06:10 12/06/2011

Lối bình yên

Đêm bị đánh thức đột ngột bởi tiếng cửa sập mạnh, tiếng guốc gõ chát chúa vào cầu thang gỗ, giọng hát lè nhè. Một lát sau, sự tĩnh lặng đã trở lại, tiếng khóc lại vang lên...

Đêm bị đánh thức đột ngột bởi tiếng cửa sập mạnh, tiếng guốc gõ chát chúa vào cầu thang gỗ, giọng hát lè nhè. Một lát sau, sự tĩnh lặng đã trở lại, tiếng khóc lại vang lên, thêm cả kể lể gì đó nghe oan ức lắm. Cơn say khiến chị không thể kìm lòng nữa. Vậy mà tôi cứ nghĩ chị thì có bao giờ phải khóc. Lúc nào chị cũng cười, nói, trêu chọc và biến tất cả mọi việc thành tếu táo. Hai mươi ba tuổi, bươn chải và nuôi con một mình nhưng chị vẫn tự hào bảo:

- Đấy là mốt singer mom (bà mẹ đơn thân) thời hiện đại.

Chị có vẻ đẹp phóng túng, trễ nải, nhưng vẫn đằm thắm của người đàn bà từng trải. Gặp tôi, chẳng hiểu sao chị lại có cảm tình và sự tin tưởng ngay từ cái nhìn đầu tiên. Có lẽ vì cái mặt tôi ngố quá, và hơi ngờ ngệch đậm chất nhà quê. Ban đầu, tôi nhận làm người giúp việc bán thời gian, đưa đón thằng bé con trai chị đi học. Sau đó, chị nhận tôi làm thêm buổi tối tại quán cà phê của chị. Thằng bé con chị quý mến tôi nên chị rất hài lòng. Tôi được chị cho ở lại một căn phòng xép nhỏ nhưng sạch sẽ, với chiếc tủ cá nhân. Như thế đã may mắn lắm vì tôi có chốn dung thân mà chẳng phải trả tiền. Tôi cảm thấy mình mang ơn chị. Chị gạt đi:

- Chị giúp em, em giúp chị. Cả hai ta cùng có lợi đấy chứ có gì mà ơn với huệ.

Trẻ, đẹp lại là bà chủ có cái miệng ngọt như kẹo nên quán chị khá đông khách. Có nhiều người theo đuổi chị, họ đến quán để uống nước thì ít mà tán tỉnh thì nhiều. Tối nào chị cũng hẹn hò với một ai đó nhưng chưa khi nào chị đưa đàn ông về nhà.

Tôi không biết ba cu Lâm là ai, chỉ đôi ba lần nghe chị loáng thoáng nhắc tới tình yêu đầu đời của mình. Hiếm có người đàn bà nào khi nói về người đàn ông phụ bạc mình lại giữ được cái giọng nhẹ nhàng như thế, không có chút gì là oán hận hay căm hờn. Tôi hỏi, chị cười nhạt:

- Sao lại phải hận? Chị đã yêu anh ấy rất chân thành. Anh ấy không mang đến hạnh phúc cả đời nhưng đã khiến chị có những ngày vui vẻ thực sự.

Minh họa: Trần Thắng

Giá tôi đủ dũng cảm để yêu như chị. Tôi ghìm mình trước những yêu đương và đợi chờ một cuộc hôn nhân do cha mẹ sắp đặt. Tôi đã từng rất ganh tị với chị, chỉ hơn tôi hai tuổi, nhưng chị có tất cả mọi thứ mà tôi từng mơ ước: Sự giàu có, nhan sắc. Chị xuất thân từ thành phần gia đình cơ bản, cha mẹ đều là viên chức nhà nước. Chị cũng khá sắc sảo và thông minh, nếu phấn đấu có thể trở thành giáo viên, bác sĩ, hay một nhà ngoại giao. Nhưng chị chọn tình yêu làm điểm kết thúc cho con đường đang trải sẵn hoa hồng của mình. Tôi vốn gét cay ghét đắng những đứa trẻ con nhà giàu lười học. Họ được cung phụng đầy đủ, chỉ việc học mà chẳng đến nơi đến chốn. Con nông dân như tôi phải dậy từ tờ mờ sáng để tưới rau khi sương đêm còn đọng đẫm trên cỏ thấm vào mười đầu ngón chân nhói buốt. Thế mà vẫn lao đầu vào học, bởi đó là cách duy nhất thoát khỏi cái nghèo và bùn đồng...

Đang miên man nghĩ, tôi giật mình vì tiếng đổ vỡ, chạy sang, thấy chị đang ngã dưới sàn, hai tay ôm ngực ọe lấy ọe để. Lần đầu tiên tôi thấy chị say:

Tôi vỗ nhè nhẹ vào lưng chị:

- Sao hôm nay chị uống nhiều thế?

Chỉ ngửng lên nhìn bằng đôi mắt đen đẫm nước, rồi bỗng nhiên chị ôm lấy tôi mà khóc.

