09:15 29/09/2014

Lợi thế sức mạnh mềm của Ấn Độ

Các lợi thế sẵn có lâu nay đã biến Ấn Độ trở thành một cường quốc hấp dẫn trên thế giới.

Các lợi thế sẵn có lâu nay đã biến Ấn Độ trở thành một cường quốc hấp dẫn trên thế giới.

Trung lập

Trong chuyến thăm Ấn Độ mới đây, khi được hỏi về việc ký kết thỏa thuận bán uranium cho New Delhi, Thủ tướng Australia Tony Abbott nói: “Ấn Độ không đe dọa ai và là bạn bè với nhiều nước”. Đây không phải là câu trả lời mang tính ngoại giao đơn thuần, mà nó được lựa chọn cẩn thận dựa trên hình ảnh quốc tế của Ấn Độ. Đó là hình ảnh rất hiếm trong số các cường quốc mới nổi như Ấn Độ và có thể sẽ giúp cho New Delhi có lợi thế quyền lực mềm đặc biệt trong thế giới đa cực tương lai.

Thủ tướng Australia Tony Abbott (trái) trong chuyến thăm Ấn Độ mới đây.


Cụ thể, nhiều quốc gia trên thế giới nhìn nhận Ấn Độ là một nền dân chủ bất bạo động tương đối, khoan dung, đứng trung lập trong các vấn đề quốc tế. Vai trò của Ấn Độ phần lớn là tích cực.

Ví dụ, với thỏa thuận hạt nhân Mỹ- Ấn, Washington đã dành sự đối xử đặc biệt trong hợp tác hạt nhân cho Delhi. Thỏa thuận này mang lại những lợi ích thường dành cho các quốc gia ký kết Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Washington biện minh cho việc hợp tác với Ấn Độ bằng cách làm rõ các bằng chứng cứ “việc không phổ biến vũ khí hạt nhân” của Delhi. Quan điểm này được các quốc gia khác đồng tình, bao gồm cả các quốc gia thành viên của Nhóm các nhà cung cấp hạt nhân (NSG), vốn cho phép Ấn Độ tham gia vào lĩnh vực thương mại hạt nhân quốc tế và ủng hộ cho thỏa thuận hạt nhân Mỹ- Ấn.

NSG đã quyết định tái hợp tác với Ấn Độ sau khi ký kết Hiệp ước các biện pháp bảo đảm cụ thể với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Hội đồng thống đốc của IAEA đã thông qua Hiệp định an toàn hạt nhân với Ấn Độ, nhất trí cho phép Delhi đặt thêm nhiều cơ sở hạt nhân khác dưới sự giám sát của IAEA. Ấn Độ không cần phải có Nghị định thư bổ sung như các quốc gia có vũ khí phi hạt nhân đã ký kết NPT. Ấn Độ cũng nhận được ưu đãi từ Canada, Nhật Bản và Hàn Quốc (đồng ý cung cấp "các thiết bị kép" - có thể được sử dụng cho các ứng dụng dân sự và quân sự).

Sự hợp tác này không chỉ đơn thuần là do các mối quan hệ chiến lược của các quốc gia này với Mỹ. Nga từ lâu đã hợp tác với Ấn Độ về công nghệ hạt nhân. Ngay cả Trung Quốc, một thành viên của NSG, cũng không phản đối quyết định của nhóm đối với Ấn Độ. Hiện, Ấn Độ là nhà nước có vũ khí hạt nhân dù không phải là một thành viên của NPT nhưng vẫn được phép tham gia vào thương mại hạt nhân trên toàn cầu.

Uy tín của Ấn Độ cũng vượt ra ngoài vấn đề hạt nhân. Từ khi độc lập, quốc gia Nam Á này được xem là cường quốc trung lập và “vô hại” với các quốc gia khác, đặc biệt là ở châu Phi, Trung Đông, Nam Mỹ và Nam Á. Điều này có được một phần là do vai trò nổi bật của New Delhi trong Phong trào không liên kết. Các quốc gia Nam Á không nhận thấy Ấn Độ là mối đe dọa theo cách mà các nước này nhìn vào Trung Quốc.

