09:09 16/09/2017

Lời đe dọa từ Hàn Quốc ám sát ông Kim Jong-un chân thực đến đâu?

Thông tin rằng sau vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của CHDCND Triều Tiên ngày 3/9, chính phủ Hàn Quốc đã ủng hộ kế hoạch thành lập lực lượng đặc nhiệm ám sát ông Kim Jong-un được coi là dấu hiệu cho thấy thay đổi mạnh mẽ trong chính sách ngoại giao của Seoul.

Ngày 12/9, tờ New York Times (Mỹ) đưa tin Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young-moo đã công khai về đơn vị “cắt ngọn” nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Theo đó, phát biểu trước các nghị sĩ, ông Song Young-moo khẳng định đơn vị này dự kiến được thành lập vào cuối năm nay với 1.500 đến 3.000 binh sĩ. Bộ trưởng Song Young-moo còn đánh giá đơn vị “cắt ngọn” sẽ khiến nhà lãnh đạo Triều Tiên khiếp sợ.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Reuters

Công chúng đã tỏ ra vô cùng băn khoăn bởi ông Moon Jae-in, được bầu làm Tổng thống Hàn Quốc trong tháng 5, có cương lĩnh mềm mỏng và tăng cường đối thoại với Triều Tiên. Vào tháng 7 vừa qua, tại Berlin (Đức), Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tự tin về việc tránh gây sụp đổ chính quyền Triều Tiên và tạo hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên.

Theo BBC (Anh), ông Moon Jae-in có nhiều lo lắng về việc Tổng thống Mỹ tỏ ra cứng rắn với "lửa cháy và thịnh nộ" khiến Triều Tiên không chịu để yên và rồi Bình Nhưỡng phóng tên lửa, thử bom nhiệt hạch, đe dọa tấn công đảo Guam.

BBC còn nhận định những hoạt động đáng ngờ gần đây tại bãi thử Punggye-ri nhiều khả năng cho thấy Triều Tiên đang chuẩn bị cho cuộc thử hạt nhân lần thứ 7.

Do vậy, đánh giá được đưa ra là Hàn Quốc đang lựa chọn đe dọa tính mạng của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un để khiến Bình Nhưỡng ngừng thử hạt nhân và tham gia vào đối thoại mang tính xây dựng. Tuy nhiên điều này lại được đánh giá là chiến thuật rủi ro cao với ít cơ hội thành công.

Một thành viên của lực lượng đặc nhiệm Hàn Quốc. Ảnh: Telegraph

Đã từ rất lâu, các lãnh đạo của Triều Tiên thường rất nghiêm túc với nguy cơ trở thành mục tiêu bị trừ khử. Đơn cử, tháng 3/1993, ở thời điểm căng thẳng Mỹ- Triều Tiên dâng cao, ông Kim Jong-il, cha của nhà lãnh đạo đương nhiệm Kim Jong-un, đã dành hầu hết thời gian sống trong một boong ke, trong khi công bố Bình Nhưỡng rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Triều Tiên được đánh giá có lịch sử sáng tạo thích nghi với áp lực quốc tế. Nỗi sợ bị thủ tiêu đã ám ảnh các lãnh đạo Triều Tiên. Do vậy những biện pháp như phương tiện giao thông giả và bảo vệ nghiêm ngặt khi xuất hiện trước công chúng đảm bảo giảm thiểu rủi ro cho các nhà lãnh đạo Triều Tiên trong viễn cảnh xảy ra tấn công bất ngờ.

Vào tháng 5 vừa qua, Bình Nhưỡng đã cáo buộc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) âm mưu hối lộ một công dân Triều Tiên tiến hành tấn công hóa học vào ông Kim Jong-un. Rất khó để xác minh các tuyên bố của Triều Tiên, nhưng có thể hiểu đơn giản đây là cách tuyên truyền của Bình Nhưỡng để kéo chú ý khỏi vụ việc công dân nước này Kim Chol, được cho là ông Kim Jong-nam, anh trai cùng cha khác mẹ với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, bị sát hại bằng chất độc thần kinh trong tháng 2 tại Malaysia.

Đối với nỗi sợ và cảnh giác từ các nhà lãnh đạo Triều Tiên, một cuộc tấn công trực tiếp của Hàn Quốc vào ông Kim Jong-un có thể mang nhiều nguy cơ và dẫn đến viễn cảnh tương tự như khi chính quyền Tổng thống thứ 35 John F. Kennedy từng cố ám sát nhà lãnh đạo Cuba Fidel Castro trong năm 1961.

Hàn Quốc do vậy cần vô cùng cẩn trọng. Một nỗ lực ám sát sai lầm có thể dễ dàng khiêu khích Triều Tiên từ các hành động quân sự leo thang thành đối đầu hạt nhân.

Khi đe dọa trực tiếp ông Kim Jong-un, Hàn Quốc sẽ tính đến việc điều này sẽ làm suy yếu ủng hộ chính quyền từ giới tinh hoa chính trị tại Bình Nhưỡng, những người có thể bị thuyết phục để tiến hành đảo chính chống lại ông Kim Jong-un. Nhiều nhân vật cấp cao người Triều Tiên đào tẩu đánh giá rằng tình huống này khó xảy ra.

Từ đó, BBC đánh giá rằng ông Moon Jae-in vẫn muốn khả năng đối thoại với Triều Tiên, như phương thức tập trung vào ngoại giao dưới thời các cựu Tổng thống Hàn Quốc là Kim Dae-jung và Roh Moo-hyun.

Hà Linh/Báo Tin Tức