08:04 26/08/2018

Loay hoay bài toán chống ngập ở các đô thị lớn - Bài cuối: Sớm đầu tư đồng bộ hệ thống thoát nước

Các dự án thoát nước Hà Nội vẫn chưa khắc phục được tình trạng chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là vướng giải phóng mặt bằng, nguồn lực đầu tư bố trí vốn hạn hẹp, một số dự án BT quỹ đất đối ứng còn khó khăn.

Chú thích ảnh
Ông Vũ Ngọc Anh.

Trước tình trạng ngập lụt sau mỗi trận mưa lớn trên địa bàn thành phố Hà Nội thời gian qua, nhất là tại các khu đô thị phía Tây Hà Nội, phóng viên báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Ngọc Anh, Phó Trưởng Ban Đô thị (HĐND Hà Nội).

Thưa ông, sau đợt giám sát của Ban Đô thị - HĐND Thành phố năm 2017 về tình hình thực hiện quy hoạch hệ thống thoát nước, Thành phố đã khắc phục các hạn chế được nêu trong kết quả giám sát như thế nào?

Triển khai Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, hệ thống thoát nước, các trạm bơm đầu mối, các nhà máy xử lý nước thải chính được thành phố xác định ưu tiên đầu tư trong giai đoạn đến năm 2020, đã có nhiều dự án được triển khai theo quy hoạch phê duyệt với tổng mức đầu tư 34.254 tỷ đồng.

Một tuyến phố trong nội thành Hà Nội bị ngập khi mưa lớn.
Ngập tại một tuyến phố nội thành Hà Nội.

Các dự án thoát nước, xử lý nước thải đã và đang triển khai thi công được đẩy nhanh hoàn thiện theo đúng tiến độ được giao như dự án: Cụm công trình đầu mối Yên Nghĩa (giai đoạn 1), cống hóa kênh mương Lạc Trung, cải tạo thoát nước phố Thanh Đàm, quận Hoàng Mai…

Đối với các dự án đã có chủ trương đầu tư, các đơn vị được giao nhiệm vụ cũng khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư để khởi công như: Cụm công trình đầu mối Liên Mạc (giai đoạn 1); thoát nước phía Tây Nam quận Hà Đông; xây dựng, nâng cấp trạm bơm Phương Trạch, Đông Anh…

Thành phố cũng đã ban hành được Quy định về quản lý hoạt động thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn Thành phố, tại Quyết định số 41/2017/QĐ-UBND ngày 06/12/2017.

Đến nay, hệ thống thoát nước Hà Nội đã đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thoát nước khu vực nội thành thuộc khu vực sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và sông Kim Ngưu với diện tích 77,5km2 (gồm các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai Tây Hồ và một phần các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân) có thể giải quyết được tình trạng úng ngập cho những trận mưa có cường độ 300mm/2ngày. Còn các khu vực khác chưa được đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước như khu vực tả Nhuệ, hữu Nhuệ, khu vực Long Biên, quận Hà Đông, Nam Từ Liêm, một phần Bắc Từ Liêm và các khu vực đô thị mới vẫn còn tình trạng úng ngập cục bộ khi có mưa lớn. Nguyên nhân do tốc độ đô thị hóa nhanh nhưng hệ thống hạ tầng thoát nước chưa được đầu tư đồng bộ theo quy hoạch được phê duyệt.

Nhìn chung các dự án thoát nước vẫn chưa khắc phục được tình trạng chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu xuất phát từ việc giải phóng mặt bằng, nguồn lực đầu tư bố trí vốn để còn hạn hẹp, một số dự án BT quỹ đất đối ứng còn khó khăn…

Trong đợt mưa tháng 7 và tháng 8 vừa qua vẫn còn tình trạng các khu đô thị, nhất là khu đô thị phía tây Hà Nội cứ mưa là ngập. Vậy theo ông, đâu là giải pháp căn cơ?

