03:06 02/03/2017

Loay hoay chống xây dựng trái phép ở bãi giữa sông Hồng

Khu vực bãi giữa sông Hồng thuộc địa giới hành chính của các quận Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Long Biên. Nhiều năm nay, tình trạng lấn chiếm đất, xây dựng trái phép tại khu vực này diễn ra vô cùng phức tạp, gây mất an toàn đê điều.

Lực lượng chức năng phường Tứ Liên lập biên bản, chuẩn bị cưỡng chế một công trình sai phép tại khu vực bãi giữa sông Hồng.

Mặc dù, thành phố Hà Nội đã yêu cầu chính quyền địa phương và các ngành chức năng quyết liệt xử lý nhưng vi phạm vẫn tái diễn. Đã đến lúc Hà Nội cần có giải pháp cưỡng chế quyết liệt hơn nữa và quy hoạch hợp lý tại khu vực này để đảm bảo không gian thoát lũ khu vực bãi giữa sông Hồng, ổn định đời sống dân sinh.

Vi phạm nhức nhối, xử lý như "đánh trống bỏ dùi"

Nhiều năm nay sông Hồng không xảy ra lũ lớn. Khu vực bãi giữa có cốt cao không bị ngập lụt. Các lạch cạn ven bờ có xu thế bồi khiến việc quản lý, khai thác, sử dụng khu vực bãi giữa sông Hồng bị xao nhãng.

Theo báo cáo của Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội, khu vực này địa bàn giáp ranh thuộc địa giới quản lý của nhiều phường bao gồm: Tứ Liên, Yên Phụ (Tây Hồ); Phúc Xá (Ba Đình); Phúc Tân, Chương Dương (Hoàn Kiếm); Ngọc Thụy (Long Biên)...

Việc phân định ranh giới trên thực địa gặp nhiều khó khăn. Công tác quản lý chưa được các địa phương quan tâm dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều, đất đai trật tự xây dựng ngày càng phức tạp và có chiều hướng gia tăng cả về quy mô, tính chất và mức độ.

Nhiều hộ dân tự ý dựng lều lán tạm với kết cấu chủ yếu là nhà khung cột tre, mái lá, vách liếp, diện tích từ 15 - 25 m2. Thậm chí, một số công trình xây dựng kiên cố như nhà cấp 4 bằng gạch, nhà khung thép, mái và vách lợp tôn, cổng sắt, đường bê tông... đã xuất hiện. Tình trạng mua bán đất trái pháp luật cũng được ghi nhận.

Nghiêm trọng hơn, trên tuyến đê Hữu Hồng (dài 7,51km) đoạn qua địa bàn quận Tây Hồ, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng diễn ra tràn lan. Người dân xây nhà cấp bốn kiên cố xen lẫn những thửa ruộng trồng hoa. Có cả những khu đất trong hành lang thoát lũ cũng biến tấu thành khu vui chơi giải trí, nhà hàng dù đây là tuyến đê cấp đặc biệt tương ứng từ K56+140 đến K63+650.

Trước thực trạng này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đã chỉ đạo các địa phương, sở, ngành liên quan tăng cường quản lý, thường xuyên kiểm tra, rà soát, xử lý vi phạm (thanh thải các công trình có tính chất xây dựng và trồng cây lâu năm, đảm bảo không gian thoát lũ sông Hồng) ngay từ khi mới phát sinh; không để đến khi vi phạm phát triển gây khó khăn trong công tác xử lý, giải tỏa; kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm những đối tượng có hành vi mua bán đất trái pháp luật tại khu vực này.

Tuy nhiên, việc xử lý vẫn còn chậm, chỉ như "đánh trống bỏ dùi", xử phạt xong nhưng công trình vẫn tồn tại. Điển hình là hàng loạt công trình xây dựng nhà cấp 4 tại phường Quảng An, Nhật Tân hay Nhà hàng Tre Place thuộc phường Phú Thượng... vẫn kinh doanh, bất chấp vi phạm, gây bức xúc trong dư luận.

Công trình vi phạm sau khi bị cưỡng chế tại khu vực bãi giữa sông Hồng.

Cần có quy hoạch  

Lấn chiếm, giải tỏa, lại tiếp tục vi phạm - điệp khúc này vẫn lặp lại liên tục tại khu vực bãi giữa sông Hồng. Do đó, UBND thành phố vừa ban hành văn bản chỉ đạo, yêu cầu các quận Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Long Biên kiểm tra, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm; đồng thời, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, theo dõi, đôn đốc, tổng hợp việc thực hiện chỉ đạo trên, báo cáo UBND thành phố.

Theo đó, các địa phương đã tăng cường quản lý, thường xuyên kiểm tra, rà soát, xử lý vi phạm ngay từ khi mới phát sinh; ngăn chặn và xử lý nghiêm đối tượng mua bán đất trái pháp luật tại khu vực này.

Ngoài ra, lực lượng công an, thanh tra xây dựng đã khẩn trương phối hợp với UBND các phường liên quan rà soát, lập hồ sơ về đất đai và nhân khẩu sinh sống tại khu vực bãi giữa sông Hồng; tăng cường quản lý hành chính về đất đai và nhân khẩu để đảm bảo an ninh, trật tự khu vực; tuyên truyền các hộ gia đình đang được giao quản lý, canh tác tuân thủ quy định của pháp luật về đê điều, không xây dựng công trình và trồng cây lâu năm trên khu vực bãi giữa.

Tuy nhiên, các công trình vi phạm tồn tại vẫn nhiều, "bịt" chỗ này lại "mọc" chỗ khác khiến công tác xử lý gặp nhiều khó khăn. Theo ý kiến của một số ngành và chính quyền địa phương, UBND thành phố Hà Nội cần sớm có khung pháp lý xử lý mạnh mẽ hơn nữa, cũng như có quy hoạch hợp lý thì tình trạng lấn chiếm bừa bãi khu vực bãi giữa sông Hồng mới có thể đi vào trật tự.

Ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều thành phố Hà Nội cho rằng, đã đến lúc cần có quy hoạch để sử dụng hiệu quả khu đất này, tránh lãng phí.

Đồng quan điểm, đại diện lãnh đạo Ủy ban Nhân dân phường Tứ Liên cũng kỳ vọng về một khung pháp lý rõ ràng, quy hoạch cụ thể để chính quyền có thể xử lý triệt tận gốc; tạo thuận lợi cho chính quyền vận động người dân thực hiện nghiêm quy định pháp luật, không để xảy ra sai phạm mới.

Theo quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18/2/2016, khu vực bãi giữa sông Hồng được xác định là không gian thoát lũ; các hoạt động tại khu vực này phải bảo đảm an toàn, nhất là vào mùa lũ và không ảnh hưởng đến chức năng thoát lũ sông Hồng. Do vậy, việc xây dựng công trình kiên cố như: nhà cấp 4 bằng gạch, nhà khung thép..., trồng cây lâu năm đều vi phạm pháp luật về đê điều và phòng chống thiên tai.

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Quang Hoài khẳng định, những công trình vi phạm sẽ gây cản trở hành lang thoát lũ. Nếu người dân tự ý "bám chốt" ở khu vực bãi giữa mà không theo quy hoạch thì sẽ gây nguy hiểm cho chính mình. Dẹp bỏ vấn nạn này vẫn phụ thuộc vào sự kiên quyết của thành phố Hà Nội.

Bài và ảnh: Nguyễn Thắng (TTXVN)