05:19 15/05/2025

Lợi ích kép từ nông nghiệp tuần hoàn

Nông nghiệp tuần hoàn đang là xu hướng phát triển nông nghiệp tất yếu của các quốc gia trên thế giới và Việt Nam. Tại Bắc Ninh, mô hình này cũng mang lại lợi ích kép khi vừa giúp nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân, vừa bảo vệ môi trường.

Phát huy hiệu quả các mô hình kinh tế tuần hoàn

Mô hình VAC của ông Nguyễn Xuân Nam, thôn Bùng, xã Bình Dương, huyện Gia Bình. là một trong những mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn điển hình của huyện. Ông Nguyễn Xuân Nam chia sẻ, mặc dù nông nghiệp không phải nghề chính, nhưng ông có niềm đam mê phát triển nông nghiệp. Năm 2019, ông mạnh dạn tích tụ 6,7 ha đất cấy lúa kém hiệu quả chuyển đổi sang mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, kết hợp giữa trồng cây ăn quả với chăn nuôi.

Chú thích ảnh
Máy cuốn rơm góp phần xây dựng nông nghiệp tuần hoàn.

Ban đầu, khi mới xây dựng mô hình, ông cùng các thành viên dày công cải tạo đất, lên phương án quy hoạch từng vùng đất để xây dựng mô hình. Nhớ lại những ngày đầu làm nông nghiệp, ông Nam tâm sự, ban đầu, đã lên ý tưởng làm vườn trồng cây ăn quả kết hợp nuôi cá, trồng sen. Sau đó, nhận thấy nho hạ đen là cây có hàm lượng chất dinh dưỡng, hiệu quả kinh tế cao, sau khoảng thời gian tìm hiểu, nghiên cứu, tháng 8/2020, được sự giúp đỡ của Trung tâm Khuyến nông và phát triển nông nghiệp công nghệ cao tỉnh, ông mạnh dạn trồng thử nghiệm 1,1 ha nho và làm giàn, nhà màng.

Với kinh nghiệm từ những người đi trước, sau hơn 4 năm trồng, chăm sóc, cây nho sinh trưởng, phát triển tốt, nho bắt đầu cho thu hoạch ổn định 2 lứa/năm, cho hiệu quả kinh tế cao. Ngoài trồng nho hạ đen, trang trại của ông Nam trồng thêm khoảng 1.000 gốc nho sữa, 1.000 gốc thanh long, 2 ha ổi, đu đủ, cam đường, vú sữa, hồng xiêm… Hiện tại, các loại cây ăn quả của gia đình ông Nam đều cho thu hoạch với năng suất, sản lượng ổn định, đem lại doanh thu khoảng 1 tỷ đồng/năm. Toàn bộ cây trồng trong trang trại đều được ông trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt,…

Áp dụng quy trình nông nghiệp tuần hoàn, để có nguồn phân bón cho cây trồng, ông Nam nuôi gần 100 con dê, 200-300 gà, vịt. Toàn bộ chất thải từ quá trình chăn nuôi, các loại quả bị thải loại khi thu hoạch, được dùng làm thức ăn để nuôi trùn quế. Trùn quế được dùng làm thức ăn nuôi cá, gà, vịt; phụ phẩm từ quá trình nuôi trùn quế được sử dụng để bón cho cây ăn quả. Nhờ hoạt động theo cách thức này, quy trình sản xuất của gia đình ông Nam tuần hoàn khép kín, các chất thải được tận dụng vào quá trình sản xuất, giảm tải chi phí đầu vào, bảo vệ môi trường. Đến nay, với mô hình này, mang lại giá trị lớn cho gia đình ông với doanh thu trên 1,5 tỷ đồng/năm, trừ chi phí cho lợi nhuận hàng trăm triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 15 triệu đồng với mức công 6-8 triệu đồng/người/tháng.

Chú thích ảnh
Máy cuốn rơm góp phần xây dựng nông nghiệp tuần hoàn.

Cùng với các mô hình sản xuất nông nghiệp, những năm gần đây, thực hiện chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong sản xuất nông nghiệp, hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa các khâu sản xuất của các địa phương trong tỉnh Bắc Ninh đã có chuyển biến, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.

