09:16 28/09/2020

Lời cảnh tỉnh từ làn sóng dịch COVID-19 mới

Kể từ ca tử vong đầu tiên ở thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) ngày 10/1/2020, sau 8 tháng rưỡi, virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô cấp cấp COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 1 triệu người trên toàn thế giới.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Nếu như mốc nửa triệu ca tử vong được ghi nhận vào rạng sáng 28/6, tức là hơn 6 tháng sau khi dịch bùng phát, cùng thời điểm số ca nhiễm vượt 10 triệu, thì chỉ 3 tháng sau, thêm nửa triệu bệnh nhân đã ra đi trong làn sóng lây nhiễm thứ hai. Và đại dịch COVID-19 vẫn chưa có dấu hiệu suy yếu khi số ca nhiễm tiếp tục gia tăng, trên toàn cầu đã là hơn 33,3 triệu. Giới chuyên gia cảnh báo nếu thế giới không chung tay hành động và tuân thủ nghiêm những biện pháp phòng dịch đơn giản nhất, thì con số 2 triệu ca tử vong có thể đến rất nhanh.

Tính đến sáng 28/9, khu vực Bắc Mỹ ghi nhận số ca tử vong cao nhất, với 307.674 ca, trong đó riêng Mỹ hơn 200.000 ca. Nam Mỹ đứng thứ hai với 248.752 ca, riêng Brazil ghi nhận 141.776 ca. Châu Âu đứng thứ ba với 220.285 ca, trong đó gần 42.000 ca ở Anh. Con số tương ứng của châu Á là 189.527 ca với Ấn Độ là nước có số ca tử vong cao nhất (95.574 ca). Tại châu Phi, Nam Phi ghi nhận 16.398 ca tử vong, chiếm gần một nửa số ca tử vong của cả châu lục (35.215 ca). Châu Đại Dương ghi nhận 875 ca tử vong, phần lớn ở Australia.

Trên quy mô toàn cầu, tỷ lệ tử vong hiện là 128,6 ca trên 1 triệu dân. Xét theo tiêu chí này, Cộng hòa San Marino (một trong những nước nhỏ nhất trên thế giới, nằm hoàn toàn trong lãnh thổ Italy) là nơi có tỷ lệ tử vong cao nhất, hiện ở mức 1.237 ca trên 1 triệu dân. Đứng thứ hai là Peru với 975 ca trên 1 triệu dân, thứ ba là Bỉ với 860 ca.

Tại các “điểm nóng” khác, Mỹ - nước có số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới (hơn 7,3 triệu ca) - đứng thứ 10 với 632 ca tử vong. Ấn Độ - nước có số ca nhiễm cao thứ hai thế giới (hơn 6 triệu ca) – đứng thứ 78 trong danh sách theo tỷ lệ tử vong. Hiện tỷ lệ này ở Ấn Độ là 69 ca tử vong trên 1 triệu dân. Brazil, nơi ghi nhận số ca tử vong cao thứ hai thế giới, đứng thứ bảy về tỷ lệ tử vong với 666 ca trên 1 triệu dân. Anh là nước có số ca tử vong cao nhất châu Âu, song về tỷ lệ tử vong đứng thứ 11 thế giới, với 618 ca trên 1 triệu dân. Còn Nga, nơi có số ca nhiễm cao nhất châu Âu, chỉ ghi nhận tử lệ ở vong ở mức 54 thế giới với 139 ca trên 1 triệu dân.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Promachonas, Hy Lạp. Ảnh: AFP/TTXVN

Nếu xét theo khu vực, tại Bắc Mỹ, các nước có tỷ lệ tử vong cao nhất gồm Mỹ, Mexico, Panama… Tại Nam Mỹ có thể nhắc tới những cái tên như Peru, Bolivia, Brazil, Chile, Ecuador. Tại châu Âu, ngoài San Marino và Bỉ đứng đầu thế giới, các nước tiếp theo trong danh sách là Andorra, Tây Ban Nha, Anh, Italy, Thụy Điển… Ở châu Á, đứng đầu về tỷ lệ tử vong là Armenia (321 ca trên 1 triệu dân), Iran (304 ca), Iraq (222 ca), Oman (177 ca). Riêng tại Đông Nam Á, tỷ lệ này ở Philippines là 49, Indonesia là 38, Singapore là 5… của Việt Nam là 0,4 trong khi Campuchia, Lào và Timor-Leste không ghi nhận ca tử vong nào.

Những con số trên đã phần nào phác họa bức tranh toàn cảnh về tình trạng nhiễm bệnh và tử vong vì COVID-19 trên toàn thế giới, mặc dù theo nhiều chuyên gia là chưa đầy đủ vì nhiều khu vực chưa có điều kiện thống kê chính xác. Virus SARS-CoV-2 gây tử vong cao nhất ở châu Âu và Nam Mỹ. Khu vực Nam Mỹ có tới 5 quốc gia nằm trong top 10 nước có tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới, trong khi châu Âu có 4 nước. Tại châu Á, ngoại trừ Iran và Iraq, đa số các nước có tỷ lệ tử vong không cao.