Thực tế khu vực hữu Nhuệ - quận Hà Đông, một phần khu vực Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm với trục thoát nước chính là sông Nhuệ và sông Đáy vẫn bị ngập khi mưa lớn. Đây là khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh nhưng hệ thống thoát nước chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ hoàn chỉnh, chủ yếu tiêu thoát tự chảy và phụ thuộc vào mạng lưới kênh mương thủy lợi chảy ra Sông Nhuệ, Sông Đáy.

Chú thích ảnh
Đường Kim Ngưu ngập trong đợt mưa vừa qua. Ảnh: Lê Phú

Các điểm ngập lụt xuất hiện khi cường độ mưa từ 50mm đến 100mm/2h tại một số khu đô thị dọc theo các tuyến đường thuộc thị trấn các huyện, các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ, như: Quốc lộ 1A, quốc lộ 70 (Xuân Phương, Tây Mỗ, Đại Mỗ, Hữu Hưng, Tây Tựu, Phú Diễn), quốc lộ 32, quốc lộ 21B, trên đường gom Đại lộ Thăng Long… Đây là những tuyến có hệ thống thoát nước hoạt động kém, chưa đồng bộ, nhiều đoạn đã xuống cấp, một số vị trí chưa có hệ thống thoát nước đô thị nên gây ra tình trạng úng ngập cục bộ.

Về giải pháp giải quyết các điểm úng ngập, trước hết, đối với các hầm chui trên tuyến Đại lộ Thăng Long, thành phố đã Hà Nội đã chỉ đạo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội lắp đặt các trạm bơm trạm công suất phù hợp để chủ động phòng chống ngập lụt đảm bảo an toàn giao thông. Tại các khu đô thị, hiện nay chưa có giải pháp thoát nước triệt để giải quyết úng ngập. Do đó, các chủ đầu tư cần chủ động tăng cường lắp đặt và chủ động vận hành hệ thống bơm hút cưỡng bức để hạn chế tình trạng úng ngập; Về lâu dài, các cụm công trình đầu mối như Yên Nghĩa (trạm bơm 120m3/s và cải tạo hệ thống kênh mương); Liên Mạc (giai đoạn 1 trạm bơm 70m3/s) cần phải sớm được đầu tư; hoàn thiện theo quy hoạch, mực nước sông Nhuệ được kiểm soát theo thiết kế mới có thể giải quyết triệt để tình trạng úng ngập khu vực hữu Nhuệ và quận Hà Đông.

Còn lại, đối với vùng tả Đáy thoát nước chủ yếu bằng bơm cưỡng bức ra Sông Hồng, Sông Nhuệ, Sông Đáy, thành phố Hà Nội sớm đầu tư theo quy hoạch 21 trạm bơm với tổng công xuất 811.500m3/s. Bên cạnh đó, thành phố sớm hoàn thành đưa vào sử dụng đối với 2 trạm bơm với tổng công xuất 101.300m3 /s theo quy hoạch tại vùng hữu Đáy thoát nước bằng tiêu tự chảy kết hợp với bơm tiêu đô thị và thủy lợi ra Sông Tích, Sông Đáy, Sông Bùi bao gồm các lưu vực thoát nước đô thị Sơn Tây, Xuân Mai, Hòa Lạc, Quốc Oai, Phúc Thọ, Chúc Sơn.

Vùng phía Bắc Hà Nội, kết hợp một phần tiêu thoát nước tự chảy với bơm tiêu đô thị và thủy lợi ra sông Hồng, sông Đuống, sông Cà Lồ bao gồm các lưu vực thoát nước đô thị Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn với 16 trạm bơm, tổng công xuất 402.200m3 /s cũng cần được thành phố quan tâm, tập trung nguồn lực đầu tư để có thể khắc phục tình trạng úng ngập mỗi khi có mưa lớn tại khu vực này.

Xin cảm ơn ông!

XM/Báo Tin tức (thực hiện)