12:20 17/12/2013

Loay hoay bài toán nhà trẻ cho con công nhân

Gần đây đã xảy ra liên tiếp những vụ trẻ em mầm non bị bảo mẫu bạo hành, khiến dư luận phẫn nộ. Đây là hồi chuông cảnh báo tình trạng thiếu nhà trẻ cho con em công nhân lao động ngoại tỉnh, đặc biệt ở các Khu Công Nghiệp-Khu chế xuất trên địa bàn TP Hồ chí Minh và các tỉnh lân cận.

Gần đây, liên tiếp những vụ trẻ em mầm non bị bảo mẫu hoặc giáo viên mầm non bạo hành, đánh đập khiến dư luận rúng động, phẫn nộ. Clip sáng ngày 17/12 về vụ 'hành xác' các em nhỏ tại một trường mẫu giáo tư nhân tại Quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh càng khiến nhiều người bàng hoàng, xót xa.

Trước đó, chưa đầy một tháng cũng tại Quận Thủ Đức, một công nhân gởi con 18 tháng tuổi cho hàng xóm làm bảo mẫu, cháu bé này cũng bị bảo mẫu bạo hành đến chết. Những điều này là hồi chuông cảnh báo tình trạng thiếu nhà trẻ cho con em công nhân lao động ngoại tỉnh, đặc biệt ở các Khu Công Nghiệp- Khu chế xuất (KCN-KCX) trên địa bàn TP Hồ chí Minh và các tỉnh lân cận Bình Dương, Đồng Nai.


Còn nhiều vướng mắc


Hiện, TP Hồ Chí Minh có 15 KCX-KCN với hơn 270.000 công nhân, trong đó công nhân nữ ngoại tỉnh chiếm khoảng 60% và có khoảng 25.700 con công nhân lao động có nhu cầu đến nhà trẻ. Tuy nhiên, số nhà trẻ đủ tiêu chuẩn để công nhân an tâm gửi con rất ít.

Anh Lê Văn Đạt, Phó Chủ tịch UBND Phường Linh Trung, quận Thủ Đức cho biết, là địa phương tập trung khá đông công nhân lao động do có hai KCX Linh Trung 1 và 2, toàn phường có 60.000 dân nhưng 2/3 trong số đó là người lao động ngoại tỉnh. Vì vậy, nhu cầu gửi trẻ của công nhân rất cao, nhưng số lượng nhà trẻ công lập chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Mặt khác, nếu gửi con vào các trường đủ chuẩn thì lương công nhân không kham nổi cho nên họ đành chấp nhận gửi con tại các nhóm trẻ tư thục, nhóm trẻ tự phát …Những nhóm trẻ tự phát do hai bên tự thỏa thuận với nhau và thường chỉ trông 1-2 em cho nên phường cũng không thể quản lý hết được.

Việc xây dựng nhà trẻ cho con em công nhân tại các KCX-KCN đã có chủ trương nhiều năm qua, nhưng do thiếu quỹ đất, kinh phí…cho nên đa số các dự án vẫn chưa đươc triển khai.

Ông Vũ Văn Hòa, Trưởng ban quản lý KCN-KCX TP (Hepza) cho biết, việc xây dựng trường mầm non cho con công nhân đang vướng mắc nhiều thứ như không có quỹ đất, thiếu kinh phí…. Trước kia, khi hình thành các KCX-KCN thường không dành quỹ đất để xây dựng nhà trẻ cho con em công nhân. Vì vậy, các KCX-KCN hình thành trước đó cũng không có quỹ đất để triển khai. Sau này, trước nhu cầu bức thiết của nhiều công nhân lao động cần có chỗ gửi trẻ, đầu năm 2011, UBND TP cho phép Hepza điều chỉnh một phần diện tích cây xanh tại các KCX-KCN hiện hữu để xây dựng trường mầm non. Tính đến nay, Hepza đã chọn 6 điểm xây dựng nhà trẻ tại KCX Tân Thuận, Linh Trung 1 và 2, KCN Vĩnh Lộc, Tân Tạo, Hiệp Phước.

Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai đến nay TP vẫn chỉ có một nhà trẻ tại KCN Hiệp Phước (Huyện Nhà Bè) được đi vào hoạt động, đáp ứng cho khoảng 130 trẻ. Các dự án còn lại vẫn đang trong giai đoạn triển khai, như trường mầm non trong KCX Tân Thuận đã lập xong dự án, đang trình Sở Xây dựng thẩm định để thi công. 2 nhà trẻ ở KCN Vĩnh Lộc (Quận Bình Tân) và KCX Linh Trung (Quận Thủ Đức) vẫn đang trong giai đoạn lập dự án, nên chưa biết khi nào bắt đầu thi công.

