11:08 01/11/2011

Lo ngại việc Hà Nội giao Trung tâm y tế cho chính quyền quản lý - Bài 1: Những bài học đắt giá

Hiện nay, 93,65% tỉnh, thành phố trên toàn quốc thực hiện việc quản lý các đơn vị y tế theo ngành, giao quyền quản lý các trung tâm y tế thuộc về Sở Y tế. Nhưng từ đầu năm nay, TP Hà Nội lại quyết tâm “lội ngược dòng”, giao cho các quận, huyện quản lý các trung tâm y tế.

Hiện nay, 93,65% tỉnh, thành phố trên toàn quốc thực hiện việc quản lý các đơn vị y tế theo ngành, giao quyền quản lý các trung tâm y tế thuộc về Sở Y tế. Nhưng từ đầu năm nay, TP Hà Nội lại quyết tâm “lội ngược dòng”, giao cho các quận, huyện quản lý các trung tâm y tế (Tin Tức đã thông tin trong bài “Ai sẽ quản lý các trung tâm y tế?”, số báo ra ngày 13/8/2011).

Khám chữa răng tại phòng khám đa khoa Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ảnh: Hữu Oai-TTXVN


Thực tế tại các tỉnh, thành phố đã và đang chuyển giao cơ sở y tế về quận, huyện quản lý, là những bài học đắt giá mà TP Hà Nội cần phải tham khảo.

Nhân lực giảm, cơ sở vật chất suy yếu

“Tôi là người “hứng” đủ ba lần tách rồi nhập của mạng lưới y tế cơ sở (gồm trung tâm y tế huyện, trạm y tế xã/phường, y tế thôn bản - PV). Giá như trước khi ra những quyết định đó, các cấp, ngành liên quan tổ chức tổng kết, đánh giá rộng rãi thì sẽ tránh được rất nhiều điều đáng tiếc như đã xảy ra”, bà Đặng Thị Minh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nam Định, khẳng định tại một hội nghị tổng kết công tác ngành y tế diễn ra hồi giữa tháng 9/2011.

Giai đoạn 1990 - 2004, tổ chức mạng lưới y tế cơ sở vốn hoạt động khá hiệu quả theo quy định tại Nghị định số 01 ngày 3/1/1998 của Chính phủ. Theo đó, ở tuyến huyện chỉ có một đầu mối quản lý duy nhất là Trung tâm y tế - TTYT (gồm các Đội y tế, các Khoa chuyên môn và Trạm y tế - TYT xã), đặt dưới sự quản lý của Sở Y tế.

Tuy nhiên, từ năm 2005 – 2008, mạng lưới y tế cơ sở bị xáo trộn nghiêm trọng bởi Nghị định số 171, số 172 và Thông tư liên tịch số 11/2005/TTLT - BYT - BNV. Việc TTYT huyện đồng loạt chia tách thành BV huyện, TTYT dự phòng huyện; rồi lại “đẻ” thêm Phòng Y tế đã gây ra rất nhiều ách tắc trong quản lý, hỗ trợ chuyên môn giữa các đơn vị y tế trên địa bàn. Bởi vì, Phòng Y tế được giao quản lý TYT xã nhưng thiếu năng lực chuyên môn; TTYT dự phòng huyện là nơi hướng dẫn, giám sát TYT về chuyên môn nhưng không quản lý về con người lẫn tài chính nên rất khó chỉ đạo.

“Trong giai đoạn này, muốn triệu tập để tập huấn chuyên môn cho cán bộ xã thì Sở Y tế phải đề xuất ý kiến của Phòng y tế (thuộc cấp huyện quản lý), rồi lãnh đạo huyện có đồng ý thì cán bộ TYT mới được đi tập huấn. Sau 5 năm chuyển giao các TYT cho quận/huyện quản lý, các TYT của Nam Định đã giảm 60% nhân lực, cơ sở vật chất”, bà Minh nhớ lại.

