02:11 15/02/2011

Lộn xộn hoạt động dịch vụ tại chùa Bái Đính

Đã có một cảnh quan thông thoáng và “sạch” hơn ở ngôi chùa lớn nhất Việt Nam trong ngày khai hội Xuân 2011 tại khu tâm linh núi chùa Bái Đính (xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, Ninh Bình).

Đã có một cảnh quan thông thoáng và “sạch” hơn ở ngôi chùa lớn nhất Việt Nam trong ngày khai hội Xuân 2011 tại khu tâm linh núi chùa Bái Đính (xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, Ninh Bình).


Nhưng nỗ lực của Ban quản lý chùa và chính quyền địa phương trong việc quản lý các loại hình dịch vụ, duy trì trật tự và sự yên tĩnh ở chốn cửa Phật trong mùa lễ hội năm nay vẫn đang như “bắt cóc bỏ đĩa”. Giá cả được đẩy lên gấp 1,5 - 2 lần bình thường; dịch vụ xe ôm, chụp ảnh, bán hàng rong... vẫn đeo bám, gây phiền hà cho khách tham quan.

Loạn “ăn xin”

Theo chân một đoàn khách tham quan đến từ Thành phố Hồ Chí Minh chúng tôi mới thấu hiểu “nỗi khổ” của du khách trẩy hội Bái Đính khi bị làm phiền. Vừa đặt chân đến trước cổng Tam Quan, đội quân dịch vụ đã chờ sẵn và bám riết. “Các bác ơi đổi tiền lẻ vào chùa, mua cây lộc, chụp hình lưu niệm nhé…", rồi chặn đường, níu tay du khách.

Khách đến chùa Bái Đính bị những người bán hàng rong, chụp ảnh... đeo bám. Ảnh: Lê Phú


Tưởng như đã thoát “vòng vây” nhưng khi vào đến hành lang La Hán, chúng tôi lại tiếp tục bị “vây”. Lần này là những ăn xin “núp bóng” bán hàng rong, hay những người ăn xin "xịn” dọc hai bên hành lang. Những cụ già, người tàn tật ngồi, nằm vật vã, chìa nón trước mặt khiến khách hành hương rất khó chịu.


Chị Nguyễn Thị Trang, khách du lịch từ Thành phố Hồ Chí Minh bức xúc nói: “Mới đi vài bước chân lại có người ngả nón xin tiền, trông rất thương tâm nhưng nhiều người ăn xin quá. Không biết có phải nhân chốn đông người, một số kẻ đã lợi dụng đưa những người ốm yếu, bệnh tật ra nằm vạ vật nhằm đánh vào lòng thương cảm của du khách hòng xin tiền hay không nữa”.


Dọc hai hành lang La Hán, nơi các vị Tôn Giả trong tư thế ngồi thiền uy nghiêm, hàng quán với đủ các loại đồ lưu niệm, đồ chơi… được bày bán tràn lan cản trở lối đi. Các loại dịch vụ nhũng nhiễu, làm phiền du khách tiếp tục chèo kéo, “cản bước” du khách ngay tại sân, trước cổng vào các Điện thờ Phật bà nghìn tay nghìn mắt, trước cửa Điện Tam Thế… khiến nhiều người không khỏi bức xúc.

Dịch vụ trông, giữ xe, xe ôm chở khách từ bãi xe bên ngoài vào chùa, từ chùa cổ (ngôi chùa nằm sâu trong hang trên đỉnh ngọn núi Đính cách đó chừng 3 km) ra bãi xe trước cổng Tam Quan khá nhức nhối.


Tại các bãi giữ xe lớn bên ngoài, cách khu vực chùa gần 1 km có ghi vé và con dấu của xã Gia Sinh chứng nhận, thu 5.000 đồng/xe máy. Thế nhưng, các điểm trông xe tự phát quanh khu vực chùa thì chỉ có tờ giấy bìa cắt ra để ghi biển số xe, không có giá vé cũng như dấu của chính quyền


Không những phải trả giá gấp đôi giá gửi xe ở bãi xe chính, nhiều du khách còn lo nơm nớp bởi đã giao tài sản cho những người trông tự phát, không biết lấy gì để tin. Dịch vụ xe ôm phục vụ chuyển khách qua lại giữa các điểm tham quan trong chùa cũng khá lộn xộn.


Khi vừa thấy khách từ trên núi đi xuống, các chủ xe ôm chạy ra chào mời: “Các bác lên xe chúng em đưa ra bến chính trước chùa, kẹp hai, kẹp ba thì giảm giá, 50.000 đồng/lượt; một người thì 25.000 đồng”. Không có mũ bảo hiểm, dù đường xấu nhưng từng đoàn xe kẹp hai, kẹp ba vẫn thi nhau vượt để còn kịp quay lại đón những đoàn khách đang xuống.

Vỡ quy hoạch

Một chị bán hàng tại hành lang trên đường vào Điện Tam Thế cho biết: “Ban Quản lý không cho bán hàng trong chùa và đuổi gắt gao lắm nhưng dân chúng tôi cả năm chỉ trông vào mùa lễ hội để bán hàng, “làm một vài tháng cho cả năm” nên các gia đình phải huy động tối đa các thành viên để bán hàng, chụp ảnh, chạy xe ôm…”.

Được biết, trong tháng 1 vừa qua, khu khuôn viên trước cổng Tam Quan đã hoàn thành việc đền bù, trả lại mặt bằng “sạch” cho nhà chùa; lều, quán dựng không đúng quy định đã được tháo dỡ.


Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ninh Bình đang phối hợp với xã Gia Sinh và đơn vị thi công hoàn chỉnh quy hoạch hàng quán, bãi trông giữ xe nhằm giải quyết triệt để tình trạng lộn xộn.


Trước mắt, xã Gia Sinh đã phân khu các gian hàng theo quy định dọc khu vực tường bao sân chùa. Tuy nhiên trên thực tế, trong khi các gian hàng đã phân khu bị bỏ không, các hộ dân lại lấn chiếm hành lang, đường đi, những địa điểm đông người qua lại để tiện bán hàng, dẫn đến tình trạng nhốn nháo, mất mỹ quan.

Các cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình thừa nhận, năm nay, nhiều hạng mục cơ sở hạ tầng giao thông, bãi đỗ xe được đầu tư nâng cấp, mở rộng; việc phân luồng giao thông được các đơn vị phối hợp làm khá tốt nên đã không xảy ra ùn tắc nghiêm trọng như trước


Do ngôi chùa đang xây dựng, chưa hoàn thành cùng với ý thức chưa cao của những người tham gia làm du lịch, dịch vụ đã khiến việc quản lý và duy trì trật tự trong khu vực chùa gặp nhiều trở ngại.

Vũ Văn Đạt