So sánh với tình hình trong làn sóng lây nhiễm thứ nhất, khi đó tỷ lệ tử vong ở Anh cao nhất trong số các quốc gia chịu tác động nặng nề. Số liệu chính thức từ Văn phòng Thống kê quốc gia (ONS) Anh cho thấy kể từ ngày 14 - 20/3, số ca tử vong tại Anh cao hơn gần 60.000 ca so với thông thường. Từ đó, báo The Financial Times thực hiện một phân tích, dựa vào dữ liệu từ 19 quốc gia, cho thấy virus SARS-CoV-2 đã trực tiếp hoặc gián tiếp cướp đi sinh mạng của 891 người/1 triệu người dân tại Anh. Đây là tỷ lệ cao nhất trong số các quốc gia có trong phân tích, cao hơn cả những nước cũng chịu tác động mạnh của dịch bệnh trong đợt dịch đầu tiên như Mỹ, Italy, Tây Ban Nha và Bỉ.

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại thành phố Khan Younis, Dải Gaza. Ảnh: THX/TTXVN

Dù khiến hơn 1 triệu người thiệt mạng, nhưng virus SARS-CoV-2 vẫn còn nhiều ẩn số. Một phát hiện đến nay vẫn chưa có lời giải thích chính xác, là virus SARS-CoV-2 chủ yếu gây ra các ca bệnh và trường hợp nặng ở người lớn, trong khi trẻ em nếu mắc thường không bị nặng và ít tử vong. Theo các số liệu thống kê, đối tượng tử vong chiếm phần lớn là những người cao tuổi và người có bệnh lý nền. Khoảng 75% số ca tử vong ở Mỹ là bệnh nhân mắc ít nhất một bệnh lý nền như lao phổi, hen suyễn, béo phì hay các bệnh về tim mạch hoặc hệ thần kinh, trong khi số ca tử vong ở người dưới 21 tuổi chỉ chiếm 0,08% tổng số ca tử vong trên cả nước. 

Một điểm đáng chú ý trong làn sóng lây nhiễm thứ hai là tỷ lệ người trẻ (bao gồm cả thanh niên và trẻ nhỏ) nhiễm bệnh tăng cao. Tại Mỹ, từ ngày 27/8 -10/9, ghi nhận thêm gần 73.000 ca mắc ở trẻ em, nâng tổng số trường hợp này lên 549.432 ca, chiếm 10% tổng số ca bệnh trên toàn nước Mỹ. Tỷ lệ mắc COVID-19 hiện là 729 ca trên 100.000 trẻ em. Những con số trên cho thấy người trẻ ngày càng dễ nhiễm bệnh hơn và có thể lây bệnh cho người cao tuổi – vốn là đối tượng có nhiều bệnh lý nền nên dễ mắc bệnh nặng hơn.

Những con số ảm đạm về số ca nhiễm và tử vong đã phần nào giúp cộng đồng quốc tế ý thức hơn về vai trò của việc chung tay chống dịch. Nhiều nhà lãnh đạo đã liên tiếp kêu gọi hợp tác, chống chủ nghĩa dân tộc vaccine, nhiều nước cũng đã cung cấp các hỗ trợ vật chất phòng dịch trực tiếp tới những “điểm nóng” của dịch, như viện trợ khẩu trang và vật tư thiết bị y tế.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế làm nhiệm vụ tại một điểm xét nghiệm COVID-19 ở British Columbia, Canada. Ảnh: THX/TTXVN

Sáng kiến vaccine toàn cầu mang tên COVAX ra đời nhằm đẩy mạnh tiến trình cung cấp vaccine phòng COVID-19 cho người dân thuộc đối tượng cần thiết nhất trên toàn thế giới. Đây là dự án đa phương do WHO, Liên minh Vaccine (Gavi) và Liên minh Đổi mới sẵn sàng ứng phó đại dịch (CEPI) khởi xướng và điều hành, hiện đã thu hút sự tham gia đóng góp của hơn 155 quốc gia trên thế giới. Cơ chế này có nhiệm vụ tiếp nhận các nguồn lực tài chính và khoa học từ khắp nơi trên thế giới, qua đó giúp phân phối nhanh nhất vaccine ngừa COVID-19 đã được cấp phép tới những khu vực đang bị đe dọa nghiêm trọng nhất bởi đại dịch, hướng tới chấm dứt giai đoạn phức tạp nhất của dịch vào cuối năm 2021.  Một trong những mục tiêu then chốt của COVAX là phân phối 2 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 an toàn và hiệu quả vào năm 2021. EU và 14 quốc gia, trong đó có Hàn Quốc, Australia, Canada, Singapore, Thụy Sĩ… cũng đã thành lập một nhóm cố vấn "Những người bạn" nhằm tạo thuận lợi cho việc triển khai COVAX như một nền tảng đa phương.