Loay hoay tìm giải pháp


“Hiện nay, nhu cầu gửi trẻ của công nhân rất cao, đặc biệt là dịp Tết công nhân phải tăng ca nhiều, trong khi đó, đa số các nhà trẻ công lập trên địa bàn chỉ nhận trẻ từ 7 giờ sáng tới 17 giờ chiều, còn công nhân phải tăng ca thường xuyên tới 17-20 giờ tối mới về . Do đó, công nhân buộc phải gửi trẻ tại các nhà trẻ tự phát, tư nhân…. Vì vậy, để giải quyết bài toán thiếu nhà trẻ cho con em công nhân thì chính DN nên vào cuộc, bởi công nhân là tạo ra tài sản cho doanh nghiệp, công nhân có chỗ gửi con an toàn thì họ sẽ chú tâm vào công việc, tăng năng suất cho DN. Ngoài ra, cũng nên xây dựng ở trong chính DN để thuận tiện việc đưa đón các bé của người lao động.” anh Đạt cho biết thêm.

Để chia sẻ bớt gánh nặng cho công nhân, có rất nhiều nhà trẻ có “tâm” đã cam kết không tăng giá giữ trẻ tại các khu vực có đông con công nhân.


Tuy nhiên, bà Trần Thị Hồng Vân, chủ tịch công đoàn công ty Nissen Electric VN chia sẻ, kế hoạch xây dựng nhà trẻ cho con em công nhân đã có từ lâu, tuy nhiên công ty vẫn loay hoay chưa biết hoàn thành các thủ tục xây nhà trẻ như thế nào. Ví dụ công ty không đội ngũ giáo viên mầm non như vậy Sở giáo dục có hỗ trợ giáo viên lên lớp hay không, khi xin cấp phéo xây dựng, hoạt động thì hỏi ai bên ban quản lý hepza hỗ trợ hay bên nào…. Mặt khác, gần đây tình hình kinh tế khó khăn ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của DN cho nên kế hoạch xây dựng nhà trẻ cho con em công nhân cũng tạm gác lại.


Được xem là DN đầu tiên đầu tư xây dựng nhà trẻ cho con em công nhân trên địa bàn TP, tuy nhiên cũng do vướng thủ tục mà nhà trẻ tại DN này vẫn chưa thể đi vào hoạt động. Ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam cho biết, công ty có gần 80.000 công nhân, trong đó 80% là nữ. Trước những bức xúc về thiếu nơi giữ trẻ cho CN làm việc, công ty được đầu tư 2 triệu USD xây dựng nhà trẻ để đáp ứng nhu cầu của 2.000 trẻ em là con của CN đang làm việc tại công ty. Trường có 36 phòng, trong đó có 32 phòng học được thiết kế theo quy chuẩn của Bộ Xây dựng. Mặc dù trường đã cơ bản hoàn thành nhưng do vướng thủ tục nên vẫn chưa thể hoạt động, vì đây là DN 100% vốn nước ngoài và trong giấy chứng nhận đầu tư kinh doanh không có chức năng để được hoạt động giáo dục.


Có thể thấy, các dự án xây dựng trường mầm non tại các KCN-KCX càng triển khai chậm trễ sẽ càng ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người lao động, đồng nghĩa chính DN cũng phải thiệt đơn, thiệt kép vì thiếu hụt lao động do không an tâm về chỗ gửi con nhiều lao động nữ đang làm việc tại DN đã nghỉ việc ở nhà trông con.


Một đại diện thuộc ban quản lý Hepza cũng cho biết, vừa qua cũng có nhiều DN cũng bày tỏ sự lo lắng vì tình trạng nữ công nhân làm một thời gian rồi nghỉ để chăm con, nhất là doanh nghiệp chủ yếu sử dụng lao động nữ. Hệ quả là DN mất đi nhiều lao động có tay nghề trong thời điểm khan hiếm lao động như hiện nay, còn gia đình người lao động lại nặng gánh mưu sinh khi mất đi một phần thu nhập. DN cần nhìn nhận lại, chính tầng lớp lao động trên đã đóng góp rất nhiều cho sự phát triển kinh tế của DN đó nên DN cần có trách nhiệm chăm lo đời sống cho người lao động. Ngoài ra, công nhân sinh sống tại địa phương cũng đóng góp cho sự phát triển của địa phương vì thế trách nhiệm chăm lo đời sống cho người lao động cũng cần phải được chính quyền sở tại quan tâm nhiều hơn. Khi xây dựng các trường mầm non cũng cần bố trí giờ học phù hợp với điều kiện làm việc theo ca, tăng ca của công nhân.


Như vậy, xem ra "bài toán" nhà trẻ cho con công nhân tại các KCN-KCX tại TP Hồ Chí Minh xem ra còn mất một thời gian dài nữa mới có thể thực hiện được trong khi nhu cầu gửi trẻ của người lao động hiện nay đang rất bức thiết.


Bài và ảnh: Hoàng Tuyết