06:11 29/06/2018

Lời kêu gọi thi đua ái quốc - Giá trị lý luận và thực tiễn

70 năm đã qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, những tư tưởng của Người về thi đua ái quốc vẫn còn vẹn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn.

Theo tư tưởng của Người, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào thi đua của nhân dân ta đã thực hiện thành công các nhiệm vụ cách mạng, đưa tới những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Thông tấn xã Việt Nam phối hợp với Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương biên soạn và xuất bản cuốn sách “70 năm thi đua yêu nước (1948-2018)”.

Giá trị lý luận sâu sắc

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Đình Phong (Giảng viên cao cấp, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về nội dung, phương thức thi đua.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước chứa đựng hàm lượng lớn về lý luận thi đua. Những năm đầu của thi đua yêu nước, cả nước hừng hực khí thế “người người thi đua, ngành ngành thi đua”, để “ta nhất định thắng, địch nhất định thua”. Trong giai đoạn miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội, cùng miền Nam chống Mỹ, cứu nước, nhiều phong trào thi đua để giành lấy danh hiệu lao động xã hội chủ nghĩa với những ngọn cờ Duyên Hải (trong công nhân), Đại Phong (trong nông dân), Ba nhất (trong quân đội), thi đua dạy tốt học tốt, thanh niên “Ba sẵn sàng”, phụ nữ “Ba đảm đang”...

“Nhờ thi đua mà chúng ta đạt được nhiều kết quả trong kháng chiến quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Bộ đội diệt được nhiều giặc, công nhân làm ra nhiều sản phẩm, nông dân sản xuất được nhiều lương thực, trí thức có nhiều sáng kiến trong hoạt động khoa học, thanh niên, học sinh có nhiều tiến bộ trong học tập, lao động sản xuất, trong Đảng bớt đi được nhiều thói hư tật xấu, cán bộ, đảng viên trong sạch hơn, gương mẫu hơn...”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Đình Phong khẳng định.

Phong trào thi đua yêu nước đã tạo ra một khí thế mới, tinh thần mới, con người mới, xung lực mới trong diệt giặc dốt, diệt giặc đói, diệt giặc ngoại xâm, diệt giặc nội xâm, trong xây dựng chủ nghĩa xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Nga (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) thấy rằng, thi đua theo tư tưởng Hồ Chí Minh không phải được hiểu là việc hô khẩu hiệu chung chung, hình thức để lấy phong trào mà phải thực chất, bằng những việc làm cụ thể, với những nội dung cụ thể. Thi đua là thi đua “Cần, Kiệm, Liêm, Chính”, lấy “Cần, Kiệm, Liêm, Chính” là nội dung cơ bản để mọi người, mọi ngành, mọi địa phương thực hiện; lấy tiêu chí “Cần, Kiệm, Liêm, Chính” để đánh giá thi đua, đánh giá con người, đặc biệt là đánh giá cán bộ. Mỗi người và tất cả mọi người cho dù ở vị trí, lĩnh vực công tác nào, địa vị cao thấp, chức vụ lớn nhỏ ra sao, dù là công nhân, nông dân, hay công thương, trí thức, dù là chiến sỹ hay dân quân, dù là phụ lão hay thanh niên, nhi đồng... cũng đều phải thi đua “Cần, Kiệm, Liêm, Chính”. Cán bộ phải là tấm gương, kiểu mẫu thực hành “Cần, Kiệm, Liêm, Chính” để mọi người noi theo.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Đình Phong nhận định, qua hơn 30 năm đổi mới, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Có thể dễ dàng nhận thấy một trong những yếu tố dẫn đến thành tựu trên, đó là tinh thần thi đua yêu nước. Do đó, cần khẳng định, thời gian càng lùi xa, tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc vẫn là một tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi.

Đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Đình Phong nhận định, phải có sự nhận thức sâu sắc, đầy đủ, toàn diện, có tính hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước. Học tập và làm theo tư tưởng thi đua yêu nước của Người là phải biết vận dụng và phát triển sáng tạo thì mới có kết quả.

Giá trị thực tiễn quý báu

Theo Giáo sư, Tiến sỹ Mạch Quang Thắng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), trong điều kiện hiện nay, giá trị thực tiễn từ quan điểm thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn mang tính thời sự, cụ thể và rõ ràng. Theo đó, phong trào thi đua yêu nước luôn đặt vào mục tiêu chung của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân; đồng thời tạo ra sức mạnh tổng hợp cho cách mạng Việt Nam; phòng và chống bệnh hình thức trong phong trào thi đua.

Giáo sư, Tiến sỹ Mạch Quang Thắng nhận định, hiện nay các phong trào thi đua ở các cấp có rất nhiều nhưng không ít trong đó có biểu hiện của bệnh hình thức. Cấp trên đề ra kế hoạch và chỉ đạo làm thì dưới làm, đó là cách làm rất hình thức, khiên cưỡng, máy móc; cần khắc phục tình trạng thi đua không thực chất, làm cho có, làm theo kiểu đối phó, trên bảo sao dưới làm vậy, “phát mà không động”, “đánh trống bỏ dùi”...

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú ý tính thực chất của thi đua ái quốc, duy trì phong trào thi đua ái quốc một cách thường xuyên, liên tục, đề phòng và chống “bệnh thành tích”. Giáo sư, Tiến sỹ Mạch Quang Thắng cho rằng, các phong trào thi đua ái quốc hiện nay cần tránh việc thi đua không thực chất, cạnh tranh không lành mạnh, thưởng-phạt không đúng, vừa không kịp thời, vừa tràn lan..., làm mất đi động lực tốt trong thi đua; làm lãng phí các nguồn lực, trong đó lãng phí thì giờ, tiền của của nhân dân và của ngân sách Nhà nước.

Giáo sư, Tiến sỹ Mạch Quang Thắng cho rằng, trong cơ chế thị trường hiện nay, phong trào thi đua ái quốc có thể hiện hữu trong tất cả các lĩnh vực, khu vực công-tư. Vấn đề còn lại là các tổ chức trong hệ thống chính trị, đặc biệt là tổ chức Đảng, có thực hiện theo tinh thần thi đua ái quốc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra hay không. Sự nghiệp cách mạng của đất nước ta đã thu được nhiều thành tựu có ý nghĩa lịch sử, song, vẫn còn đó những khó khăn, thử thách ngặt nghèo. Sự phát triển của đất nước chỉ có thể nhanh và bền vững khi có được sự cố gắng của tất cả mọi người. Phong trào thi đua, do đó, là một biện pháp chiến lược để phát triển. Đó cũng là giá trị thực tiễn quý báu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên từ năm 1948.

Thu Phương (TTXVN)