Bên cạnh đó, WHO cũng đã thành lập Hội đồng Điều phối của chương trình hợp tác toàn cầu “Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với COVID-19” (ACT-A), với 34 thành viên gồm một số tổ chức quốc tế và một số quốc gia, trong đó có Việt Nam với tư cách Chủ tịch Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Hội đồng Điều phối ACT-A thúc đẩy hợp tác quốc tế trên cơ sở kinh tế và điều kiện đầu tư để tài trợ đầy đủ cho chương trình ACT-A, huy động sự lãnh đạo chính trị và sự ủng hộ của quốc tế, tích cực vận động thêm các nguồn lực cần thiết, giám sát các nguồn lực và tiến triển phục vụ cho việc phát triển nhanh chóng, phân phối một cách công bằng vaccine và các công nghệ y tế chống COVID-19, phương pháp điều trị và chẩn đoán COVID-19 cho tất cả hệ thống y tế ở các nước. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đang kêu gọi cộng đồng quốc tế đóng góp thêm 35 tỷ USD cho chương trình ACT-A, trong đó 15 tỷ USD cần được giải ngân trong 3 tháng tới.

Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định một hay nhiều loại vaccine cũng chưa chắc sẽ ngăn chặn được đại dịch nếu cộng đồng quốc tế không biết cách bảo vệ những người cao tuổi nói chung và những người dễ bị tổn thương ở những nước nghèo có điều kiện khám chữa bệnh chưa đảm bảo. Giám đốc phụ trách các chương trình khẩn cấp của WHO Michael Ryan nhận định trong bối cảnh các nước phải chọn nới lỏng dần các hạn chế để khôi phục nền kinh tế, chỉ có duy trì và tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa, thế giới mới có thể tránh được kịch bản tồi tệ: số ca nhiễm tăng đột biến dẫn tới số ca tử vong có thể tăng lên 2 triệu.

Chú thích ảnh
Nhân viên làm việc tại dây chuyền sản xuất vaccine ngừa COVID-19 của công ty dược phẩm Sanofi ở Val-de-Reuil, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

Cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh nhiều nước, đặc biệt tại châu Âu, đã ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng vọt trong làn sóng dịch mới. Con số này tại Pháp lần đầu tiên đã vượt quá 16.000 ca/ngày, ở Anh là gần 7.000 ca/ngày, mức cao nhất từ trước tới nay. Trong khi đó, khu vực Đông Âu nổi lên như một điểm nóng mới khi giới chức Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo sự gia tăng “đáng báo động” số ca tử vong và số ca mắc bệnh phải nhập viện tại các quốc gia như Bulgaria, CH Séc và Romania. Số ca nhiễm mới tại Ba Lan cũng đã tăng gấp đôi từ 700 ca vào ngày 22/9 lên hơn 1.500 ca ngày 25/9.

Hiện Ấn Độ vẫn là quốc gia ghi nhận mức lây nhiễm cao nhất thế giới, liên tục 80.000 đến 90.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, và số ca tử vong trung bình khoảng 1.000 ca. Tới sáng 28/9. Ấn Độ thông báo tổng số bệnh nhân COVID-19 tại quốc gia đông dân thứ hai thế giới này đã lên tới hơn 6 triệu người, số ca tử vong cũng đang tiệm cận con số 100.000.

Mốc 1 triệu người tử vong do COVID-19 là con số đáng báo động, nhưng đáng lo ngại hơn nữa khi con số 2 triệu sẽ đến rất nhanh nếu cộng đồng quốc tế, nhất là giới trẻ, không thay đổi cách hành xử chống dịch của bản thân. Trên thực tế, khi nhiều nước nới lỏng phong tỏa sau làn sóng dịch thứ nhất, tốc độ lây nhiễm đã tăng nhanh trở lại do các cuộc gặp gỡ, tụ tập, du lịch… của giới trẻ “bùng nổ” sau nhiều tháng bị kìm chân trong nhà. Trong khi đó, nhiều người không tuân thủ đúng các biện pháp phòng dịch cơ bản như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay và đảm bảo giãn cách xã hội nơi đông người.

Hậu quả khôn lường là một làn sóng thứ hai bùng phát chỉ khoảng 3 tháng sau làn sóng thứ nhất và gây tỷ lệ tử vong cao hơn nhiều. Bởi vậy mà hành động chung tay chống dịch đồng nghĩa với trách nhiệm của mỗi cá nhân thực hiện những biện pháp ngăn ngừa virus SARS-CoV-2 lây lan, trước hết là tự bảo vệ mình, từ đó bảo vệ cộng đồng và xã hội.

Bạch Dương (TTXVN)