Điều gì ẩn sau hình ảnh ôn hòa của Ấn Độ? Một phần, đó là do Ấn Độ tự tạo ra. Trong hơn 60 năm qua, New Delhi đã nỗ lực xây dựng một hình ảnh Ấn Độ bất bạo động. Điều này thể hiện rõ trong lĩnh vực hạt nhân. Mặc dù đã thử nghiệm vũ khí hạt nhân vào năm 1974, 1998 và là một quốc gia không ký kết hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân NPT cũng như Hiệp ước cấm thử vũ khí toàn diện, Ấn Độ là một trong những quốc gia ủng hộ mạnh mẽ nhất cho việc giải trừ quân bị toàn cầu. New Delhi trở thành nhà vận động chống hạt nhân tích cực nhất, với lời kêu gọi đáng chú ý nhất cho việc giải trừ quân bị toàn cầu của Thủ tướng Rajiv Gandhi tại Liên Hợp Quốc vào năm 1988.

Ấn Độ là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân "bất đắc dĩ".


Ấn Độ tiếp tục theo đuổi cách tiếp cận này trong thập kỷ tiếp theo, ngay cả sau khi các cuộc thử nghiệm hạt nhân Pokhran II diễn ra. Thủ tướng Vajpayee tuyên bố rằng các cuộc thử nghiệm không đi ngược lại mục tiêu giải trừ quân bị. Trong Báo cáo Dự thảo Học thuyết hạt nhân của Ấn Độ, ngay câu đầu tiên của đoạn văn đầu tiên đã mô tả việc sử dụng vũ khí hạt nhân là "mối đe dọa lớn đối với nhân loại, với hòa bình và ổn định". Phần tiếp theo của đoạn này tiếp tục chỉ trích các quốc gia có động thái giả vờ từ bỏ việc giải trừ quân bị.

Cường quốc hạt nhân "bất đắc dĩ"

Delhi đã tìm cách tránh bị mang tiếng là “hữu danh vô thực” bằng cách tự coi mình là quốc gia với "sức mạnh hạt nhân bất đắc dĩ". Ấn Độ cho rằng bom hạt nhân chỉ là phương sách cuối cùng trong một thế giới mà các quốc gia có vũ khí hạt nhân đang bị đe dọa, mà các nước này không có cam kết kiềm chế các cuộc tấn công đầu tiên và sử dụng các vũ khí hạt nhân chống lại các quốc gia phi hạt nhân.

Ở mức độ nào đó về mặt pháp lý, các nhà lãnh đạo Ấn Độ khẳng định rằng vũ khí hạt nhân của nước này có thể đóng vai trò như là công cụ thỏa hiệp để hỗ trợ chương trình giải trừ quân bị toàn cầu. Ấn Độ được cho là có độ tin cậy cao hơn khi là một quốc gia có vũ khí hạt nhân và sẵn sàng đánh đổi để mở đầu cho việc giải trừ quân bị toàn cầu. Ấn Độ tuyên bố rằng an ninh sẽ được tăng cường và không hề giảm đi trong một thế giới phi hạt nhân.

Bên cạnh đó, Delhi cũng tìm cách xây dựng hình ảnh đất nước bất bạo động trong nhiều lĩnh vực khác trong chính sách đối ngoại của mình. Liên quan đến quy tắc "Trách nhiệm bảo vệ" (R2P), Ấn Độ lên tiếng ủng hộ cho những quy định trong quy tắc này nhằm khuyến khích và hỗ trợ các quốc gia bảo vệ người dân của mình, và thể hiện hết sức thận trọng với quy định cưỡng chế của R2P. Khi các cuộc tranh luận quốc tế nảy lửa trở nên quá gay gắt tại Liên Hiệp Quốc, Đại sứ Ấn Độ đã nhấn mạnh trong bài phát biểu của mình với các ngôn từ phi bạo lực.