- Hắn bảo hắn không đủ dũng cảm để cưới chị vì sợ điều tiếng trai tơ lấy gái nạ dòng. Khốn nạn, trai tơ gì chứ, hắn đã gần 40 tuổi rồi. Sao trẻ thế này mà chị đã thánh gái nạ dòng hả em?

Thằng bé con thấy ồn quá ôm gối chạy sang, vừa dụi mắt vừa hỏi:

- Sao mẹ con khóc nhè hả dì Lục?

Tôi đỡ chị nằm nghỉ rồi kéo thằng bé ra ngoài:

- Mẹ con đang ốm. Để dì kể chuyện cho Lâm ngủ nhé.

Tôi chợt nhận ra hình như chị chưa thoát khỏi nỗi đau số phận. Chị cười nhiều đâu có nghĩa là đang hạnh phúc, có lẽ trong đó có cả những nụ cười kháy chính mình.

Sau trận say, chị cười nhiều hơn, chăm làm đẹp hơn. Chị coi tôi như đứa em gái thân thiết. Chị bảo:

- Lấy bằng đại học xong về đây làm quản lí quán cho chị nhé!

- Nhưng em học quản lí văn hóa cơ chị ạ!

- Ôi dào, quản lí quán cà phê với quản lí văn hóa thì khác nhau là mấy. Cùng là quản lí cả… Bây giờ có mấy người ra trường làm được đúng nghề đâu.

Tôi bỗng thấy tiêng tiếc bốn năm học của mình. Nhưng tấm bằng đó không đủ để giúp tôi bám trụ lại thành phố với đúng ngành đã học. Cuối cùng, tôi lại sống bằng cái nghề phục vụ ở quán cà phê của chị - công việc mà cuộc sống mưu sinh đã dạy tôi. Cho dù chị có giữ, tôi cũng không dám ở lại đây. Tay trắng lại thân cô thế cô, tôi sẽ bám trụ vào ai để mưu sinh những ngày tháng dài sau này. Tôi cũng không thể làm mãi ở quán cà phê này, lại chẳng đủ can đảm để bươn chải như chị. Đối với bản thân mình, tôi sẵn sàng đánh đổi những điều mình mơ ước chỉ để đổi lấy một cuộc sống không sóng gió.

Mẹ gọi điện thông báo tôi đã được nhận vào thử việc ở phòng văn hóa huyện. Tôi ngán ngẩm nghĩ đến nơi có lẽ mình sẽ gắn bó cả đời. Gọi là phòng văn hóa huyện nhưng thực chất là căn nhà cũ, gồm ba phòng nhỏ: một là của trưởng phòng, một phòng phát thanh và một phòng hành chính. Đồ dùng được giản tiện tối đa, bàn ghế đã cũ và cái loa đều đều mỗi chiều dai dẳng bản tin về tình hình nông nghiệp, tình hình hoạt động trong huyện, giọng ru ngủ chậm rãi. Nếu về phòng văn hóa huyện, tôi sẽ được người trong làng gán cho cái danh quan huyện, dẫu bà quan ấy chỉ ngồi ghế gỗ mọt gặm nham nhở. Chừng ấy cũng vẫn sẽ khiến tôi cố tự hài lòng với bản thân mình vì điều đó làm cha mẹ tôi mát mặt lắm rồi, cả dòng họ đã có ai làm đến huyện đâu. Mẹ bóng gió đã có vài đám đến xin làm thân.

Ngày tôi về quê, chị hỏi một câu:

- Không dám ở lại đây hả em? Có gì mà sợ, nếu mình sợ, cuộc sống sẽ chà đạp lên mình, vậy thì phải can đảm ngoi lên mà sống chứ!

Và, chị lại cười – giọng cười không được tự nhiên lắm. Tôi thấy họng mình chát lại.

Bé Lâm cứ níu lấy chân tôi giãy nảy:

- Dì Lục ở lại với con đi!

Chị cúi xuống dỗ con rồi dúi cho tôi túi quà:

- Thỉnh thoảng rảnh rỗi ra đây chơi với mẹ con chị nhé !

Tôi gật đầu lặng lẽ.

Tôi về cái xứ núi của mình, biết rằng cuộc sống phía trước rất bình yên, đều đều nhàn nhạt như tầng mây mỏng sáng nào cũng phủ mờ đỉnh núi. Có lẽ tôi không đủ dũng cảm để làm điều gì đó dữ dội thay đổi hoàn toàn cuộc sống như chị Phượng. Giá tôi cười được như chị, sống hết mình, vui vẻ để rồi có những lúc dám say và khóc với những mảnh tình cảm rạch ròi, không lẫn vào đâu cả.

Tuổi trẻ đầy ước mơ và hăm hở của tôi rồi cũng chẳng đi đến đâu khi về phố núi. Chị Phượng sẽ còn những cơn say, bởi chị vẫn cô đơn.

Tôi tự an ủi mình: - Ừ, thì mình chưa là gì nhưng cũng hơn khối người…

Ngước mắt lên, con đường về quê sao dài thế…

Hải Trang
(Hà Nội)