07:10 08/07/2014

Lối hành xử hiếu chiến của Bắc Kinh đẩy quan hệ Mỹ - Trung xuống cấp

Nếu nhìn bằng mắt thường, hàng trăm những rạn đá, đảo nhỏ, dải cát nằm rải rác ở vùng Biển Đông chẳng có gì là quan trọng. Thế nhưng, chúng có thể sẽ là nhân tố đẩy quan hệ Mỹ - Trung xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỉ gần đây.

Nếu nhìn bằng mắt thường, hàng trăm rạn đá, đảo nhỏ, dải cát nằm rải rác ở vùng Biển Đông chẳng có gì là quan trọng. Thế nhưng, chúng có thể sẽ là nhân tố đẩy quan hệ Mỹ - Trung xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỉ gần đây.

Sức mạnh quân sự gia tăng cùng với các tuyên bố chủ quyền ngày một hiếu chiến của Bắc Kinh đã đưa đến khả năng va chạm giữa Trung Quốc với các nước láng giềng, cũng như là với Mỹ. Ngày mai, 9/9, Ngoại trưởng John Kerry cùng Bộ trưởng tài chính Mỹ Jack Lew sẽ tới Bắc Kinh, tham dự Đối thoại kinh tế chiến lược Mỹ - Trung lần thứ 6.

Trong khi Washington vẫn luôn để mắt tới Iraq, Syria, Ukraine, Nga, thì nhiều người vẫn nhận ra rằng quan hệ Mỹ - Trung đang ở mức độ căng thẳng nhất kể từ khi Tổng thống Richard Nixon thăm Trung Quốc năm 1972. “Quan hệ Mỹ - Trung đang đang ở thời điểm xấu nhất kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Đông Á ngày nay cũng bất ổn nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt”, giáo sư Robert Ross, chuyên ngành khoa học chính trị tại Đại học Boston nhận định.

Vùng Nhận diện Phòng không (ADIZ) ở Hoa Đông cùng yêu sách "đường 9 đoạn" ở Biển Đông của Bắc Kinh là nhân tố gây bất ổn ở Đông Á. Ảnh: WashingtonPost


Nhìn tổng quan, chính sách “tái cân bằng” hay “xoay trục” sang châu Á của chính quyền Tổng thống Barack Obama bị Bắc Kinh xem là bước đi kiềm tỏa Trung Quốc. Đô đốc Tôn Kiến Quốc (Sun Jianguo), Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc từng nói rõ: Tranh chấp lãnh thổ là việc giữa Trung Quốc với các bên, nhưng Mỹ có ý muốn trở thành một bên và đó là “sự không công bằng”. Còn tại Washington, luồng quan điểm đối nghịch nhìn nhận: Trung Quốc có ý định đẩy nhanh tuyên bố chủ quyền qua việc đe dọa vũ lực, với mục đích cuối cùng là đẩy Mỹ khỏi châu Á.

Đã từng có thời điểm quan hệ Mỹ - Trung rất căng thẳng, nhất là sau sự kiện Thiên An Môn. Thế nhưng, khủng hoảng lần này là chưa có tiền lệ về mặt cấp độ và cấu trúc.

Tháng 11/2013, Trung Quốc làm “chột dạ” các nước láng giềng với việc đơn phương tuyên bố thiết lập Vùng nhận diện Phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông, chồng lấn với không phận của cả Nhật Bản và Hàn Quốc. Tháng 3/2014, tàu hải cảnh Trung Quốc phong tỏa, ngăn chặn, không cho tàu Philippines tiếp tế lương thực, nước uống cho binh sĩ đóng tại bãi Cỏ Rong. Hai tháng sau, Bắc Kinh cho hạ đặt trái phép giàn khoan “tỉ đô” Hải Dương 981 sâu trong vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đi liền với đó là hành động cải tạo, xây dựng tại nhiều bãi đá ở Trường Sa; biến chúng thành “đảo nhân tạo”.

Lối hành xử hiếu chiến này làm giới chuyên gia ngạc nhiên. Một số nhìn nhận, lãnh đạo Trung Quốc muốn thổi phồng các mối đe dọa từ bên ngoài và coi đây là công cụ để đẩy nhanh các chương trình cải cách nội địa, trong đó có cải cách quân đội. Số khác thì nói rằng, đơn giản chỉ là việc Trung Quốc thể hiện sức mạnh, muốn xây dựng một trật tự mới tại châu Á đặt dưới sự lãnh đạo của Bắc Kinh mà ở đó Mỹ bị gạt ra rìa. Tuy nhiên, số đông thì nhận định, Trung Quốc tỏ rỏ sự hiếu chiến vì giờ đây nước này có điều kiện để làm điều đó, với việc nắm trong tay hải quân hiện đại có thể tác chiến biển xa, cùng với lực lượng hải cảnh, hải giám, ngư chính… chuyên nghiệp.

Bất luận là vì lý do nào đi nữa, điều dễ nhận thấy là: Mỹ ở vào thế kẹt giữa một bên là tuân thủ cam kết bảo vệ đồng minh, còn bên kia là duy trì mối quan hệ mang tính chất xây dựng với Trung Quốc. Nhưng vài tháng gần đây, Washington dường như đã thiên về xu hướng thứ nhất. Nó biểu hiện bằng việc Mỹ điều máy bay B-52 bay vào vùng ADIZ do Trung Quốc thiết lập; tiếp sau đó là những tuyên bố bảo vệ Nhật Bản nếu như xảy ra xung đột ở Điếu Ngư/Senkaku, ký Hiệp định quốc phòng 10 năm với Philippines…

Phản ứng của Bắc Kinh thì cũng đã rõ. Trước việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cáo buộc các hành động “ức hiếp, đe dọa vũ lực” trong tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông tại Đối thoại Shangri La vừa qua, Phó Tổng tham mưu trưởng Vương Quán Trung “đốp” lại rằng lời bình luận của Mỹ là “xa rời, thể hiện bá quyền, kích động, đe nẹt”.

Cựu chuyên gia phân tích cao cấp về Trung Quốc tại Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Johnson nhận định: Trung Quốc cho rằng họ có thể thúc đẩy “chủ nghĩa phiêu lưu” chính xuất phát từ thực tế nhiều quan chức tại Bắc Kinh nghĩ rằng Mỹ không nhất quán và thiếu quyết tâm. Họ lấy dẫn chứng là những thất bại của Mỹ trong cuộc khủng hoảng ở Syria, cũng như việc đứng nhìn Nga can dự ở Ukraine và cho rằng Mỹ chẳng khác nào “hổ giấy”. Nhưng vị chuyên gia này đồng thời cảnh báo: Bắc Kinh sẽ phạm phải sai lầm nếu đánh giá thấp cam kết bảo vệ châu Á của Mỹ, vì “Mỹ hiện như một gã khổng lồ đang ngủ, và nếu ai đó chọc quá mạnh, nước Mỹ sẽ huy động được sức mạnh”.


Hoài Thanh (Theo WashingtonPost)