02:15 05/02/2011

Lời giải cho cơn bão giá lương thực

Báo "Thư tín địa cầu" số ra mới đây đăng bài viết của Sylvain Charlebois, Giáo sư về các chính sách và phân phối lương thực thuộc Đại học Guelph (Canađa), khuyến nghị một giải pháp cho cơn bão giá lương thực năm 2011

Báo "Thư tín địa cầu" số ra mới đây đăng bài viết của Sylvain Charlebois, Giáo sư về các chính sách và phân phối lương thực thuộc Đại học Guelph (Canađa), khuyến nghị một giải pháp cho cơn bão giá lương thực năm 2011:

Nếu bạn đang tìm một lời khuyên cho Năm Mới 2011, thì đó là: hãy tiết kiệm tiền để trả cho các khoản chi nhiều hơn dành cho mua lương thực và thực phẩm. Xu hướng này dường như là không thể tránh khỏi, chủ yếu là do giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm đã tăng mạnh trong năm 2010: giá ngô đã tăng 29%, giá lúa mì tăng 71%, giá đậu tương tăng 22%, giá nước cam tăng 17%, giá đường tăng 51%.


Mặc dù thế giới có thể không rơi vào cuộc khủng hoảng lương thực như năm 2008, nhưng việc giá nông sản tăng sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng trong năm 2011, vì giá mặt hàng này thường giao theo kỳ hạn và phải mất vài tháng mới tác động đến giá bán lẻ.

Giá lương thực – thực phẩm dự báo sẽ tiếp tục là mối quan tâm của người tiêu dùng trên thế giới trong năm 2011.

Tuy nhiên, các công ty phân phối lương thực thực phẩm biết rõ mức giá mà người tiêu dùng có thể chịu được và sẽ đưa ra các ngưỡng giá đó. Trong năm 2010, giá lương thực, thực phẩm bán lẻ chỉ tăng 3%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 15% của năm 2009. Bất chấp sự tương đối ổn định về giá cả này, chi tiêu cho lương thực - thực phẩm của người tiêu dùng đã thay đổi đáng kể.


Doanh thu của các cửa hàng chuyên bán lương thực, thực phẩm đã tăng 10%, trong khi doanh thu bán đồ ăn đóng hộp đã giảm hơn 4%. Người tiêu dùng phải cân đối lại ngân sách cũng như thói quen mua hàng của họ, rõ ràng là đang hy sinh sự tiện lợi để đổi lấy dinh dưỡng và sự ngon miệng. Đây là những dấu hiệu đáng khuyến khích. Năm 2011, người tiêu dùng sẽ tiếp tục theo xu hướng này, nhưng do giá tăng cao, nên một số người có thể gặp khó khăn về ngân sách, trừ phi bạn quyết định theo một chế độ ăn kiêng.

Hiện có những tin tốt về chi phí năng lượng do kinh tế toàn cầu đang "èo uột". Mặc dù nhiều nhà phân tích dự báo giá dầu sẽ ở mức 100 USD/thùng, nhưng ảnh hưởng của mức giá này cũng sẽ rất nhỏ.


Chi phí hậu cần sẽ không trở thành một gánh nặng lớn hơn cho các công ty chế biến và phân phối thực phẩm. Thêm vào đó, hầu hết các công ty chế biến và phân phối thực phẩm lớn tại Canađa đều đã đầu tư mạnh vào các chiến lược quản lý giá cả trong những năm qua. Điều đó cho phép họ có khả năng cân bằng bất kỳ biến động giá đầu vào lớn nào.

Trong khi đó, tại nhiều nước đang phát triển, giá đầu vào tăng cao đang làm tăng sức ép lạm phát. Giá lương thực thực phẩm tại Trung Quốc đã tăng hơn 10% trong năm nay. Hiện tượng này đã bắt đầu ảnh hưởng đến người tiêu dùng Canađa khi giá lương thực thực phẩm nhập khẩu đang tăng.

Giá trị của đồng đôla Canađa (CAD) cũng trở thành một nhân tố lớn trong năm 2011. Nền kinh tế đình đốn đang khiến nhiều nhà đầu tư từ bỏ các loại chứng khoán và đầu tư vào đồng USD.


Một số nhà kinh tế dự đoán đồng CAD sẽ giảm giá 15% so với đồng USD, do vậy sẽ làm sức mua của người Canađa giảm 60% đối với tất cả các mặt hàng lương thực nhập khẩu. Nhưng do người tiêu dùng đang thay đổi hành vi và lựa chọn dinh dưỡng nên họ đang dần quen với việc trả nhiều tiền hơn cho lương thực, thực phẩm và sẽ không bị sốc trước việc giá thực phẩm tăng cao.

Một vấn đề khác là tỷ lệ thất nghiệp tăng tại các nước công nghiệp phát triển. Môi trường ủng hộ giới chủ và tỷ lệ thất nghiệp cao đang khiến mức lương ngày càng giảm. Nhiều người tiêu dùng vẫn phải tìm việc nhưng giá lương thực vẫn tăng lên và đây là mối quan ngại của nhiều nhà kinh tế.

Vì nhiều lý do, việc ăn ít đi, nhưng đầy đủ dinh dưỡng hơn có thể là một giải pháp tốt để đối phó với cơn bão giá lương thực thực phẩm trong năm 2011. Người ta vừa có thể giảm cân vừa tiết kiệm được tiền, nhưng cũng có thể là do người ta vẫn phải trả số tiền bằng năm 2010, nhưng sẽ mua được ít lương thực hơn. Việc giá cả lương thực thực phẩm tăng cao có thể khiến người tiêu dùng phải lựa chọn việc mua lương thực một cách thận trọng hơn.

Thanh Hoa (P/v TTXVN tại Canađa)