04:15 04/04/2019

Lo ngại nhiều mặt hàng 'ăn theo' giá xăng tăng

Trước việc giá bán lẻ xăng dầu đã tăng gần 1.500 đồng/lít cùng với tác động cộng hưởng từ tăng giá điện trước đó nửa tháng, nhiều ý kiến lo ngại giá cả hàng hóa tiêu dùng và cước vận tải có thể sẽ tăng theo. 

Chú thích ảnh
Quầy bán rau xanh tại chợ Hàng Bè. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Khảo sát giá tại chợ Mơ, chợ 8-3 (Hà Nội), giá cả nhiều mặt hàng đã nhích nhẹ so với thời điểm cuối tháng trước. Cụ thể giá thịt bò ở mức 230.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg; thịt gà lông có giá 115.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg, cá chép giá 75.000 - 80.000 đồng/kg. Giá ốc nhồi hiện ở mức từ 80.000 - 85.000 đồng/kg..., tăng khoảng 8.000 - 10.000 đồng/kg. 

Mặt hàng rau xanh giá có mức tăng nhẹ, giá xu hào 5.000 đồng/củ (tăng 1.000 đồng), củ cải trắng 15.000 đồng/kg, rau muống 15.000 - 17.000 đồng/mớ (tăng nhẹ 1.000 - 2.000 đồng). 

Nhiều tiểu thương tại chợ cho biết, giá xăng mới tăng gần 1.500 đồng (tương đương 8%) và cùng với đó, thời tiết mưa khiến cho nhiều mặt hàng khan hiếm, buộc phải tăng giá. Dự báo thời gian tới, khi chính thức bước vào kỳ nghỉ lễ Giỗ tổ và dịp 30/4 - 1/5, giá cả sẽ còn tiếp tục tăng.

Về phía các doanh nghiệp sản xuất, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, giá điện và xăng tăng liên tiếp chắc chắn khiến cho hoạt động tiêu dùng của người dân và sản xuất của doanh nghiệp gặp khó. Ngành thép là ngành tiêu tốn nhiều năng lượng để sản xuất.

"Vừa qua, giá điện tăng khiến cho giá thép của nhiều doanh nghiệp buộc phải tăng thêm hơn 100.000 đồng/tấn. Với mức tăng của giá xăng, gánh nặng về chi phí đầu vào sẽ tăng hơn nữa", ông Sưa nói.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Kết, Giám đốc Công ty Cơ khí SKD Việt Nam, giá xăng cùng giá điện tăng khiến cho áp lực chi phí đầu vào sản xuất lớn hơn. Trong khi đó, giá bán sản phẩm lại không thể tăng nhiều do yếu tố cạnh tranh. Điều này đang khiến doanh nghiệp gặp khó khăn.

Giá xăng tăng, điện tăng, đang khiến nhiều người lo ngại sẽ tác động tới giá cả tiêu dùng trong tháng 4 này. Với ngành vận tải, giá xăng dầu, chiếm tới 40% chi phí đầu vào, chắc chắn, mức ảnh hưởng sẽ còn lớn hơn nữa.

Theo anh Nguyễn Ngọc Tú, lái xe tuyến Hà Nội - Nội Bài, giá xăng tăng mức hơn 8% có ảnh hưởng lớn tới thu nhập của mình. Anh Tú cho biết, mỗi tháng anh chạy hết 5.000 km, tương đương 350 lít xăng và bằng khoảng 7 triệu đồng tiền xăng. Như vậy, với mức tăng giá xăng vừa qua, mỗi tháng cánh lái xe sẽ phải chịu thêm khoảng hơn 600.000 đồng tiền xăng.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, phó chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết, giá xăng tăng đã nằm trong dự tính của các doanh nghiệp, nhưng việc tăng giá xăng thêm tới gần 1.500 đồng/lít vẫn gây nhiều bất ngờ. Việc tăng giá cước vận tải là điều khó thực hiện ngay với các doanh nghiệp taxi, dù tác động của lần tăng giá này khiến doanh nghiệp ngành taxi giảm lợi nhuận tới 30%. Với diễn biến giá xăng dầu như hiện nay, nếu giá xăng tiếp tục tăng mạnh trong kỳ điều chỉnh tới, buộc doanh nghiệp sẽ phải tăng giá cước, bởi khi đó, chi phí cho xăng dầu sẽ tăng ở mức trên 10%. 

Cũng theo ông Bùi Danh Liên, đại diện HTX vận tải Thăng Long, chi phí nhiên liệu chiếm tới 35 - 40% giá cước vận tải, do vậy việc giá xăng tăng chắc chắn tác động lớn tới các doanh nghiệp. Theo sau đó là rất nhiều ngành có sử dụng dịch vụ vận tải hàng, như nông nghiệp, sản xuất công nghiệp, du lịch sẽ bị ảnh hưởng, nếu ngành vận tải tăng giá cước theo giá xăng.

Nhiều doanh nghiệp đã ký hợp đồng vận tải từ trước sẽ rất khó để có thể thỏa thuận với chủ hàng điều chỉnh giá. “Đó là chưa kể tới các chi phí cầu đường, giá điện... cũng là áp lực không nhỏ cho doanh nghiệp. Trong khi đó, muốn điều chỉnh được mức cước taxi, hay cước vận tải đường dài lại không phải có thể làm trong ngày một ngày hai”, ông Liên nói.

Với mức tăng giá xăng và giá điện như thời gian qua, nhiều chuyên gia lo ngại sẽ gây ra tác động kép đến giá cả các mặt hàng tiêu dùng và vận tải.

Đức Dũng (TTXVN)