Máy cuộn rơm thu gom phế phẩm rơm sau thu hoạch lúa đang mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thúc đẩy nông nghiệp tuần hoàn phát triển. Sau những ngày tất bật thu hoạch lúa, trên cánh đồng thôn Tỳ Điện, xã Phú Hòa, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh, dưới tiết trời nắng gắt, 2 chiếc máy cuộn rơm của anh Vũ Bá Tuyển, trú ở xã Cao Đức, huyện Gia Bình đang hối hả "nuốt" từng luống rơm với quyết tâm thu được thật nhiều rơm để kịp thời trả “mặt bằng sạch” cho người dân vào mùa vụ mới.

Anh Vũ Bá Tuyển tâm sự, sinh ra và lớn lên ở vùng quê đồng bãi, từ nhỏ đã thấy các bà, các mẹ dùng rơm để rắc giữ ẩm cho cây trồng hay làm thức ăn cho gia súc hoặc làm vật liệu nấu bếp. Tuy nhiên, đến nay, cùng với sự phát triển của xã hội, nhu cầu cần rơm của nông dân không nhiều, bởi vậy, mỗi khi thu hoạch lúa xong, người dân thường có thói quen đốt rơm rạ. Điều này khiến môi trường sống bị ô nhiễm, khói bụi bao trùm khắp khu dân cư, đường phố, trong khi lãng phí tài nguyên cho sản xuất, chăn nuôi.

Bởi vậy, năm 2021, anh mạnh dạn đầu tư 2 máy cuốn rơm để thu, gom, mua rơm từ các cánh đồng. Máy có cơ chế vận hành khá đơn giản, chỉ sau vài đường chạy máy, những cuộn rơm có trọng lượng khoảng 20 kg được bó dây gọn gàng đã hình thành. Bình quân, mỗi giờ máy sẽ cuốn được 80-120 cuộn. Với giá bán khoảng 20.000-25.000 đồng/cuộn tuỳ thời điểm, trừ đi chi phí vận chuyển, mang lại thu nhập trên 20 triệu đồng/người/tháng. Tạo công việc thường xuyên cho 8 người. Đến nay, anh được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương kết nối với các hộ dân để thu, mua rơm được thuận lợi.  

Xây dựng cơ chế, tạo điều kiện thúc đẩy

Đánh giá về các mô hình nông nghiệp tuần hoàn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh, trong những năm qua, cùng với việc chỉ đạo đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường sinh thái, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh đã tích cực tuyên truyền, khuyến khích hỗ trợ các tổ chức, cá nhân phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn. Đến nay, nhiều mô hình nông nghiệp tuần hoàn được triển khai hiệu quả, góp phần thực hiện thành công tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.

Để tạo động lực phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, tỉnh Bắc Ninh đã ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp trong đó có nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, phát triển kinh tế trang trại.

Cụ thể, Nghị quyết 15-NQ/TU ngày 27/4/2018 của Tỉnh ủy Bắc Ninh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, đã tạo điều kiện phát triển kinh tế trang trại, nhất là các trang trại tổng hợp; Kế hoạch số 596/KH-UBND ngày 15/9/2021 về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, trong đó có nội dung tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp toàn diện, an toàn, hiệu quả, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh ban hành Kế hoạch số 2213/KH - SNN ngày 22/12/2023 về thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 lĩnh vực Nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh...

Đặc biệt, Bắc Ninh xây dựng mô hình điểm theo hướng nông nghiệp tuần hoàn, làm tiền đề để các tổ chức, cá nhân mở rộng vào sản xuất như mô hình như như sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ sau thu hoạch ngay tại ruộng để làm phân bón hữu cơ cho sản xuất lúa vụ sau; mô hình đệm lót sinh học trong chăn nuôi; mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng trong các trang trại; mô hình xử lý chất thải chăn nuôi bằng công nghệ bể biogas để lấy khí đốt và phân bón hữu cơ, mô hình thu gom phụ phẩm nông nghiệp để ủ làm phân bón phục vụ sản xuất; mô hình trồng nấm rơm, nấm sò tận dụng phụ phẩm nông nghiệp; mô hình trồng ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi gia súc...

Ngoài ra, hàng năm, ngành tổ chức trên 100 lớp tập huấn cho các hộ nông dân về chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, trong đó có sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn; đẩy mạnh tuyên truyền hướng dẫn kỹ thuật sản xuất an toàn, sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật và phân hóa học; chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi theo hướng hữu cơ... nhờ đó đã nâng cao nhận thức của nông dân trong việc sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường nông nghiệp...

Thanh Thương