Chỉ thị số 20/CT-TTg về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký được ban hành ngày 12/7/2025 (Chỉ thị số 20) đang tạo cú hích mạnh cho thị trường ô tô – xe máy Việt Nam. Doanh nghiệp tích cực chuyển hướng sang phương tiện xanh, người dân bắt đầu tìm hiểu xe điện nhiều hơn.
TP Hà Nội hướng tới loại bỏ xe máy chạy xăng. Ảnh: Quang Phong/Báo Tin tức và Dân tộc
Doanh nghiệp hưởng ứng chuyển đổi
Theo Chỉ thị số 20/CT-TTg, từ ngày 1/7/2026 tại khu vực vành đai 1 của Hà Nội sẽ hạn chế lưu thông ô tô, xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch, tiến tới loại bỏ hoàn toàn theo lộ trình trong tương lai. Đây là động thái thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong việc hiện thực hóa cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Chủ trương gửi đi tín hiệu quyết liệt về chuyển đổi xanh trong giao thông, bước đầu nhận được sự đồng tình từ doanh nghiệp và người dân, song cũng đặt ra hàng loạt câu hỏi về tính khả thi, cơ sở hạ tầng và hỗ trợ chính sách.
Là doanh nghiệp chiếm đến hơn 83% thị phần xe máy Việt Nam, bà Sayaka Arai, Tổng Giám đốc Công ty Honda Việt Nam (HVN) cho biết, việc đẩy mạnh danh mục sản phẩm xe điện, thúc đẩy chuyển đổi xanh là hai trong ba trụ cột chiến lược của doanh nghiệp này. Bên cạnh hai mẫu xe vừa ra mắt thị trường là ICON:e và CUV:e, Honda Việt Nam lên kế hoạch ra mắt 5 mẫu xe máy điện mới giai đoạn 2026 - 2030, mở rộng hoạt động kinh doanh xe điện trên quy mô toàn diện từ năm 2035; đến năm 2040 sẽ chuyển đổi toàn bộ sản phẩm ô tô sang xe điện thuần (EV) hoặc pin nhiên liệu (FCEV).
Tương tự, các thương hiệu ô tô tại Việt Nam như Hyundai, Mercedes-Benz, Kia, Audi, BYD, Wuling… cũng đã ra mắt loạt xe thuần điện. Tuy nhiên, đại diện hãng cũng cho rằng, nhu cầu thị trường vẫn nghiêng về xe xăng do chi phí hợp lý và thói quen sử dụng. Do đó, cần có thời gian để cân đối sản phẩm và mở rộng dịch vụ hậu mãi cho xe điện.
Ở góc độ ngắn hạn, chuyên gia ô tô - xe máy Thế Đạt nhận định, các nhà sản xuất sẽ phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang phương tiện sử dụng năng lượng sạch. Những đơn vị đi trước như VinFast có lợi thế rõ rệt nhờ hệ sinh thái sẵn có về trạm sạc và pin. Trong khi đó, các hãng như Honda, Yamaha sẽ phải đối mặt với áp lực giảm sản lượng xe xăng, chuyển đổi dây chuyền tốn kém và nguy cơ tồn kho.
Với các nhà phân phối, ông Đạt cho rằng, xu hướng thị trường chia thành hai hướng rõ rệt. Các đại lý xe xăng bắt đầu tung các chương trình khuyến mãi mạnh để đẩy hàng tồn. Trong khi đó, hệ thống phân phối xe điện – như của VinFast – đang tăng tốc mở rộng, tập trung vào các khu vực nội đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nơi sẽ áp dụng chính sách hạn chế đầu tiên.
Trong khi đó, phía người tiêu dùng cũng đang trong giai đoạn “nghe ngóng”. Nhiều người lựa chọn tạm hoãn mua xe để chờ các dòng EV giá rẻ hơn hoặc đợi thêm chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận tranh thủ mua xe xăng để sử dụng trong vài năm tới, đặc biệt ở khu vực chưa bị hạn chế.
Băn khoăn nút thắt hạ tầng
Dù đồng thuận với định hướng xanh hóa giao thông, doanh nghiệp và người dân vẫn bày tỏ lo ngại về chi phí đầu tư ban đầu và hạ tầng kỹ thuật còn thiếu, trong khi hệ thống giao thông công cộng chưa được kết nối.
Chị Trần Thị Mai (quận Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: "Xe điện thì giá cao, lại chưa có trạm sạc gần nhà. Tôi sống ở chung cư, muốn lắp trạm sạc cá nhân cũng không được." Anh Vũ Ngọc Thắng (quận Ba Đình) thì cho biết: "Nếu được hỗ trợ vay ưu đãi hoặc miễn giảm thuế phí, tôi sẵn sàng đổi xe. Nhưng hiện chưa thấy cơ chế cụ thể nào được công bố".
Chỉ thị 20 cũng khiến người sở hữu xe xăng lo ngại về khả năng mất giá. Anh Lê Văn Phúc (Hà Đông) cho biết: “Tôi mới mua xe SH hơn 100 triệu cách đây vài tháng. Nếu xe xăng bị hạn chế, không có phụ tùng thay thế hoặc khó đăng kiểm thì người dân như tôi sẽ rất thiệt thòi”.
Theo tư vấn bán hàng của thương hiệu ô tô BYD Giải Phóng: “Mấy ngày nay có nhiều khách đến tìm hiểu xe nhưng chưa ai đặt cọc. Họ chờ xem có gói tín dụng, hỗ trợ thuế hay chính sách đổi xe nào không".
Trong khi đó, chị Thanh Huyền ở quận Tây Hồ cho hay: “Tôi đang có ý định đổi xe máy mới, nhưng có thông tin cấm xe xăng vào nội đô nên tôi đã quyết định dừng việc này và nghe ngóng thêm về chính sách hỗ trợ”.
Theo các chuyên gia, việc cấm xe xăng là đúng hướng, nhưng cần đi kèm chính sách hỗ trợ như tín dụng xanh, trợ giá xe điện, thu cũ đổi mới, và quy hoạch mạng lưới trạm sạc rộng khắp.
Bên cạnh giá thành và hạ tầng, người dân còn lo ngại về độ bền, chi phí thay pin, xử lý pin thải sau sử dụng, cũng như khả năng vận hành xe điện trong điều kiện thời tiết bất lợi.
Ước tính, hiện Hà Nội có gần 7 triệu xe máy, 1,2 triệu ô tô, chưa kể lượng lớn phương tiện từ các tỉnh lân cận vào thành phố mỗi ngày. Do đó, các chuyên gia nhận định, nếu không có lộ trình rõ ràng và chính sách hỗ trợ cụ thể, thị trường có thể sẽ không có động lực chuyển đổi nhanh.
Theo chuyên gia Thế Đạt, nhu cầu xe máy điện chắc chắn sẽ tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên, nếu hạ tầng sạc chưa đủ và giá thành xe chưa phù hợp thu nhập đại đa số người dân, quá trình chuyển đổi sẽ gặp trở ngại. Hơn nữa, xử lý thế nào với hàng triệu xe máy xăng trong một vài năm tới cũng là vấn đề cần phải tính toán kỹ lưỡng.
Chỉ thị 20/CT-TTg được xem là bước ngoặt lớn trong chính sách giao thông xanh của Việt Nam. Nhưng để chủ trương đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, công bằng và không gây gián đoạn thị trường, cần một lộ trình minh bạch, các gói hỗ trợ thiết thực và sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, doanh nghiệp và người dân...