Hình ảnh quốc gia được bảo vệ  một cách cẩn thận trên không chỉ đơn giản là một biện pháp chiến lược để tăng cường sức mạnh mềm của Ấn Độ. Các nhà hoạch định chính sách muốn Ấn Độ được biết đến như biểu tượng của bất bạo động và khoan dung, bởi Ấn Độ thực sự nắm giữ những giá trị này. Trong lĩnh vực hạt nhân, xu hướng bất bạo động được thể hiện thông qua sự trì hoãn trong việc tích hợp vũ khí hạt nhân vào các chiến lược quân sự cũng như việc sản xuất vũ khí hàng loạt. Một dấu hiệu nữa của xu hướng này là các cuộc tranh luận công khai kéo dài diễn ra trước khi quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân - một điều hiếm xảy ra đối với các cường quốc hạt nhân.

Với khả năng ngoại giao khéo léo, Delhi có thể chuyển đổi lợi thế quyền lực mềm dựa trên những giá trị tinh túy thành lợi ích chiến lược và kinh tế.


Chúng ta đã được chứng kiến nhiều lần các nhà lãnh đạo Ấn Độ cho rằng việc biến vũ khí hạt nhân thành công cụ chiến tranh hữu hiệu là vô đạo đức và không thể tưởng tượng được. Lời kêu gọi giải trừ quân bị của Delhi không chỉ đơn thuần là hình thức đánh bóng: họ đã sử dụng các nguồn lực ngoại giao có giá trị bao gồm cả thời gian diễn thuyết quý báu trong các diễn đàn quốc tế. Nói rộng hơn, xu hướng bất bạo lực đã ảnh hưởng và khiến Ấn Độ có các hành động tương đối hạn chế trong một số cuộc xung đột với Pakistan.

Khi nói đến vấn đề can thiệp nhân đạo, trong vòng 25 năm qua, sự phản đối hay ủng hộ của Ấn Độ đều liên quan trực tiếp đến cấp độ bạo lực được lồng ghép trong hoạt động này. Điều này thể hiện sự tôn trọng thực sự của một quốc gia khi tiến hành can thiệp vào quốc gia khác, với mục đích gì, và liệu có lợi ích chiến lược nào đối với Delhi không. Điều này được thể hiện thông qua các cuộc can thiệp ở Iraq, Libya và Syria. Việc Ấn Độ phản đối hành động can thiệp được hình thành từ quan điểm thế giới đa cực của mình, với sự chấp thuận của tất cả các bên.

Có thể thấy uy tín quốc tế của Ấn Độ còn được phát huy hơn nữa khi các lợi ích chiến lược của họ mở rộng khắp Ấn Độ-Thái Bình Dương và xa hơn nữa. Với khả năng ngoại giao khéo léo, Delhi có thể chuyển đổi lợi thế quyền lực mềm dựa trên những giá trị tinh túy thành lợi ích chiến lược và kinh tế. Chính phủ của ông Modi dường như đã nhận ra điều này và đang triển khai những sáng kiến của Quốc hội để nâng cao các công cụ ngoại giao công chúng của Ấn Độ.

Quyền lực mềm của Ấn Độ có những đặc điểm rất hiếm thấy so với các cường quốc khác trong thế giới đa cực đang hình thành như: Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và châu Âu (như là một thực thể thống nhất). Hình ảnh tương đối trung lập, không gây đe dọa khiến Ấn Độ trở thành cường quốc hấp dẫn nhất đối với các quốc gia đang tìm kiếm phương thức để có thể tự chủ, tránh khỏi các tác động của cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc trong tương lai, và không muốn phải đối đầu với một trong hai siêu cường này. Australia đã chọn một thời điểm khôn ngoan để tăng cường mối quan hệ với một trong những cường quốc đang trỗi dậy năng động nhất trên thế giới.


Công Thuận (Theo Diplomat)