12:09 24/12/2010

Lỗi tại ai?

1. Cuối năm người ta phải chạy đua nhiều việc: Chạy đua hoàn thành kế hoạch, chạy đua giải ngân, chạy đua viết báo cáo, chạy đua họp… Và có cả chạy đua danh hiệu cho các sản phẩm, doanh nghiệp.

1. Cuối năm người ta phải chạy đua nhiều việc: Chạy đua hoàn thành kế hoạch, chạy đua giải ngân, chạy đua viết báo cáo, chạy đua họp… Và có cả chạy đua danh hiệu cho các sản phẩm, doanh nghiệp. Rất nhiều các loại “cúp vàng”, rất nhiều các loại “chất lượng cao”, “dẫn đầu”… mà người tiêu dùng không thể nhớ hết và biết hết cơ quan, tổ chức nào đã trao.

2. Có một thực tế, hầu như cơ quan, tổ chức nào cũng có thể đứng ra bình bầu, bình chọn, bình xét… giải thưởng, danh hiệu cho sản phẩm và doanh nghiệp; nhưng quy chế, tiêu chí và quy trình… xét chọn thì khó mà có thể biết hết được. Có điều, không ít doanh nghiệp đã thốt ra rằng “cứ nộp đủ lệ phí là ắt có danh hiệu, ắt có giải”. Chẳng thế mà năm ngoái dư luận được một phen “cười ra nước mắt” khi công ty Vedan được trao giải "Vì sức khỏe cộng đồng" trong lúc đang bê bối về vụ xả nước thải chưa qua xử lý gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; sau đó là một loạt chuyện tù mù trong việc trao “Giải thưởng Rồng vàng” được khui ra và người tiêu dùng mới té ngửa vì bị “lừa” bởi không ít các “danh hiệu” rất kêu từ trước đến nay.

3. Nhưng bản thân các doanh nghiệp chân chính cũng chẳng sung sướng gì trước việc “loạn danh hiệu” này bởi họ luôn “bị” mời chào, chèo kéo, thậm chí là “ép” tham gia giải. Có doanh nghiệp cảm thấy bị tổn thương, thậm chí bị “xúc phạm” khi tham gia những giải tù mù như thế nhưng nếu không tham gia, họ gần như bị cạnh tranh một cách không lành mạnh. Vì vậy, chấn chỉnh việc tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho các doanh nhân, doanh nghiệp là việc làm cần thiết và cấp bách.

4. Thực ra trong Quy chế Quản lý tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân và doanh nghiệp (Ban hành kèm theo Quyết định số 51/2010/QĐ-TTg ngày 28/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ), có hiệu lực từ ngày 20/9/2010 đã quy định rất rõ về vấn đề này. Theo đó, chỉ có các cơ quan bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mới được tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng.

5. Như vậy, sự lộn xộn, “loạn danh hiệu, giải thưởng” (nếu có) thì lỗi trước hết thuộc về các bộ, ngành, đoàn thể và UBND các tỉnh, thành phố chứ không thể đổ tại không có chế tài. Và, muốn chấn chỉnh thì phải chấn chỉnh trước hết từ chính các cơ quan có quyền xét tôn vinh và trao giải này.

Tuệ Duyên