Rất may, ngày 25/4/2008, Thông tư liên tịch số 03/2008/TTLT - BYT - BNV về hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế, Phòng Y tế thuộc UBND cấp tỉnh, huyện (gọi tắt là Thông tư 03) đã được ban hành. Theo đó, từ cuối 2008 đến nay, việc quản lý TYT xã/phường, được “trao trả” về TTYT huyện (đặt dưới sự quản lý trực tiếp của Sở Y tế). Phòng Y tế chỉ đảm nhiệm vai trò tham mưu, giúp UBND cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về y tế, dân số trên địa bàn.

Nhưng đến nay, Quảng Bình vẫn là một trong số ít địa phương chưa thực hiện theo Thông tư 03, việc quản lý TYT vẫn thuộc các quận/huyện.
“Dù chưa tới mức Sở Y tế triệu tập, cán bộ TYT không về tham gia nhưng khi về thì họ lại ít làm theo chỉ đạo. Sở Y tế rất ít khi nhận được những thông tin thống kê ở các xã. Chúng tôi phải làm rất nhiều văn bản gửi về cho UBND huyện, phòng y tế thì việc thống kê mới được thực hiện, song thông tin thường không đầy đủ hoặc không chính xác. Qua kiểm tra sơ bộ cho thấy, 60% TYT xuống cấp, nhiều cán bộ xin chuyển công tác. Thậm chí, có tình trạng TYT cử cán bộ dược trực chuyên môn nên xảy ra trường hợp tử vong mẹ rất đáng tiếc...”, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nay là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, chia sẻ.

Lo ngại về hiệu quả phòng chống dịch bệnh

Theo phản ánh của một số cán bộ ở các TTYT quận, huyện Hà Nội, việc tổ chức mạng lưới y tế theo Thông tư 03 mà Hà Nội đang triển khai rất hiệu quả, Trạm y tế được giao cho TTYT, đặt dưới sự quản lý của Sở Y tế đã thống nhất được hệ thống khám chữa bệnh và thực hiện công tác y tế dự phòng từ TƯ tới cơ sở.

“Mấy năm nay, dưới sự quản lý của các TTYT các TYT cũng thoát được cảnh “một cổ ba tròng”. Công tác phòng chống dịch tại tuyến huyện cũng thoát được cảnh chờ đợi phải báo cáo, xin ý kiến khắp nơi như trước. Các TTYT rất chủ động triển khai các công tác phòng dịch vì được tự chủ về tài chính, không phải chờ đợi Phòng y tế “rót” kinh phí về như trước đây”, một cán bộ TTYT huyện Phúc Thọ, Hà Nội khẳng định.

Cũng bởi vậy, khi thấy UBND Thành phố lại có Quyết định 11, ngày 2/3/2011, trong đó có quy định chuyển TTYT về quận/huyện quản lý thì nhiều cán bộ y tế cơ sở rất hoang mang, không biết tại sao trong vòng chưa đầy 3 năm mà Hà Nội lại ra tới 3 quyết định về việc thay đổi đơn vị quản lý TTYT?
Không chỉ lo lắng về việc thay đổi cán bộ, chờ đợi con dấu, chế độ chính sách thay đổi khi tổ chức đổi thay, nhiều cán bộ y tế cơ sở Hà Nội còn e ngại công tác phòng chống dịch từ tuyến huyện trở xuống tới đây rồi sẽ lại rơi vào cảnh “đau đẻ chờ sáng giăng” như trước. Khi có dịch bệnh bùng phát tại địa phương, thay vì báo cáo thẳng lên Sở Y tế, TTYT có thể sẽ lại phải báo cáo về quận, huyện thông qua Phòng Y tế rồi chờ quận, huyện báo cáo lên thành phố. Kinh phí để dập dịch cũng phải làm đề xuất xin và chờ quận, huyện duyệt chi. Đó là chưa kể, khi có dịch, thảm họa lớn xảy ra, công tác chỉ đạo chuyên môn, triển khai hoạt động phòng, chống dịch bệnh giữa các quận, huyện sẽ có nguy cơ lâm vào tình trạng chậm trễ, kém hiệu quả vì phải qua nhiều “cầu” quản lý.

Phương Liên

Bài 2: “Cần cân nhắc, tránh xáo trộn không cần thiết”