11:07 04/11/2021

Long An: Phấn đấu đến năm 2030 có ít nhất 50% hợp tác xã hoạt động hiệu quả

Theo UBND tỉnh Long An, trong giai đoạn sắp tới, tỉnh tiếp tục tập trung phát triển kinh tế tập thể, xây dựng các hợp tác xã phát triển vững mạnh; phấn đấu không còn hợp tác xã yếu kém trong lĩnh vực nông nghiệp; xây dựng mỗi ngành nghề hoạt động kinh doanh có ít nhất một mô hình hợp tác xã điển hình tiên tiến.

Chú thích ảnh
Thu hoạch lúa tại cánh đồng của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thạnh Hưng, tỉnh Long An. Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN

Cụ thể, Long An phấn đấu đến năm 2030 sẽ phát triển khoảng 100 tổ hợp tác, 100 hợp tác xã và 1 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp; tỷ lệ cán bộ quản lý hợp tác xã tốt nghiệp cao đẳng, đại học đạt ít nhất 25%. Tỉnh phấn đấu ít nhất 50% hợp tác xã hoạt động có hiệu quả và 20% hợp tác xã áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; có ít nhất 50% hợp tác xã nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị và ít nhất 10 hợp tác xã có sản phẩm OCOP.

Đến năm 2045, tỉnh phấn đấu tỷ lệ cán bộ quản lý hợp tác xã tốt nghiệp cao đẳng, đại học đạt ít nhất 35%; có ít nhất 70% hợp tác xã hoạt động có hiệu quả và 50% hợp tác xã áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; có 50% hợp tác xã nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị và ít nhất 30 hợp tác xã có sản phẩm OCOP.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Long An, trong giai đoạn tới, tình hình phát triển kinh tế tập thể sẽ có nhiều yếu tố thuận lợi do nhu cầu sản xuất hiện nay là phải tập hợp, liên kết nông dân sản xuất theo quy hoạch thành vùng chuyên canh, tạo ra sản phẩm hàng hóa có số lượng, chất lượng, giá cả hợp lý theo yêu cầu của thị trường. Đồng thời, các sản phẩm nông nghiệp ngày càng có yêu cầu khắt khe về nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý nên các doanh nghiệp mong muốn ký hợp đồng thông qua hợp tác xã, không ký trực tiếp riêng lẻ với từng nông dân. Do đó, nông dân về lâu dài phải là thành viên của hợp tác xã…

Thời gian tới, UBND tỉnh Long An yêu cầu các đơn vị, địa phương tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể; tập trung tuyên truyền, tập huấn Luật Hợp tác xã năm 2012 và nâng cao năng lực nguồn nhân lực các hợp tác xã; tiếp tục tổ chức triển khai chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển hợp tác xã. Đồng thời, tỉnh tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã; trong đó, chú trọng thực hiện rà soát lại tình hình hoạt động của các hợp tác xã và kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động để có những giải pháp hỗ trợ, tư vấn khắc phục hiệu quả. Tỉnh tăng cường năng lực tổ chức, điều hành, hoạt động kinh doanh cho các hợp tác xã; hỗ trợ các hợp tác xã tiếp cận các chính sách về thuế, đất đai, tín dụng, ứng dụng khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại…

Toàn tỉnh Long An hiện có 277 hợp tác xã hoạt động trong các lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, vận tải...  với hơn 42.000 thành viên, tổng vốn điều lệ là 377 tỷ đồng. Doanh thu bình quân hàng năm của các hợp tác xã đạt trên 1,2 tỷ đồng, lợi nhuận bình quân đạt gần 100 triệu đồng. Trong đó, có nhiều mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả, thực hiện ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ cao trong quản trị điều hành, sản xuất như: Hợp tác xã Nông nghiệp sản xuất Thương mại và Dịch vụ Phước Thịnh (huyện Cần Giuộc); Hợp tác xã Rau an toàn Phước Hòa (huyện Cần Đước); Hợp tác xã nông nghiệp Hương Trang (huyện Mộc Hóa… Ngoài ra, toàn tỉnh còn có hơn có 1.200 tổ hợp tác với hơn 20.000 thành viên và có 4 liên hiệp hợp tác xã.

Các hợp tác xã, tổ hợp tác phát triển theo hướng liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa quy mô lớn, tạo việc làm ổn định cho người lao động, an sinh xã hội và làm tốt vai trò đầu mối kết nối các thành viên với các đối tác để cung ứng các sản phẩm, dịch vụ theo nhu cầu của thành viên và thị trường.

Bùi Giang (TTXVN)