10:22 19/10/2018

Lối thoát từ một ‘bến tạm’ nhân văn và bền vững

Một cánh tay chìa ra với những phụ nữ mang thai ngoài ý muốn, không chỉ đem đến bến đỗ bình yên cho những ngày tháng cùng cực của họ, mà còn đem tới cơ hội sống cho những sinh linh bé bỏng, và là một giải pháp nhân văn của cộng đồng.

20h30 ngày 18/10 tại khu chung cư HH Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội), người dân bàng hoàng phát hiện thi thể một trẻ sơ sinh còn nguyên dây rốn bị ném từ tầng cao xuống sân chung cư. Danh tính mẹ của hài nhi nhanh chóng được xác định. Nữ sinh viên năm cuối của một trường ĐH tại Hà Nội, đã giấu người thân và bạn bè suốt quá trình mang thai, sinh trong phòng vệ sinh của căn hộ đang thuê. Sau khi đứa trẻ ra đời, người mẹ hé cửa thông gió ở phòng vệ sinh, ném bé từ tầng 31 xuống đất. Cơ quan chức năng đang điều tra xem bé đã qua đời trước khi bị ném, hay cú ném từ tầng cao khiến bé tử vong.

Sự việc gây chấn động cộng đồng bởi mức độ tàn nhẫn của nó, cho dù hàng ngày hàng giờ, tại nhiều nơi, tình trạng trẻ sơ sinh bị bỏ rơi vẫn thường xuyên xảy ra. Có bé sơ sinh may mắn được đón đi; có bé bị động vật, côn trùng tấn công gây dị tật. Cũng không ít bé đã không thể giữ được sinh mạng bé bỏng của mình. Bên cạnh đó, theo Hội Kế hoạch hoá gia đình Việt Nam, trung bình mỗi năm cả nước có gần 300.000 ca nạo hút thai, chủ yếu của những người mẹ độ tuổi 15-19, trong đó 60-70% là học sinh, sinh viên.

Trên mạng xã hội và ngoài cuộc đời, bên cạnh lòng thương xót của cộng đồng dành cho những sinh linh vô tội, là những lời lên án, nguyền rủa đối với những phụ nữ trẻ đã dứt bỏ, thậm chí sẵn sàng sát hại tính mạng của đứa con đỏ hỏn vừa dứt ruột sinh thành.

Suy nghĩ nào, cảnh ngộ nào đã khiến người mẹ trẻ trong câu chuyện mới xảy ra tại Linh Đàm hôm 18/10 vừa qua, cũng như hàng trăm, hàng ngàn người mẹ khác phải dứt bỏ con mình, theo những cách thức không giống nhau, trong đó có cả những cách thức ghê sợ tới mất nhân tính? Với hành vi tàn nhẫn như vậy, những phụ nữ này về lâu dài sẽ phải chịu đựng những cắn rứt trong lương tâm. Và chắc chắn rằng, để đi tới hành động như vậy, bản thân họ đã phải qua những giây phút hoang mang cùng cực khi một mình đối mặt với tương lai ngỡ như bế tắc khi trót mang thai.

Xã hội không dung thứ cho những hành vi vô nhân tính. Nhưng qua những câu chuyện đau lòng như thế này, thêm một lần nữa trong mỗi gia đình, mỗi nhà trường lại cần phải nhìn nhận thêm về công tác giáo dục thế hệ trẻ. Cần cung cấp đầy đủ hơn nữa những kiến thức về sức khoẻ sinh sản và giới tính, cho cả nam và nữ để tránh xảy ra tình trạng mang thai ngoài ý muốn. Cũng cần tăng cường hơn nữa nội dung giáo dục về kỹ năng sống, để những người trẻ có thể đương đầu và giải quyết các tình huống trong cuộc đời theo cách đàng hoàng, bản lĩnh nhất. Cũng cần có những địa chỉ tư vấn và dịch vụ y tế tin cậy, phù hợp để củng cố tâm lý, hướng dẫn và can thiệp giúp những nữ thanh niên gặp cảnh ngộ tương tự, để họ có thể có những lựa chọn tốt hơn là bỏ rơi hay giết hại những đứa con của chính mình.

Trong trường hợp những phụ nữ trẻ không thể can thiệp y tế khi trót mang thai ngoài ý muốn, cần có những mô hình mang tính chính thống, để những người mẹ trẻ được tạm lánh, tạm trú, chờ ngày sinh nở. Tại đây, họ có một nơi trú ẩn như một “bến tạm”, vừa được chăm sóc y tế, vừa có thể học nghề để chuẩn bị cho sự thay đổi của cuộc đời. Tin chắc rằng nếu được như vậy, không những những người mẹ đơn thân sẽ tìm được lối thoát, giữ được thai nhi, mà họ còn có thể đủ bản lĩnh để nuôi con sau khi sinh thành, cùng con đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống. Những địa chỉ như vậy là là hết sức cần thiết, bởi hiện nay đã có không ít nhà mở, mái ấm, nhà tạm lánh dành cho những phụ nữ trẻ mang thai ngoài ý muốn nhưng đa phần là do tư nhân hoặc các tổ chức thiện nguyện thành lập và duy trì. Cũng có những địa chỉ bị nghi ngờ có hoạt động không rõ ràng khi giải quyết các vụ cho – nhận con nuôi là các cháu bé được sinh ra bởi những bà mẹ đơn thân, và các “bến tạm” như vậy mới chỉ là “tạm” chứ chưa thực sự là những giải pháp có tính toàn diện.

Song song với những địa chỉ tạm lánh, thì lâu dài và bền vững hơn cả, rất cần những “bến đỗ” êm đềm và che chở trong chính mỗi ngôi nhà, bè bạn, cộng đồng. Nếu thật sự tìm được một điểm tựa, được sẻ chia và yêu thương, không khắt khe, không phán xét, thì những phụ nữ đã trót mang thai ngoài ý muốn sẽ không cùng quẫn về tâm lý, thúc đẩy bản thân lựa chọn những giải pháp đau lòng.

 

Thuỳ Hương/Báo Tin tức