09:07 19/09/2013

Lồng đèn xưa và nay

Những người thợ ở Phú Bình chia sẻ, không biết nghề làm lồng đèn Trung thu còn duy trì được đến bao giờ bởi doanh thu ngày càng sụt giảm. Nhưng tôi thì tin tưởng giá trị văn hóa truyền thống sẽ sống mãi và những chiếc lồng đèn thủ công sẽ luôn có chỗ đứng trong lòng trẻ thơ.

Trong những nét đặc trưng của Tết Trung thu, bên cạnh bánh trái, không thể không kể đến những chiếc lồng đèn. Thời thơ ấu của chúng tôi, nhà đứa nào cũng nghèo, Trung thu mà được bố mẹ mua cho chiếc đèn là sung sướng lắm, đi khoe với lũ trẻ cả xóm. Chính tôi cũng đã từng được mẹ mua cho một chiếc đèn ông sao và mặt nạ Tôn Ngộ Không để chơi Trung thu và giữ gìn cẩn thận từ năm này qua năm sau dùng tiếp.


Thực ra, lồng đèn là cách gọi chung cho rất nhiều loại đèn của Tết Trung thu. Tùy theo sở thích, điều kiện kinh tế mà mỗi đứa trẻ sẽ được mua cho các loại đèn khác nhau. Nào là đèn ông sao, đèn ông sư, đèn kéo quân, nào là đèn cù, đèn cá chép, đèn lồng xếp… Quá trời các loại đèn đủ màu sắc cho trẻ con lựa chọn. Khi ấy, sở hữu một chiếc lồng đèn là mơ ước của bất kì đứa trẻ nào. Nhưng không phải ai cũng được mua đèn, thế là đa phần phải… tự chế cho mình một chiếc đèn để chơi Trung thu.

Lồng đèn giấy có nhiều hình thù ngộ nghĩnh qua bàn tay sáng tạo của những người thợ Phú Bình.


Hồi đó, người ta thường sử dụng loại bột giặt để trong chiếc hộp nhựa to ngang cái cà-mèn. Cái hộp đó chính là vật liệu để làm đèn của lũ trẻ chúng tôi. Chỉ cần rửa sạch chiếc hộp, buộc dây nối chiếc hộp với cái que, thắp nến vào trong hộp là đã có một chiếc “đèn hộp xà phòng” (theo cách gọi của chúng tôi) vô cùng bền, không sợ bị cháy.


Đêm Trung thu, nghe thấy tiếng trống thùng thùng là từ khắp các ngả đường ngõ xóm, lũ trẻ mang đèn của mình ra tập trung và đi rước khắp thôn làng. Vừa đi vừa hát bài hát: “Chiếc đèn ông sao sao năm cánh tươi màu”, trong khi chả đứa nào có đèn ông sao cả. Đứa nào cầu kì hơn thì còn phơi khô hạt bưởi rồi xâu thành một chuỗi. Khi đốt, hạt bưởi cháy tí tách và tỏa mùi thơm dễ chịu. Thật là kỉ niệm không thể nào quên!


Ngày nay, những chiếc lồng đèn truyền thống đã dần vắng bóng trên những con phố chuyên bán đèn Trung thu. Lũ trẻ cũng chả còn tự chế cho mình chiếc đèn “made by me” nữa. Phố Hàng Mã ở Hà Nội hay phố Lương Nhữ Học ở Sài Gòn là những phố đèn lồng nổi tiếng. Nhưng khi đến đây, chỉ thấy toàn những đèn điện tử xuất xứ Trung Quốc, lắp pin vào là sáng đèn và phát ra những khúc nhạc “tèn ten”. Âu cũng là quy luật của sự phát triển nhưng vẫn cảm thấy nuối tiếc làm sao những chiếc đèn truyền thống do bàn tay tài hoa của người thợ thủ công khi xưa. Những chiếc đèn ấy dạy cho lũ trẻ bài học về sự cẩn thận, biết giữ gìn, trân trọng những vật dụng của mình bởi chỉ sơ ý là đèn sẽ bị cháy. Đèn lồng ngày nay tuy hiện đại thật nhưng xem ra nó vô cảm quá! Mà ánh sáng của thứ đèn đó phát ra đâu có được sự huyền ảo như ánh nến khi xưa…

Phụ huynh đưa con đi chọn đèn trung thu ở Phú Bình, Q.11, TP Hồ Chí Minh.


Gần đây, tôi tình cờ đến thăm xóm Phú Bình ở quận 11, TP Hồ Chí Minh. Không nhộn nhịp như phố Lương Nhữ Học (quận 5) nhưng đây lại là nơi hiếm hoi sản xuất lồng đèn thủ công truyền thống. Có người còn gọi đây là xóm làm đèn lồng cuối cùng của Sài Gòn. Đèn lồng ở đây vẫn được làm bằng tay nhưng đã có sự cải tiến hơn xưa. Người thợ sáng tạo những lồng đèn có hình thù bắt mắt như đèn con gà, con rồng, con mèo, thậm chí cập nhật cả hình ảnh Angry Birds - game gây sốt trẻ em thời gian qua. Đáng mừng là vẫn còn rất nhiều em nhỏ được bố mẹ chở đến đây mua đèn. Giá của những chiếc đèn nhỏ chỉ 7.000 - 10.000 đồng, vừa túi tiền với đại đa số người bình dân.


Những người thợ ở Phú Bình chia sẻ, không biết nghề làm lồng đèn Trung thu còn duy trì được đến bao giờ bởi doanh thu ngày càng sụt giảm. Nhưng tôi thì tin tưởng giá trị văn hóa truyền thống sẽ sống mãi và những chiếc lồng đèn thủ công sẽ luôn có chỗ đứng trong lòng trẻ thơ.


Bài và ảnh:Hoàng Dương