08:01 06/08/2018

Lo ngại bẫy nợ Trung Quốc, Myanmar cắt giảm quy mô cho thuê cảng nước sâu

Myanmar đã cắt giảm quy mô dự án xây dựng một hải cảng ở miền Tây nước này bằng nguồn vốn vay Trung Quốc, sau khi xuất hiện lo ngại dự án góp phần khiến quốc gia Đông Nam Á này phải gánh thêm nhiều nợ nần.

Chú thích ảnh
Cảng nước sâu Kyauk Pyu. Ảnh: SCMP

Theo một quan chức chính phủ cấp cao và một cố vấn trả lời hãng tin Reuters, nguồn vốn đầu tư ban đầu dành cho cảng nước sâu Kyauk Pyu, đỉnh phía Tây của bang Rakhine, là 7,3 tỷ USD.

Tuy nhiên, con số này cùng báo cáo về các dự án do Trung Quốc hỗ trợ gặp rắc rối ở Sri Lanka và Pakistan đã gióng lên hồi chuông báo động đối với Chính phủ Myanmar.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Myanmar Set Aung, người được chỉ định dẫn đầu các cuộc đàm phán liên quan tới dự án hồi tháng 5, tuyên bố “quy mô dự án đã được thu nhỏ lại đáng kể”.

Kinh phí đầu tư dự án điều chỉnh sẽ giảm xuống chỉ còn “khoảng 1,3 tỷ USD, một khoản tiền hợp lý hơn nhiều đối với quá trình sử dụng”, Sean Turnell, Cố vấn kinh tế của Chính phủ Myanmar, giải thích.

Tập đoàn quốc doanh CITIC.UL của Trung Quốc, nhà phát triển chính của dự án, cho biết các cuộc đàm phán đang được tiến hành và 1,3 tỷ USD đã được chi cho "giai đoạn ban đầu" của dự án xây cảng. Trước đó, dự án này được chia thành bốn giai đoạn.

Kế hoạch ban đầu xây dựng cảng nước sâu Kyauk Pyu là phát triển khoảng 10 bến để có thể tiếp nhận các tàu chở dầu cỡ hơn.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng ngày 30/7 thông báo: "Theo tôi được biết, hiện nay cả hai bên đều đang đàm phán thương mại về dự án cảng nước sâu Kyauk Pyu và các cuộc đàm phán vẫn đang được thúc đẩy”.

Cảng Kyauk Pyu là một phần quan trọng trong sáng kiến “Vành đai, Con đường” đầy tham vọng của Trung Quốc, nhằm mở rộng các liên kết thương mại trên toàn thế giới. Trong khi Bắc Kinh tuyên bố “Vành đai, Con đường” có lợi cho Trung Quốc và tất cả các đối tác, thì không ít đối tác bắt đầu tự đặt câu hỏi phải chăng nước họ đang phải gánh những khoản nợ quá mức để xây dựng các dự án.

Giới phân tích cho biết ngay trong Chính phủ Myanmar đang xuất hiện nhiều lo lắng về việc quốc gia này phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc. Richard Horsey, một cựu nhân viên ngoại giao và là nhà phân tích chính trị ở Yangon, giải thích: “Các cuộc tranh luận đang được diễn ra ngay trong chính phủ. Có người bày tỏ quan điểm mạnh mẽ lo lắng về việc Myanmar quá phụ thuộc vào Trung Quốc”.

Bẫy nợ

Bắc Kinh đang đẩy mạnh các cơ hội chiến lược ở Myanmar, bao gồm việc tiếp cận các ưu đãi đối với cảng Kyauk Pyu.

Kyauk Pyu là điểm khởi đầu đặt đường ống dài 770 km vận chuyển dầu và khí đốt cho tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Điều này mang lại cho Trung Quốc một lộ trình thay thế cho tuyến đường nhập khẩu năng lượng từ Trung Đông, tránh được các rủi ro tiềm tàng khi đưa dầu đi qua Eo biển Malacca.

Theo kế hoạch ban đầu, chi phí để xây dựng cảng, và một đặc khu kinh tế đi kèm, lên đến 10 tỷ USD, dự kiến khởi công năm 2018. Một khu công nghiệp trị giá 4,2 tỷ USD cũng đã được lên kế hoạch thu hút các nhà sản xuất ngành lọc dầu và dệt.

Tuy nhiên, đánh giá từ bài học của Sri Lanka, giới chức Myanmar bắt đầu lo ngại việc ký hợp đồng với Trung Quốc cho thuê một cảng chiến lược để thanh toán các khoản vay.

Thỏa thuận cắt giảm quy mô dự án cảng nước sâu đã "giúp giảm đáng kể các rủi ro tài chính" và cho thấy rằng "những lo ngại về nợ nần và chủ quyền đã và đang được giải quyết", Turnell, một nhà kinh tế Australia đánh giá.

Thứ trưởng Tài chính Set Aung cho biết thêm thời gian triển khai dự án có thể đẩy lui vài tháng vì Myanmar đang tìm thuê một công ty tư vấn quốc tế để xem xét chi phí đầu tư. “Hiện tại, ưu tiên của chúng tôi là đảm bảo không có gánh nặng nợ nần đối với Chính phủ Myanmar".

Hồng Hạnh/Báo Tin tức