12:19 06/12/2019

Lời kêu gọi hành động Hà Nội: Để không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau

Sau 4 ngày làm việc, Hội nghị phát triển trẻ em khu vực châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 9 (ECD) đã ra tuyên bố "Lời kêu gọi hành động Hà Nội".

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh phát biểu tại phiên bế mạc sau 4 ngày làm việc. Ảnh: Mạnh Dũng

Hội nghị thu hút 600 đại biểu đến từ 35 quốc gia và vùng lãnh thổ, 44 tổ chức quốc tế đã tham gia thảo luận về việc xây dựng và thực hiện chiến lược, chính sách, mô hình và hoạt động triển khai khung chăm sóc nuôi dưỡng, giáo dục, thiết lập môi trường an toàn và nhân văn để trẻ em phát triển.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Lê Văn Thanh cho biết: Các đại biểu đã dóng lên hồi chuông cảnh báo về ô nhiễm không khí, biến đổi khí hậu, xung đột vũ trang, thiếu sự chăm sóc do di cư đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển toàn diện trẻ em; đặt các quốc gia trước sự lựa chọn chiến lược, giải pháp để trẻ em có sự phát triển chất lượng, thân thiện nhất, cũng có nghĩa là sự lựa chọn khẩn cấp và lâu dài cho phát triển bền vững mà đích hướng tới là các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030 để không có trẻ em nào bị bỏ lại phía sau.

“Đây là dịp các đại biểu cùng nhau thống nhất “Lời kêu gọi hành động” thực hiện phát triển toàn diện trẻ em trong khu vực với sự chứng kiến của trẻ em. Lời kêu gọi hành động Hà Nội sẽ được chọn như sự ưu tiên về những giải pháp và hành động cần thúc đẩy; Là cơ sở quan trọng cho sự hợp tác của các quốc gia trong khu vực về phát triển toàn diện trẻ thơ trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương”, Thứ trưởng Lê Văn Thanh thông tin.

Lời kêu gọi nêu rõ 13 hành động trong 3 nội dung: Môi trường chính sách, môi trường sống, môi trường cộng đồng và môi trường gia đình. Tất cả các Chính phủ, tổ chức tham gia hội nghị đã cùng nhau thống nhất phối hợp liên ngành trong việc thực hiện những hành động cụ thể để thúc đẩy môi trường an toàn, bền vững cho trẻ em.

Các hành động để xây dựng môi trường chính sách gồm: Đặt trẻ em vào trung tâm của các chính sách; Đảm bảo trẻ em được bảo vệ khỏi bị lạm dụng, tai nạn thương tích và bóc lột; Gắn kết tất cả các ngành, lĩnh vực liên quan phối hợp hành động vì trẻ em; cung cấp các nguồn lực tài chính và kỹ thuật để triển khai các chính sách ban hành.

Về môi trường sống, hội nghị thống nhất tập trung giải quyết các mối đe doạ từ môi trường trên cơ sở lấy trẻ em làm trung tâm; hình thành cơ sở dữ liệu nhằm nâng cao nhận thức về tác động ô nhiễm không khí, biến đổi khí hậu đối với cuộc sống của trẻ em; lắng nghe tiếng nói của trẻ em để xây dựng, thực hiện chính sách. Về môi trường cộng đồng, hoạt động cụ thể gồm: Đưa ra các thông điệp phù hợp về tác động của môi dường đối với sức khoẻ trẻ em, hướng tới hành động thực tiễn; thực hành chăm sóc tích cực tại cộng đồng; xác định mức độ trẻ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố biến đổi khí hậu và thực hiện các hoạt động hỗ trợ.

Tiến độ thực hiện những nội dung cả lời kêu gọi hành động của các Chính phủ, tổ chức sẽ được rà soát vào năm 2020.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh khẳng định, trong thời gian tới, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam sẽ giúp Chính phủ Việt Nam, hợp tác chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức để tiếp tục thúc đẩy việc thực hiện lời kêu gọi hành động Hà Nội.

Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục rà soát và sửa đổi, bổ sung các chính sách liên quan đến việc hỗ trợ gia đình và trẻ em, ưu tiên các chính sách thúc đẩy phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời; phát triển chương trình tư vấn, giáo dục làm cha mẹ về phát triển toàn diện trẻ em những năm đầu đời; quan tâm đến các giải pháp để hạn chế tối đa các ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển trẻ thơ như ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, di cư, bất bình đẳng của trẻ em ở các vùng khó khăn.

 

XC/Báo Tin tức