05:08 19/05/2020

Lộ trình nghỉ hưu thực hiện từ năm 2021 sẽ như thế nào?

Bạn đọc hỏi: Sang năm 2021, tôi sẽ 60 tuổi và lộ trình nghỉ hưu sẽ tính như thế nào trong điều kiện bình thường? Nếu muốn nghỉ sớm cần có điều kiện gì?

Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH và Luật Lao động sửa đổi sẽ có hiệu lực từ 1/1/2021, quy việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu và sẽ áp dụng từ năm 2021.

Chú thích ảnh
Chi trả lương hưu cho các nhóm đối tượng tại phường Đội Cấn.

Để hướng dẫn chi tiết Luật Lao động sửa đổi, hiện Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đang lấy ý kiến góp ý dự thảo mới nhất về Nghị định về quy định tuổi nghỉ hưu và điều kiện hưởng lương hưu, theo quy định của Luật Lao động sửa đổi và sẽ được áp dụng từ ngày 1/1/2021.

Đối tượng áp dụng: Người lao động quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 2 của Bộ Luật Lao động; người sử dụng lao động quy định tại khoản 2 Điều 2 của Bộ Luật Lao động; cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến bảo hiểm xã hội.

Thời điểm nghỉ hưu và thời điểm hưởng lương hưu: Thời điểm nghỉ hưu là kết thúc ngày cuối cùng của tháng sinh của năm đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định; thời điểm hưởng lương hưu là kể từ ngày đầu tiên của tháng liền kề sau tháng nghỉ hưu.

Đáng chú ý, trong dự thảo Nghị định hướng dẫn cụ thể độ tuổi nghỉ hưu của 3 nhóm đối tượng: Nghỉ hưu trong điều kiện bình thường; Nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn và nghỉ hưu ở độ tuổi cao hơn.

Tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường:

Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình, kể từ năm 2021 tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ;.

Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với lao động nữ cho đến đủ 60 tuổi vào năm 2035.

Lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của người lao động quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện theo bảng dưới đây:

Chú thích ảnh

Nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn:

Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định tại Điều 4 của Nghị định này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu thấp hơn của người lao động quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện theo bảng dưới đây:

Chú thích ảnh

Nghỉ hưu ở tuổi cao hơn:

Cán bộ, công chức và những người được bổ nhiệm chức vụ, chức danh quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo dự thảo Nghị định có thể được nghỉ hưu ở tuổi cao hơn và phải đáp ứng các điều kiện sau:

Cơ quan có nhu cầu sử dụng.

Cá nhân có nguyện vọng, đủ sức khỏe làm việc và không đang trong thời gian bị xem xét xử lý kỷ luật, bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc thi hành kỷ luật về đảng, chính quyền.

Cơ quan có thẩm quyền quyết định thời gian nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức quy định tại điểm 1 và điểm 2 của Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Nghị định này.

Cơ quan có thẩm quyền quyết định việc tiếp tục giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong thời gian nghỉ hưu ở tuổi cao hơn quy định tại khoản 3 Điều này.

Trong thời gian thực hiện chính sách nghỉ hưu ở tuổi cao hơn, nếu cán bộ, công chức có nguyện vọng nghỉ làm việc thì được giải quyết chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật, không phụ thuộc vào điều kiện về tuổi hưởng lương hưu tại thời điểm nghỉ hưu.

XC/Báo Tin tức