nguồn vaccine triển khai tiêm cho người dân.

Từ giai đoạn đầu, khi nguồn cung vaccine trên thế giới khan hiếm; trong khi đó Việt Nam lại được đánh giá thực hiện các biện pháp chống dịch khá hiệu quả, nên không thuộc quốc gia được ưu tiên cung cấp vaccine, tuy nhiên, với sự nỗ lực của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các cơ quan Bộ ngành liên quan trong thực hiện ngoại giao vaccine, nhất là việc nhập khẩu nhanh nhất, nhiều nhất có thể, chúng ta đã có cam kết, viện trợ, ký hợp đồng cung ứng hơn 100 triệu liều trong năm 2021.

Thời gian qua, Bộ Y tế cũng đã rất nỗ lực làm việc với các tổ chức quốc tế, Liên minh Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản…, liên tục triển khai các cuộc gặp với đại diện ngoại giao các nước về tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 để tranh thủ, tận dụng mọi viện trợ, nguồn cung cấp vaccine của các tổ chức, các nước cho Việt Nam.

Với nỗ lực và vận động quyết liệt của ngoại giao vaccine, sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, trong đó có cả lãnh đạo cấp cao, đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận trên 150 triệu liều vaccine phòng COVID-19. Có thể nói, đảm bảo nhu cầu tiêm chủng ở trong nước.

Theo Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao, hiện nay, Việt Nam đang ở trong số các nước có tỷ lệ tiêm chủng cao và giảm đáng kể tác động tiêu cực của dịch bệnh, qua đó tạo cơ sở vững chắc để Việt Nam có thể chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp và đặc biệt là sự xuất hiện của biến chủng mới như hiện nay, công tác ngoại giao vaccine sẽ vẫn tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới, nhằm đảm bảo nhu cầu phục vụ tiêm chủng trong năm 2022.

Cùng với đó, công tác ngoại giao vaccine để phục vụ việc tiếp cận các nguồn vaccine tiềm năng dành cho trẻ em; hỗ trợ sản xuất vaccine trong nước; đảm bảo nguồn mua, hỗ trợ sản xuất, điều chế thuốc điều trị phòng COVID-19 trong nước và tiếp tục huy động nguồn lực quốc tế hỗ trợ các trang thiết bị y tế, thu hút đầu tư vào lĩnh vực y tế công cộng, góp phần nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng y tế của Việt Nam.

Cho đến nay chiến lược ngoại giao vaccine đã thể hiện là chủ trương đúng đắn, đã huy động được sự hỗ trợ to lớn của các nước, đối tác quốc tế, giúp tốc độ tiếp cận vaccine tăng đột phá. Đây là yếu tố quyết định để tiến tới kiểm soát dịch bệnh, mở cửa nền kinh tế. Nhất trong bối cảnh hiện nay dịch COVID-19 vẫn đang phức tạp, thậm chí kéo dài trong thời gian tới.

Bài: Tạ Nguyên, TTN
Ảnh, đồ họa: TTXVN
Trình bày: Tuệ Thy

15/12/2021 06:24