04:13 24/04/2017

Lợi dụng kẽ hở chính sách để hợp thức hóa hàng nhập lậu

Theo lực lượng quản lý thị trường một số tỉnh, địa phương, có tình trạng một số hộ kinh doanh, cá nhân đã lợi dụng kẽ hở chính sách tài chính để xuất hóa đơn bán hàng mà không cần phải hóa đơn đầu vào nhằm hợp thức hóa hàng nhập lậu.

Cụ thể: Quyết định số 169/2000/QĐ-BTC ngày 25/10/2009 và Quyết định số 131/2002/QĐ-BTC ngày 18/10/2002 của Bộ Tài chính quy định chế độ kế toán với hộ kinh doanh thì hộ kinh doanh có sử dụng hóa đơn chỉ cần mở sổ nhật ký bán hàng - mua hàng; sổ nhật ký mua hàng ghi không rõ ràng, mua hàng hóa trôi nổi trên thị trường, không phải hàng mua cư dân biên giới (xuất hóa bán hàng qua điện thoại), sau đó xuất hóa đơn bán hàng mà không cần phải hóa đơn đầu vào.

Trước tình hình đó, đại diện cơ quan quản lý tại địa phương đã đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, sửa đổi Quyết định trên theo hướng đối với sổ nhật ký mua hàng phải thể hiện họ tên, địa chỉ người bán hàng, tên, chủng loại hàng hóa cụ thể. Riêng hàng hóa nhập khẩu khi mua về kinh doanh phải có đầy đủ hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.

Theo Chánh Văn phòng Thường trực (VPTT) Ban chỉ đạo (BCĐ) 389 Quốc gia Đàm Thanh Thế, qua công tác nắm tình hình về hoạt động chống buôn lậu khu vực biên giới phía Bắc, VPTT BCĐ 389 Quốc gia nhận thấy hiện có một số tổ chức, cá nhân đã lợi dụng hóa đơn bán hàng để hợp thức hóa cho hàng hóa nhập lậu từ biên giới vận chuyển vào nội địa tiêu thụ gây nhiều khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý đối với hành vi này.

Đại diện Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Quảng Ninh cho biết: Các đối tượng thường lợi dụng xé lẻ hàng hóa, khoán vận chuyển theo từng cung đoạn, chôn hàng trong các hầm, vách ngăn, sử dụng hệ thống thủy lực điện tử hoặc lợi dụng chế độ hóa đơn chứng từ của hộ kinh doanh, các đối tượng mua hóa đơn hợp thức hóa hàng nhập lậu gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xác minh nguồn gốc hàng hóa.

“ Thời gian qua, tình hình gian lận thương mại vẫn khá phổ biến, gây thất thu cho ngân sách nhà nước và khó khăn cho công tác quản lý nhà nước. Hạn chế về công tác đấu tranh, xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng chế độ hóa đơn bán hàng, hóa đơn giá trị gia tăng với việc ghi về giá, chủng loại, đơn vị tính hàng hóa trên hóa đơn bất hợp lý để hợp thức hóa hàng lậu. Đồng thời, kiến nghị cần có hướng dẫn, rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó chú trọng các quy định về chế độ hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường; chế độ kế toán hộ kinh doanh… theo hướng thống nhất, chặt chẽ hơn, tạo điều kiện cho phát triển sản xuất kinh doanh nhưng phải đảm bảo phòng, chống buôn lậu có hiệu quả”, lãnh đạo Chi cục QLTT tỉnh Lạng Sơn nói.

Trong năm 2016, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Ban Chỉ đạo 389 và Chi cục thuế huyện Hải Hà về việc xử lý dứt điểm tình trạng mua bán hóa đơn để hợp thức hóa hàng nhập lậu. Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã chỉ đạo Đội Quản lý thị trường số 8 thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, xác minh làm rõ một số hộ kinh doanh trên địa bàn xuất hóa đơn chứng từ với số lượng lớn hàng nhập khẩu (bất thường), có dấu hiệu xuất hóa đơn hợp thức hóa hàng nhập lậu.

 Qua kiểm tra, xác minh các đối tượng bán hàng hóa cho hộ kinh doanh (Hải Hà) kê khai trên sổ nhật ký mua hàng, không có trường hợp nào đúng như kê khai. Mặt khác, trị giá hàng hóa ghi trên hóa đơn thấp hơn nhiều so với giá trên thị trường (trung bình chỉ bằng 1/5); có dấu hiệu kê khống các đối tượng bán hàng để hoàn thiện chế độ kế toán và lập hóa đơn khống, bán hóa đơn cho các đối tượng vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu để hưởng chênh lệch với số thuế phải nộp trên hóa đơn; ghi trị giá hàng hóa trên hóa đơn thấp nhằm giảm số thuế nội địa phải nộp...

Minh Phương (Theo Văn phòng Thường trực BCĐ 389 Quốc gia)