05:22 26/05/2016

Lo ngại hồ tiêu trồng ồ ạt

Khác với số phận "chìm nổi" của nhiều loại nông sản khác, liên tục gần 10 năm qua cây hồ tiêu luôn duy trì sự "phong độ" về giá, đem lại lợi nhuận ổn định cho bà con. Tuy nhiên, việc tăng ồ ạt diện tích hồ tiêu tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Được mùa xuất khẩu

Khác với tình trạng trầm lắng các tháng đầu năm, do có biến động mạnh về giá, từ tháng 4 đến nay, thị trường hồ tiêu bắt đầu sôi động trở lại, hiện tăng thêm 30.000 - 40.000 đồng/kg so với thời điểm tháng 3. Giá tiêu xuất khẩu cũng tăng, đạt hơn 8.000 USD/tấn (tiêu đen) và 11.550 USD/tấn (tiêu trắng), cao hơn tháng 3/2016 khoảng 5%. Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết, tính đến hết tháng 4, Việt Nam đã xuất khẩu gần 70.000 tấn hồ tiêu, đạt kim ngạch hơn 562 triệu USD, tăng gần 24% về lượng và khoảng 10% về giá so với cùng kỳ năm 2015.

"Hiện tiêu được các doanh nghiệp thu mua trong dân có giá dao động từ 170.000-180.000 đồng/kg và dù có thấp hơn so với cùng kỳ khoảng 20.000 đồng/kg nhưng cũng đem lại lợi nhuận cao. Năm nay hồ tiêu sẽ tiếp tục gặt hái được những thành tích xuất khẩu như năm 2015, vượt kế hoạch đề ra. Đến nay ngành hồ tiêu Việt Nam đã chiếm trên 56% sản lượng thương mại của thế giới, giữ vị trí dẫn đầu trên quy mô toàn cầu", ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch VPA nhận xét.

Trồng hồ tiêu tại hộ gia đình ở xã Láng Lớn, huyện Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu).

Theo tính toán của VPA, châu Á đang là khu vực có sản lượng hồ tiêu lớn nhất thế giới khi chiếm đến khoảng 83% tổng sản lượng, trong đó các nước Đông Nam Á chiếm hơn 60%. Đặc biệt nhờ năng suất cây trồng tăng và giá nhân công rẻ đã giúp cho việc trồng hồ tiêu thu được nhiều lợi nhuận, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia duy nhất có sản lượng hồ tiêu tăng mạnh. Trong thời gian tới sản lượng hồ tiêu vẫn tiếp tục duy trì cân bằng với sức tiêu thụ trên toàn thế giới và giá tiêu dự báo sẽ vẫn giữ mức cao. Lượng hồ tiêu tiêu thụ có thể tiếp tục tăng từ 2 - 3%/năm, chủ yếu tập trung tại các quốc gia đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ... Những quốc gia có số lượng nhập khẩu hồ tiêu lớn nhất sẽ vẫn thuộc về Mỹ, Ấn Độ, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất...

Nguy hiểm trồng tự phát

Hồ tiêu cho lợi nhuận cao, ổn định đang tạo động lực để "nhà nhà" trồng tiêu, "người người" trồng tiêu. Tại tỉnh Gia Lai, theo quy hoạch của tỉnh, đến năm 2020 diện tích hồ tiêu trên toàn tỉnh ở mức 6.000 ha nhưng hiện con số đã tăng lên hơn gấp đôi. Còn tỉnh Đak Nông tính đến tháng 5/2016, diện tích hồ tiêu đã lên tới con số gần 20.000 ha, vượt xa kế hoạch đến năm 2025 là 12.951 ha... Tương tự, tại tỉnh Đắk Lắk vốn nổi danh là thủ phủ của cây cà phê, hiện nhà nông cũng đang “say nắng” với phong trào trồng hồ tiêu. Tính đến thời điểm tháng 5/ 2016, tỉnh này đã có gần 22.000 ha hồ tiêu, vượt khoảng 15.000 ha so với diện tích quy hoạch của năm 2015, trở thành địa phương có diện tích tiêu nhiều nhất khu vực Tây Nguyên.

"Chỉ tính đến hết quý I/2016, tổng diện tích hồ tiêu cả nước đã đạt khoảng 100.000 ha, vượt gấp đôi con số quy hoạch đến năm 2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thực tế cho thấy, diện tích hồ tiêu ở các tỉnh Đông Nam Bộ và đặc biệt khu vực Tây Nguyên sẽ còn tiếp tục tăng từ 10% đến 20% trong thời gian tới", ông Đỗ Hà Nam lo ngại.

Theo các chuyên gia trong ngành, diện tích cây hồ tiêu đang tăng nhanh, khó kiểm soát và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Sau thời gian phát triển, rất dễ dẫn đến tình trạng tiêu nhiễm bệnh chết hàng loạt, gây thiệt hại lớn cho bà con nông dân. Hiện cây hồ tiêu được bà con trồng trên nhiều chân đất khác nhau, kể cả ở những nơi không phù hợp, chưa xử lý tuyến trùng hại rễ hoặc lạm dụng phân bón, thuốc trừ sâu trong việc chăm sóc nhằm tăng năng xuất làm cho chất lượng hồ tiêu Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu của các thị trường khó tính.

Ông Đỗ Hà Nam cho rằng, ngành hồ tiêu đang trong giai đoạn tăng trưởng nóng và nếu ngành chức năng không có biện pháp hạn chế sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bền vững của ngành. Dù chiếm số lượng thống lĩnh thị trường nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn phải nhập khẩu hồ tiêu chất lượng cao từ bên ngoài để xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu...

"Thiếu thông tin, không nắm kỹ thuật phòng chống dịch bệnh, chạy theo phong trào, nhiều hộ gia đình đã mua giống trôi nổi trên thị trường. 

Tình trạng này tiềm ẩn nhiều nguy cơ khiến tiêu bị dịch bệnh chết hàng loạt, hoặc không có trái. Thực tế để trồng 1 ha tiêu, bà con nông dân phải đầu tư trên 500 triệu đồng tính từ khâu làm đất, cây giống, trụ… và nếu có chuyện không may xảy ra, tổn thất cho nhà nông là không hề nhỏ". 

Tiến sĩ Trần Vinh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên.


Lê Nghĩa