06:06 05/06/2014

Loa phường có còn cần thiết?

Chiếc loa phát thanh có còn cần thiết hay không, nên tiếp tục duy trì hay là nên dẹp bỏ loại hình thông tin, tuyên truyền này để đỡ tốn kém tiền của Nhà nước?

Chiếc loa phát thanh có còn cần thiết hay không, nên tiếp tục duy trì hay là nên dẹp bỏ loại hình thông tin, tuyên truyền này để đỡ tốn kém tiền của Nhà nước? “Cần, rất cần và nên để” - đó là khẳng định của ông Vũ Hoài Phương, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Tây Hồ, Hà Nội khi được hỏi về vấn đề này.

 

Cán bộ đài phát thanh đang đọc bản tin.

Ông Phương cho rằng, chiếc loa phường là phương tiện thông tin và tuyên truyền. Đối với chức năng thông tin, đúng là loa phường không thể nhanh nhạy, đầy đủ và sinh động như tivi, Intenet hay báo in. Nhưng ở chức năng tuyên truyền phục vụ chính trị thì các phương tiện thông tin cao hơn lại chưa đủ chi tiết, cụ thể về từng địa phương. Ví dụ, có thể nghe thông tin về phòng, chống dịch bệnh trên đài, nhưng thông tin cụ thể ở một phường, rồi việc đơn vị y tế ở cơ sở muốn cảnh báo cho người dân trong phường và những phường phụ cận phòng tránh thì không thể hiệu quả như qua hệ thống loa phường. Quận Tây Hồ có 5 phường ngoài đê, đến mùa mưa bão, có năm nước dâng cao gây lụt lội, khi đó không một kênh nào của Trung ương hay của thành phố có thể cảnh báo lụt lội cho người dân Tây Hồ tốt hơn hệ thống loa. Thậm chí có năm lụt bão, nhiều nơi cắt điện, đài truyền thanh phường cũng không hoạt động được, phải huy động hệ thống loa cầm tay để đưa thông tin kịp thời nhất đến từng hộ dân, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân. Rồi một loạt các thông tin hữu ích khác như thông báo lịch tiêm chủng, thông báo tiêm phòng dịch cho gia súc, gia cầm. Cao hơn nữa là những sự kiện chính trị như thông báo cử tri đi bỏ phiếu, rồi vận động và đề nghị cộng đồng cùng tham gia tổng vệ sinh làm sạch môi trường văn minh đô thị ở địa phương...


“Tôi cho rằng, với những nhiệm vụ chính trị như hiện nay thì đài truyền thanh cấp phường có thể coi là công cụ, là cánh tay nối dài của các cấp (quận, huyện, thành phố, Trung ương) đến từng địa phương”, ông Vũ Hoài Phương khẳng định. Tuy nhiên, ông Phương cũng đưa ra một thực tế rằng, hiệu quả của những “cánh tay nối dài” này cao hay thấp, lại phụ thuộc rất nhiều vào việc các cơ quan chức năng của địa phương sử dụng công cụ ấy như thế nào. Ông Phương kể, khi đi tiếp xúc cử tri, thấy có nhiều người hỏi, không hiểu sao gần đây không thấy đài phường làm việc, điều này chứng tỏ họ có nhu cầu nghe. Nhưng cũng có nhiều ý kiến phàn nàn rằng gia đình có người ốm, tiếng loa phường rất khó chịu, đề nghị phường can thiệp...


Ông Phương cũng thừa nhận, hệ thống loa phường gây không ít phiền hà cho người nghe, vì nhiều đơn vị đã đưa những thông tin không có giá trị, không ai quan tâm vào những thời điểm không hợp lý.


Quả thực, với gần 600 phường, xã của Hà Nội, không phải phường nào cũng có hệ thống loa tốt và không phải phường nào cũng có giờ phát sóng hợp lý hoặc có những thông tin mà người dân cần nghe.


Chị Tuyết Lan, phụ trách một đài phát thanh phường ở quận Hà Đông cho biết, mỗi ngày đài phát hai buổi, buổi sáng thường từ 6 giờ 40 phút - 7 giờ 15 phút. Buổi chiều từ 16 giờ 25 phút - 17 giờ 5 phút. Hôm nào có việc đột xuất thì tăng buổi, tăng thời lượng hoặc sớm muộn tùy từng vấn đề tuyên truyền. Công việc xoay quanh đọc thông báo cắt điện, cúp nước, giao quân, vệ sinh đô thị, sinh hoạt hè, phát lương hưu, việc tang ma, họp dân phố, quyên góp từ thiện, tiêm chủng thiếu nhi, tiêm phòng chó dại... Có khi là các khuyến cáo về cúm gà, lở mồm long móng gia súc. Rồi các chỉ thị về cấm lấn chiếm lòng đường, tụ tập cờ bạc... Những thông tin đó khá hữu ích đối với người dân, trong khi ông tổ trưởng dân phố không thể đến từng nhà thông báo cắt điện, cắt nước, hay cán bộ y tế không thể đến từng nhà thông báo lịch tiêm chủng được. Có một số vấn đề thì cán bộ chuyên ngành đưa văn bản cho đài đọc; có lúc thì chính chị Lan phải rút từ các báo cáo, tổng kết, văn bản viết thành một bản thông báo, khuyến cáo, tư vấn...


Còn nhớ, năm 2013, báo chí rộ lên chuyện loa phường ở Lệ Chi (Gia Lâm, Hà Nội) phát từ 6 giờ sáng với lý do “đánh thức bà con nông dân ra đồng”, rồi cả trưa cũng không cho bà con nghỉ ngơi khiến nhiều người bức xúc. Rồi chuyện người dân ở phường Phú Thượng (Tây Hồ) phản ánh tình trạng phát thanh viên nói ngọng... Nhưng dù cho có rất nhiều ý kiến, nhiều người khó chịu phản đối, ngày ngày, trên nhiều đường phố Thủ đô những chiếc loa phường vẫn đều đặn phát thanh.


Phương Lan - Tạ Nguyên

 

Bài 3: Nhiều địa phương vẫn cần tiếng loa

1