05:06 16/05/2014

Lời nguyền của các Pharaoh

“Cái chết sẽ tới với những kẻ phá hoại giấc ngủ của các Pharaoh”, đó là lời cảnh báo được khắc trong lăng mộ của Pharaoh (vua Ai Cập) Tutankhamun tại Luxor khi nó được khám phá vào tháng 2/1923 - lần đầu tiên sau 3.000 năm.

“Cái chết sẽ tới với những kẻ phá hoại giấc ngủ của các Pharaoh”, đó là lời cảnh báo được khắc trong lăng mộ của Pharaoh (vua Ai Cập) Tutankhamun tại Luxor khi nó được khám phá vào tháng 2/1923 - lần đầu tiên sau 3.000 năm.

 

Lord Carnarvon.

Người đã dẫn đầu chuyến thám hiểm tới Ai Cập để khai quật lăng mộ cổ đại của Tutankhamun là Lord Carnarvon, một người Anh 57 tuổi. Và lời nguyền của các Pharaoh không phải là xa lạ với ông. Ông biết điều gì đã xảy ra với những người đã đưa một quan tài Pharaoh về nước Anh hồi cuối thế kỷ 19. Arthur Weigall, một trong những thành viên trong nhóm của Lord Carnarvon, đã nói với ông về người sở hữu chiếc quan tài đó: “Không lâu sau khi có được chiếc quan tài, ông ta đã mất một tay khi khẩu súng của ông bất ngờ khai hỏa. Chiếc tàu chở quan tài đã bị đắm. Ngôi nhà lưu giữ quan tài đã bị đốt cháy. Vị nhiếp ảnh gia chụp bức hình quan tài đã tự sát bằng súng. Bạn gái của người sở hữu quan tài đã bị mất tích ngoài biển. Danh sách các vụ tai nạn và rủi ro liên quan đến chiếc quan tài này ngày một dài thêm”.


Nhưng trước khi đoàn thám hiểm đi vào lăng mộ của Tutankhamun, Weigall hiểu rằng Carnarvon không coi trọng lời nguyền đó. Weigall cảnh báo: “Nếu Carnarvon đi vào đó, ông ấy sẽ chỉ sống được 2 tháng nữa thôi”.


Sự coi thường lời nguyền Pharaoh của Carnarvon có lẽ chỉ là do ông làm ra vẻ can đảm. Hai tháng trước đó, ông đã nhận được bức thư từ nhà thần học nổi tiếng lúc bấy giờ là Count Hamon. Bức thư có nội dung như sau: “Ngài Carnarvon không được vào lăng mộ. Không tuân theo sẽ gặp nguy hiểm. Nếu phớt lờ sẽ mắc bệnh. Không hồi phục được. Ông sẽ chết ở Ai Cập”. Nhà quý tộc người Anh lo lắng về cảnh báo này đến mức ông đã hai lần viếng thăm một thầy bói và người này đã hai lần dự đoán Carnarvon sẽ chết sớm trong những tình huống bí ẩn.

 

Bên trong lăng mộ Tutankhamun.


Và chỉ trong vòng 2 tháng sau khi bước vào lăng mộ của Tutankhamun, Carnarvon đã chết. Trong vòng 6 năm sau đó, 12 người nữa có mặt khi lăng mộ bị xâm phạm cũng sớm qua đời. Chưa hết, trong những năm tiếp theo, lời nguyền của các Pharaoh đã cướp đi sinh mạng của thêm vài nạn nhân nữa trong số những người có liên quan tới cuộc thám hiểm định mệnh ấy. Một trong số đó là người đã hai lần cảnh báo Carnarvon về thảm kịch này - Weigall.


Câu chuyện mang điềm gở này bắt đầu vào tháng 4/1923 khi Carnarvon thức dậy trong phòng khách sạn của mình ở thủ đô Cairo của Ai Cập và nói: “Tôi cảm thấy thật tồi tệ”. Khi con trai Carnarvon tới nơi thì ông đã bất tỉnh. Đêm đó Carnarvon đã không qua khỏi. Cái chết của ông được cho là do bị muỗi độc đốt và đáng chú ý là vết đốt trùng với vị trí một vết bẩn trên xác ướp Tutankhamun.


Con trai của Carnarvon nằm nghỉ ở căn phòng kế bên vào thời điểm cha mình qua đời. Anh nói: “Các bóng đèn bất chợt tắt ngúm trên khắp Cairo. Chúng tôi phải thắp nến và cầu nguyện”.


Không lâu sau đó lại có một cái chết ở ngay chính khách sạn này. Nhà khảo cổ người Mỹ Arthur Mace, một trong những người dẫn đầu đoàn thám hiểm, than phiền vì mệt mỏi và đã bất ngờ bị hôn mê rồi chết trước khi các bác sĩ tới nơi chẩn đoán điều gì đã xảy ra với ông.


Cái chết nối liền cái chết. Một người bạn thân của Carnarvon là George Gould đã vội vã tới Ai Cập ngay khi ông được biết về cái chết của vị bá tước. Gould đã tới lăng mộ Pharaoh. Ngày sau đó ông bị sốt cao và qua đời chỉ sau 12 giờ đồng hồ. Chuyên gia y tế Archibald Reid, người đã chụp X-quang xác ướp của Tutankhamun, kêu ca vì bị kiệt sức. Ông về nhà mình ở Anh và chết không lâu sau đó. Thư ký riêng của Carnarvon trong chuyến thám hiểm, Richard Bethell, được tìm thấy đã chết trên giường vì lên cơn đau tim. Nhà công nghiệp người Anh Joel Wool là một trong những người đầu tiên đi vào lăng mộ. Ông cũng sớm thiệt mạng vì một trận sốt khó hiểu. Cho tới năm 1930, chỉ 2 người trong đoàn khai quật lăng mộ Tutankhamun vẫn còn sống.


Lời nguyền của các Pharaoh vẫn tiếp tục cướp đi thêm mạng sống sau một nửa thế kỷ. Năm 1970, người sống sót duy nhất của đoàn thám hiểm lăng mộ Tutankhamun, Richard Adamson, lúc đó đã 70 tuổi, đã lên truyền hình trả lời phỏng vấn để “thổi tung câu chuyện hoang đường” về lời nguyền chết chóc. Ông nói với người xem: “Chưa lúc nào tôi tin vào câu chuyện hoang tưởng đó”. Sau đó, Adamson rời trường quay ở Norwich, chiếc taxi chở ông đã va chạm với một máy kéo, hất ông ngã xuống đường. Một chiếc xe tải đi ngang qua đã suýt cán phải đầu ông.


Đó là lần thứ 3 mà Adamson, người vốn là bảo vệ trong đoàn của Carnarvon, tìm cách chấm dứt câu chuyện huyền bí này. Lần đầu tiên ông bác bỏ nó, vợ ông đã chết trong vòng 48 giờ. Lần thứ hai, con trai ông bị gãy lưng trong một tai nạn máy bay. Sau lần thứ ba, Adamson thừa nhận: “Cho tới giờ, tôi vẫn không tin rằng có bất cứ liên hệ nào giữa lời nguyền và những điều đã diễn ra với gia đình tôi. Nhưng bây giờ tôi đang nghĩ lại”.


(Còn tiếp)


Trần Anh